Những năm qua tình trạng trộm, cướp, giết người, hiếp dâm trẻ em, buôn bán phụ nữ, ma túy, mại dâm… có chiều hướng ngày càng gia tăng về số lượng và mức độ phạm tội, thủ đoạn phạm tội của các đối tượng khá tinh vi, thậm chí đã hình thành các băng nhóm tội phạm có tính chất nguy hiểm. Trong số đó, các đối tượng phạm tội là người chưa vị thành niên chiếm tỷ lệ khá cao. Tình trạng tội phạm đã và đang gây nhiều nhức nhối, bức xúc trong dư luận, số vụ án bọn tội phạm thực hiện với tính chất nghiêm trọng ngày càng tăng.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng đối tượng phạm tội ngày càng trẻ hóa là do nhận thức và hành động của lứa tuổi thanh thiếu niên còn hạn chế về kiến thức nói chung và kiến thức pháp luật nói riêng, không làm chủ được hành động, thường bị kích động, rủ rê, lôi kéo và bị người khác lợi dụng. Ngoài ra, họ chưa được trang bị đầy đủ kiến thức đặc biệt là kiến thức pháp luật nên chưa nhận thức được hành vi của mình là vi phạm pháp luật.
Để góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở cơ sở, một số giải pháp được để ra nhằm thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống tội phạm giai đoạn hiện nay như sau:
Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về công tác phòng, chống tội phạm trên tất cả các phương tiện thông tin đại chúng, vận động người dân nêu cao ý thức về phòng chống và tố giác tội phạm. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào "Toàn dân tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư" và gắn với việc thực hiện phong trào "Chung tay xây dựng nông thôn mới".
Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật là công việc lâu dài, phải làm thường xuyên và liên tục. Do đó cần phải có bước đi thích hợp, không chạy theo phong trào, thành tích mà phải đi vào chiều sâu làm cho pháp luật thấm dần vào ý thức của các tầng lớp nhân dân tạo thói quen tôn trọng và chấp hành pháp luật trong cuộc sống. Việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ là nhiệm vụ của ngành chức năng mà phải huy động sức mạnh của toàn hệ thống chính trị, của nhân dân mới mang lại hiệu quả cao. Ngôn ngữ tuyên truyền phải dễ hiểu, chính xác, hình thức đa dạng, phù hợp với trình độ của từng đối tượng, từng địa bàn.
Tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền. Xác định công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội ở địa phương là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và của toàn dân, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục. Phát huy vai trò của các tổ chức, đoàn thể và toàn dân trong công tác phòng, chống tội phạm, đưa nhiệm vụ tuyên truyền pháp luật thành một trong những tiêu chí để bình xét đánh giá thi đua, khen thưởng hàng năm đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của tất cả các tổ chức trong hệ thống chính trị.
Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng, trong đó ngành công an đóng vai trò nòng cốt, xây dựng quy chế phối hợp, phân công rõ trách nhiệm của từng lực lượng tham gia phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Quản lý chặt chẽ các đối tượng vi phạm pháp luật của địa phương, vận động gia đình, người thân giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ các đội tượng. Thường xuyên chỉ đạo tập trung giải quyết các vấn đề búc xúc, nổi cộm, mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn xã hội. Phát động quần chúng tham gia phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Thường xuyên sơ kết, đánh giá rút kinh nghiệm để tìm ra giải pháp phù hợp trong công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm trong giai đoạn hiện nay ngày càng khó khăn, ẩn chứa nhiều hiểm nguy. Tuy nhiên, cùng với sự quyết tâm và chỉ đạo sâu sát, kiểm tra kịp thời của cấp uỷ và chính quyền, sự phối hợp của người dân thì công tác phòng ngừa và tố giác tội phạm sẽ ngày càng hiệu quả, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong từng địa bàn cơ sở.
Cát Tường