Trưởng ấp Chum Chôm Ran (thứ nhất bên trái) trao đổi kinh nghiệm trồng và chăm sóc mía đạt năng suất chất lượng cao với BCH Hội Nông dân xã Tân Đông |
Đầu năm 1980 ông ra quân, trở về địa phương. Khi đó đời sống của gia đình ông cũng như hầu hết bà con dân tộc Khmer ở trong ấp Tầm Phô còn gặp nhiều khó khăn, nhà tranh vách đất, không có vốn để đầu tư sản xuất nên thu nhập kém. Khi được Nhà nước và ban, ngành, đoàn thể cho vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất, nhân dân trong ấp dần yên tâm gắn bó với vùng đất biên giới và tăng cường sản xuất nâng cao đời sống. Ông Chum Chôm Ran là một trong những người tích cực tuyên truyền vận động nhân dân định canh định cư để an cư lạc nghiệp. Tất cả các buổi hội thảo, tập huấn khoa học kỹ thuật về trồng trọt chăn nuôi do Hội Nông dân xã tổ chức, ông đều đến tham dự và vận động mọi người cùng đến học tập, áp dụng vào sản xuất. Ông luôn xác định chỉ có đầu tư chăm sóc tốt và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây trồng mới có năng suất cao. Từ đó, ông thường xuyên đi học hỏi kinh nghiệm trồng trọt, chăm sóc mì, mía, cao su… để về ứng dụng vào sản xuất, đồng thời phổ biến kinh nghiệm cho bà con xóm ấp.
Từ quyết tâm ấy, đến nay gia đình ông Chum Chôm Ran đã có trên 11 ha đất sản xuất, trong đó có 8 ha trồng mía và 3 ha trồng cao su xen mì. Năng suất mía của ông hằng năm thường đạt bình quân khoảng 90 tấn/ha. Bên cạnh đó, ông còn chăn nuôi trâu bò, heo, gà vịt để tăng thêm thu nhập. Đời sống kinh tế của gia đình ngày càng ổn định, khá giả, 4 người con của ông đều được học hành, đã trưởng thành và có cuộc sống riêng ổn định. Ông đã xây dựng được ngôi nhà rộng rãi khang trang, đầy đủ các tiện nghi sinh hoạt. Nhiều năm liền ông được bình bầu là nông dân sản xuất giỏi.
Không chỉ sản xuất giỏi, ông Chum Chôm Ran còn hăng hái tham gia công tác xã hội. Từ năm 2000 đến nay, ông liên tục được nhân dân tín nhiệm bầu làm Trưởng ấp Tầm Phô. Ấp có 100% dân số là người dân tộc Khmer, gồm 170 hộ dân, được chia làm 6 tổ tự quản và có 3 km đường biên giới giáp nước bạn Campuchia. Là Trưởng ấp, ông luôn đi đến tận các tổ tự quản, trực tiếp nắm bắt tình hình an ninh trật tự và đời sống của nhân dân. Qua đó, ông vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương, chính sách; tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả kinh tế… Trước kia, 100% diện tích đất đai trong ấp trồng lúa năng suất thấp, hiện nay có hơn 90% chuyển sang trồng cao su, mía, mì. Kinh tế ấp Tầm Phô ngày càng phát triển, số hộ dân có đời sống kinh tế khá và giàu đang tăng lên, hộ nghèo từ 57 hộ giảm xuống còn 29 hộ. Trong 6 năm liên tục, ấp Tầm Phô được giữ vững danh hiệu Ấp Văn hoá.
Là Trưởng ấp ở vùng biên giới, nên ông Chum Chôm Ran rất quan tâm đến việc xây dựng và bảo vệ tình đoàn kết hữu nghị lâu đời của hai dân tộc Việt Nam – Campuchia. Ông cùng với ban, ngành, đoàn thể thường xuyên gặp gỡ trưởng phum, già làng của ấp Ta Nong Lech (xã Chan Mul, huyện Memot, tỉnh Kampong Cham, Vương quốc Campuchia) để trao đổi tình hình và vận động nhân dân chấp hành pháp luật của mỗi quốc gia, thực hiện tốt quy chế biên giới. Nhiều năm qua, ông tham gia cùng cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 819 làm tốt công tác dân vận, xây dựng 4 căn nhà đại đoàn kết cho người nghèo, phát quang và tu sửa, xây dựng trên 4.500m đường, tổ chức khám chữa bệnh cấp thuốc miễn phí và trao tặng trên 200 phần quà giúp cho người nghèo…
Ấp Tầm Phô cũng phối hợp chặt chẽ với cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng thành lập các tổ liên kết bảo vệ an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, cột mốc, vận động nhân dân “tự phòng, tự chống” tệ nạn trộm cắp, cướp giật, phát hiện tố giác kịp thời các loại tội phạm cho đồn biên phòng và chính quyền điều tra xử lý. Từ việc phối hợp, trong thời gian qua, nhân dân trong khu vực đã phát hiện và cung cấp 21 tin tức có giá trị. Đội TTND của ấp phối hợp với cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng 819 điều tra bắt 2 đối tượng từ bên kia biên giới sang Việt Nam trộm cắp xe mô tô…
Theo BTNO