Xây dựng nông thôn mới: Lấy con người làm trung tâm

Thứ hai - 28/09/2015 17:00 41 0
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đang được triển khai rộng rãi khắp cả nước. Từ năm 2008, thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW Chính phủ đã tiến hành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông hôn mới giai đoạn 2010-2020 theo Nghị quyết số 24/2008/NQ-CP; Quyết định số 491/2009/QĐ-TTg; và Quyết định số 800/2010/QĐ-TTg. Chương trình này xây dựng nông thôn mới được đồng loạt triển khai ở nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Sau giai đoạn 2013-2014, một số địa phương công bố hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở các xã thí điểm. Mặc dù vậy, có một số vấn đề nảy sinh trong thực tiễn triển khai chính sách xây dựng nông thôn mới đòi hỏi được xem xét một cách cẩn trọng.

Theo tiến sĩ Trần Tiến Khai, Giảng viên bộ môn Kinh tế nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP HCM thì phát triển nông thôn bền vững dựa trên bốn trụ cột kinh tế, xã hội – văn hóa, môi trường và thể chế, vừa là động lực vừa là nội dung của phát triển nông thôn bền vững. Phát triển nông thôn luôn mang tính động, tính phức tạp và dài hạn. Muốn phát triển nông thôn bền vững, cần tiếp cận phát triển theo vùng và tiếp cận từ dưới lên, lấy cộng đồng dân cư nông thôn làm chủ tiến trình phát triển, kết hợp với sự chỉ đạo của Nhà nước, chú trọng đa dạng hóa và  hài hòa nguồn lực, phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập dân cư, duy trì bản sắc văn hóa, xã hội và môi trường nông thôn. Theo tiến sĩ Trần Tiến Khai, có thể nhận dạng bốn vấn đề mang tính cốt lõi như sau:

Bản chất và đặc trựng của nông thôn mới.  Nông thôn mới là gì? Mục tiêu phát triển nông thôn mới là gì? Những nền tảng khoa học nào là cơ sở phù hợp cho xây dựng nông thôn mới hiện nay trong bối cảnh đặc trưng về thể chế của xã hội Việt Nam và nông thôn Việt Nam hiện nay? Liệu ta có thể học được kinh nghiệm gì từ hệ thống lý luận về phát triển nông thôn trên thế giới để xây dựng mẫu hình nông thôn mới ở Việt Nam.

Tiếp cận trong xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới được tiếp cận từ trên xuống hay dưới lên? Hệ thống chính quyền từ trung ương đến địa phương đóng vai trò quyết định đối với tiến trình xây dựng nông thôn mới hay cộng đồng dân cư nông thôn là người có vai trò quyết định? Hoặc có thể tồn tại một phương thức trao quyền mà chính quyền cơ sở phối hợp chặt chẽ, hay dựa vào cộng đồng từ dân cư nông thôn?

Nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới. Xây dựng nông thôn mới cần nhiều đầu tư cho phát triển, Trong bối cảnh ngân sách Nhà nước hạn hẹp, cư dân nông thôn còn nghèo liệu quá trình phát triển nông thôn mới nên dựa vào tập hợp nguồn lực như thế nào để có hiệu quả? Sự kết hợp hai nguồn lực này tác động như thế nào đến tính bền vững của xây dựng nông thôn mới? Xây dựng nông thôn mới có khả năng tự thân phát triển tại địa phương, nhờ vào nguồn lực địa phương hay không? Sự rút lui của nguồn lực bên ngoài có thể tác động như thế nào đến xây dựng nông thôn mới?

Làm sao đo lường được khái niệm nông thôn mới. Hiện nay, khái niệm nông thôn mới đồng nghĩa với việc xã nông thôn mới đạt được 19 tiêu chí nông thôn mới do Chính phủ ban hành. Luận cứ khoa học để xây dựng các tiêu chí cần được làm rõ. Liệu vùng nông thôn đạt 19 tiêu chí có phải đã đạt được mục đích của phát trển nông thôn hay chưa?

Trên cở sở nghiên cứu khái niệm nông thôn ở nhiều nước trên thế giới và sự thay đổi khái niệm nông thôn mới qua từng năm, tiến sĩ Khai cho rằng, khái niệm hiện đại về phát triển nông thôn bao hàm chuyển biến và tiến bộ của nông thôn trên các phương diện kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường và thể chế; quan tâm đến phúc lợi mà người nghèo và cộng đồng nông thôn thụ hưởng bao gồm các lĩnh vực giáo dục, y tế, dịch vụ xã hội và cơ sở hạ tầng kỹ thuật. Nói cách khác, các quan niệm hiện đại đều nhấn mạnh sự kết hợp giữa việc cải thiện mức sống kinh tế và xã hội cho dân cư nông thôn, nhất là người nghèo và bền vững về môi trường; lấy con người làm trung tâm và phát triển đa ngành.

Về nguyên tắc của phát triển nông thôn, phát triển nông thôn phải đảm bảo nguyên tắc của phát triển bền vững, lấy con người làm trung tâm. Nguyên tắc bền vững đòi hỏi phát triển nông thôn phải có tăng trưởng về kinh tế, nhưng thành quả của tăng trưởng phải được chia sẻ hài hòa và công bằng cho tất cả các thành viên của cộng đồng nông thôn. Đồng thời, việc khai thác và sử dụng tài nguyên cho phát triển phải hợp lý, bảo vệ được môi trường tự nhiên và phải bảo đảm khả năng sử dụng tài nguyên của các thế hệ tương lai. Nguyên tắc lấy con người làm trung tâm đòi hòi có nhận thức đúng đắn về vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư nông thôn trong tiến trình phát triển.

