“Vua lan” Nguyễn Văn Trở |
Những ngày cuối năm, bão rớt. Từ Uỷ ban xã Gia Lộc tới vườn lan Hoàng Gia chừng 5 cây số nhưng chừng rất dài, bởi đoạn đường đang thi công làm chậm lại những vòng bánh xe. Đã vậy, cái địa danh Bàu Chéo, Lộc Khê càng làm cho người mới đến tăng thêm cảm giác… đi hoài không tới.
Nhưng rồi tôi cũng đã tới. Quả không hổ danh “Hoàng Gia”. Đó là vườn lan có lẽ lớn và đẹp nhất xứ Trảng và cả tỉnh Tây Ninh- ít nhất là trong sự hiểu biết của tôi. Khi cánh cổng rào to, nặng mở ra, người tôi như lâng lâng, bay bổng, bởi khung cảnh quá đỗi thơ mộng nơi đây. Căn nhà rộng nép dưới giàn hoa tạo một cảm giác thật thanh bình. Phía sau đó là hàng chục ngàn gốc lan Mokara và Danro đang vươn những cành hoa rực rỡ sắc màu như mời mọc khách tham quan. “Vua lan”- như lời đồn đãi của mọi người có nét mặt hiền lành, chân chất, đón khách trong bộ quần áo lao động thường ngày. Chín giờ rưỡi sáng nhưng “vua” mới vừa xong bữa điểm tâm bằng… tô mì gói. Thấy chúng tôi mắt tròn mắt dẹt nhìn mình lạ lẫm, anh cười: “Công chuyện nhiều quá. Sáng nay cắt bông giao sớm nên không rảnh chạy đi ra tiệm. Ăn ở nhà gọn nhất chỉ có món đó!”.
Anh Trở dẫn chúng tôi đi thăm vườn, vừa đi vừa giới thiệu từng khu vực, từng tên hoa trong họ Mokara lẫn Danro. Anh say sưa nói về cách trồng và chăm sóc lan theo một quy trình hiện đại, cả những lời tâm sự xung quanh chuyện làm ăn.
Nghề trồng lan không phải là lựa chọn ban đầu của anh Trở. Cũng không phải tự nhiên mà anh chuyển đổi mô hình sản xuất. Trước, tuy đất nhà rộng rãi và dù anh đã cố gắng hết sức mình, hết trồng lúa tới trồng đậu, nuôi bò sữa, nuôi heo… nhưng cuộc sống cũng không khá lên nổi. Chán quá, anh Trở bỏ đi thành phố Hồ Chí Minh làm công nhân. Trong những lúc rảnh rang, được nghe đài, đọc báo, thấy nông dân thành phố được khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có giới thiệu mô hình trồng lan cắt cành, anh Trở đâm “kết” mô hình này. Anh tự nhủ: người ta làm được, sao mình không làm được?
Được một người bạn ở thành phố khuyến khích và tận tình hướng dẫn, anh Trở bắt đầu đến với nghề trồng lan. Anh chịu khó tìm hiểu thêm tài liệu, sách báo, tập theo dõi, quan sát thị trường. Thế còn chưa đủ, anh ghi danh theo học một khoá chuyên trồng hoa lan, trong đó chú trọng về loại lan cắt cành vì loại này dễ trồng, dễ bán, lại phù hợp thổ nhưỡng địa phương.
Năm 2004, vườn lan Hoàng Gia xứ Trảng của anh Trở hình thành với quy mô 0,8 ha, ngay trên mảnh ruộng gò của gia đình anh. Lúc đó, nông dân vùng này chỉ biết trồng cây nông nghiệp truyền thống như lúa, đậu, rau màu. Bởi vậy, khi anh Trở gom góp vốn liếng, vay mượn thêm để trồng hoa lan, mọi người cứ nghi nghi hoặc hoặc. Mặc kệ, anh cứ lẳng lặng làm. Cây con, anh mua từ các vườn ươm và đầu mối ở thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, có loại được nhân giống trong nước, có loại nhập từ Thái Lan về. Anh đổ hết tiền của và tâm huyết của mình vào vườn lan. Từ sáng sớm tới tối mịt, hai vợ chồng anh cùng lúi húi ngoài vườn, hết tưới đến làm đất, vô phân… Vừa làm vừa học, sau 8 tháng đầu tư, chăm sóc, anh Trở cũng nếm trải được niềm vui sướng khi vườn lan cho ra những bông hoa đầu tiên. Sang đến năm thứ hai, lan bắt đầu phát triển tốt, cho thu hoạch rộ. Thương lái từ các tỉnh, đặc biệt ở thành phố Hồ Chí Minh nghe tiếng đã tìm đến vườn lan Hoàng Gia đặt hàng với số lượng lớn.
Những cành hoa lan khoe sắc trong vườn |
Thấy tình hình có vẻ khả quan, anh Trở tăng dần diện tích trồng lan lên 1,2 ha và hiện nay đã lên tới 1,8 ha với gần 60.000 gốc lan. Trung bình 2 - 3 ngày anh cắt hoa một lần, mỗi tuần thu hoạch được trên dưới 4.000 cành. Với giá cả dao động từ 3.000 - 18.000 đồng/cành tuỳ màu sắc, độ dày của cánh hoa, ông vua lan xứ Trảng đã có thu nhập “khủng”- vài trăm triệu mỗi tháng. Vườn lan của anh Trở đã trở thành điểm đến tham quan, thực tập của các sinh viên và những nông dân muốn theo nghề này. Ông vua lan Nguyễn Văn Trở sẵn sàng “vi hành” tận nơi để hướng dẫn cho bà con nông dân từ cách thiết kế vườn lan đến khâu chọn giống, xịt thuốc, bón phân… mà không đòi hỏi thù lao, công sá gì. Khá nhiều nơi ở các tỉnh thành miền Đông, Tây Nam bộ đã in dấu chân anh. Hỏi vì sao không tính công, anh chỉ cười: “Vì mình đã từng nghèo, nên mình hiểu cái nghèo khiến con người ta bức bách đến mức nào. Với một vài triệu, người nông dân nghèo có thể mua vài trăm cây giống, và nếu chăm sóc tốt thì một năm sau đã cho ra vài trăm cây nữa… cái nghèo họ sẽ bớt đi. Sao mình lại nhận thù lao khi mình đã không còn thiếu hụt gì?”. Anh Trở sẵn lòng bán chịu con giống cho bà con muốn trồng lan nhưng thiếu vốn. Anh cũng có ý muốn tìm một số anh em trẻ, có tâm huyết với cây lan, đào tạo họ theo nghề để làm giàu cho chính bản thân và gia đình họ nhưng đáng tiếc “thầy” vẫn chưa tìm được “đệ tử”.
Hiện vườn lan Hoàng Gia của anh Trở có 6 công nhân nhưng vẫn làm không hết việc. Tuyển người làm công việc này cũng thật khó. Người lớn tuổi không làm được vì không đủ sức, còn thanh niên trẻ tuổi lại hay xốc nổi, thích tự do theo ý mình chứ không tuân thủ đúng theo sự hướng dẫn, trong khi chỉ cần sơ suất kỹ thuật chút xíu là hư cây. Nhiều người khi thấy cây lan có dấu hiệu khác thường, biết mình làm sai là… bỏ việc, thậm chí trốn luôn.
Xã Gia Lộc nói riêng, huyện Trảng Bàng nói chung bây giờ đã là vùng đất “đẹp” bởi những vườn lan càng ngày càng được mở rộng. Nơi đây cũng là nguồn cung cấp hoa lan chủ lực cho tỉnh nhà và cho thị trường hoa ở thành phố Hồ Chí Minh. Điều băn khoăn hiện nay là chính sách hỗ trợ vốn cho nông dân trồng lan còn quá thấp. Năm trước, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã “rót” xuống cho các hộ trồng lan huyện Trảng Bàng 500 triệu đồng, tính bình quân mỗi hộ được vay tối đa 20 triệu. Nhưng, hiện nay, nông dân muốn đầu tư trồng lan với diện tích chừng 10.000m2 , tính ra chi phí đầu tư các thứ phải cần khoảng 2 - 3 tỷ đồng. Nếu được hỗ trợ đúng mức, khả năng phát triển một vùng chuyên canh trồng lan rộng lớn, ăn nên làm ra tại xứ này không phải là điều không thể.
Theo BTNO