Đệm lót sinh học là công nghệ mới được ngành chăn nuôi heo và gia cầm áp dụng nhằm làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường, vật nuôi tăng trưởng nhanh hơn, ít tốn công chăm sóc, tăng lợi nhuận cho nông hộ. Đệm lót sinh học tạo ra môi trường thuận lợi để vi sinh phát triển làm phân hủy hoàn toàn phân và nước tiểu của heo, không còn phát ra mùi hôi, không phải làm vệ sinh chuồng trại trong một thời gian khá dài. Cách làm đệm lót sinh học lại khá dễ, bằng các loại nguyên liệu tại chỗ, mọi gia đình đều có thể tự làm được.
Anh Võ Thành Tân tại chuồng nuôi heo có sử dụng đệm lót sinh học |
Để làm đệm lót sinh học, hệ thống chuồng nuôi phải được xây dựng cao ráo thoáng mát, không xây kín mà để hở và làm hai mái chồng nhau (có thể lợp bằng tấm lợp proximăng hoặc lợp bằng lá) để tạo thông thoáng tối đa. Chuẩn bị và trộn đều nguyên liệu mạt cưa, vỏ trấu, cám bắp cùng bột men BALASA-No1 rải ra nền chuồng, tạo thành lớp “đệm” có độ dày ít nhất 60cm, dùng tấm mủ nilon đậy kín phía trên, ủ trong thời gian 7 đến 10 ngày, sau đó dỡ bỏ lớp tấm mủ nilon và thả heo vào nuôi.
Trong suốt quá trình thả nuôi heo trong chuồng có sử dụng đệm sinh học, tuyệt đối không dùng nước tắm cho heo. Với diện tích 12m2 chuồng có sử dụng đệm sinh học nuôi được 8 con heo thịt; từ 7 đến 10 ngày dùng cào trộn bề mặt của lớp hỗn hợp phía trên tạo sự thông thoáng cho bề mặt của đệm lót sinh học; sau khi nuôi từ 10 đến 12 lứa heo thì lấy toàn bộ lớp hỗn hợp ra làm phân bón, tiếp tục lại quy trình như lúc đầu.
Anh Võ Thành Tân ngụ ấp Bàu Dài, xã Phước Ninh là người đã áp dụng thành công mô hình này. Anh Tân cho biết: Heo thả trong chuồng có lớp đệm sinh học khỏe mạnh, lớn nhanh hơn các ngăn chuồng khác, và hoàn toàn không phải làm vệ sinh chuồng. Việc sử dụng đệm lót sinh học còn được áp dụng trong chăn nuôi gà, cút… Bột men BALASA-No1 còn được sử dụng để khử mùi hôi thối ở các cống rãnh, bãi rác thải. Đây là một cơ hội cho những gia đình chăn nuôi nhỏ, lẻ trong khu dân cư, không có nước thải, không cần xử lý bằng bioga mà vẫn bảo đảm vệ sinh môi trường.