Thu mua sắn dây |
Phát triển trồng sắn dây đã trở thành một hướng thâm canh cây trồng có “truyền thống” của nông dân ở đây. Chia sẻ về kinh nghiệm trồng, anh Vũ Thế Điệu (KP1) cho biết, cây giống sắn dây là do bà con nông dân tự chiết hoặc mua tại một số hộ chuyên làm bầu giống. Khi chuẩn bị xuống giống phải đào hố khoản sâu 60cm, rộng gần 1m, trộn các loại phân cho vào hố, sau đó mới trồng. Trong thời gian khoản 4 tháng đầu phải chăm, bón phân thường xuyên, đến lúc dây tạo củ, moi đất ra cắt tỉa những cũ xấu bỏ đi, lấp lại. Lúc này, chỉ tập trung tưới nước đều cho đến khi thu hoạch. Do một vụ sắn chỉ kéo dài khoảng 8 tháng, nên sau khi thu hoạch, nông dân tranh thủ thâm canh thêm vụ hoa màu kịp bán vào dịp Tết Nguyên đán, tăng thêm nguồn thu cho gia đình.
Thu nhập từ sắn dây không hề thua kém nhiều loại cây trồng khác. Chị Vũ Thị Liệu (KP1) cho biết, gia đình chị trồng hơn 1.000 gốc, mới đào chưa được 300 gốc đã được 3 tấn, với giá 10.000 đồng/kg tại ruộng đã “kiếm” được 30 triệu đồng, bán hết cả vườn có thể thu đến cả trăm triệu đồng. Ở ruộng sắn gần bên, anh Vũ Thế Thảo cho biết, vừa mới thu hoạch xong 3,5 công trồng 1.000 gốc sắn dây, bán gần 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi hơn 70 triệu đồng. Anh Thảo cho rằng, với diện tích như thế, trồng khoai mì chắc chắn sẽ không cho lợi nhuận bằng trồng sắn dây. Anh Vũ Thế Điệu- một trong những người có diện tích trồng sắn dây nhiều- khoản 7 công đất trồng 1.750 gốc sắn dây, thu hoạch trung bình 10 kg/gốc, đã bán được không dưới 150 triệu đồng.
Không chỉ gia đình anh Điệu, chị Liệu, anh Thảo mà ở thị trấn Châu Thành còn rất nhiều hộ trồng sắn dây cho thu nhập rất cao. Tuy nhiên, hầu hết người trồng sắn dây ở đây đều băn khoăn về giá cả thường biến động- đầu vụ 16.000đ/kg đến gần cuối vụ còn 9.000đ/kg. Đồng thời họ cũng mong muốn có nhà máy chế biến tinh bột sắn dây trên địa bàn để nông dân yên tâm đầu tư mở rộng sản xuất.
Theo BTNO