Về phương diện của phát triển của nông thôn, bốn trụ cột kinh tế. Văn hóa – xã hội, môi trường và thể chế là động lực của phát triển nông thôn, vừa là những yếu tố phải đạt đến của một nông thôn phát triển và từ đó tạo ra được thành quả của phát triển nông thôn là tăng trưởng và giảm nghèo. Nói cách khác, tạo ra động lực của phát triển nông thôn cũng là các nội dung mà các chương trình phát triển nông thôn mới phải nhắm vào để đạt được mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống toàn diện cho cư dân nông thôn.

Nông thôn phát triển về mặt kinh tế là nông thôn có nền tảng kinh tế vững chắc, mạnh mẽ, tăng trưởng ổn định và bền vững, giảm dần khoảng cách thu nhập giữa thành thị - nông thôn và giữa các nhóm dân cư nông thôn khác nhau.

Về phương diện xã hội, phát triển nông thôn bền vững đòi hỏi thành quả của phát triển phải được chia sẻ công bằng cho các bên liên quan, nhất là cho cộng đồng dân cư nông thôn, Phát triển nông thôn phải tạo ra sự công bằng về quyền lực, tiếp cận nguồn lực và thụ hưởng. Phương diện văn hóa trong phát triển nông thôn dường như còn rất ít được đề. Trong đó sự đa dạng về di sản văn hóa làm cho các địa phương có đặc trưng riêng và điều này tạo ra sự thu hút với mọi người, và là nền tảng để phát triển du lịch văn hóa địa phương như là một nguồn lợi kinh tế bổ sung vào nền kinh tế nông thôn. Bảo vệ bản sắc văn hóa của nông thôn là một thách thức rất lớn của phát triển nông thôn, khi đô thi hóa ngày càng mở rộng.

Về phương diện môi trường, hoạt động sản xuất nông nghiệp ở nông thôn lệ thuộc vào các nguồn lực tự nhiên, tính đa dạng sinh học của các hệ sinh thái tự nhiện và hệ sinh thái nông nghiệp. Phát triển nông nghiệp bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên tự nhiên trở thành hai mặt của một vấn đề. Muốn phát triển nông nghiệp bền vững thì phải bảo vệ được nguồn tài nguyên tự nhiên; ngược lại, muốn duy trì năng lực của nền tảng tài nguyên tự nhiên trong dài hạn thì phải sản xuất nông nghiệp theo các phương cách bền vững, không gây ra hoặc giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

Đo lường trình độ phát triển sự tiến bộ của nông thôn là rất phức tạp, vì bản chất của phát triển nông thôn đa chiều. Mục tiêu của việc xây dựng bộ tiêu chí đo lường chỉ nhằm đánh giá sự tiến bộ của tiến trình phát triển nông thôn trên một khu vực không gian lãnh thổ theo tiến trình vì bản chất của phát triển nông thôn là một tiến trình liên tục, không ngừng nghỉ, và cột mốc đánh dấu sự phát triển luôn được thay đổi theo hướng nâng lên để phù hợp với nhận thức và yêu cầu mới của phát triển. Nói cách khác, bộ tiêu chí được dùng theo dõi kết quả đạt được  trong tiến trình, chứ không phải nhằm vào việc chỉ ra kết quả cuối cùng của phát triển nông thôn. Đồng thời, bộ tiêu chí cũng có thể giúp so sánh trình độ phát triển giữa các vùng nông thôn khác nhau, từ đó giúp đưa ra những định hướng phát triển phù hợp cho những giai đoạn cụ thể cho từng vùng nông thôn cụ thể.

Từ cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm từ một số chương trình phát triển nông thôn trên thế giới Hàn Quốc, Nhật Bản, và Châu Âu, tiến sĩ Khai rút ra một số kinh nghiệm quý giá cho phát triển nông thôn, hoặc xây dựng nông thôn mới ở Việt Nam. Về tiếp cận, cần phát triển nông thôn theo vùng và phát huy tiếp cận từ dưới lên, tôn trọng và phát huy dân chủ cơ sở, phải xác định phát triển nông thôn mới là một quá trình dài lâu, nên phải phát triển để làm hạt nhân theo phương châm "chậm mà chắc", làm thí điểm diện hẹp và lựa chọn nơi nào làm tốt để làm hạt nhân phát triển tiếp theo. Về phương thức thực hiện, phát triển nông thôn lấy cộng đồng dân cư nông thôn làm chủ tiến trình phát triển, kết hợp với phát húy tối đa vai trò chỉ đạo của Nhà nước. Về nội dung, lấy phát triển kinh tế nông thôn, tăng thu nhập cho người nông dân làm cốt lõi, và phải bảo vệ bản sắc nông thôn. Về nguồn lực, huy động vốn cho xây dựng nông thôn mới cần cân đối, hài hóa các nguồn, tránh tạo ra gánh nặng tài chính cho dân.

MN

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây