Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: VGP/Doãn Tấn |
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo TƯ phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đã nhấn mạnh điều này tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2014 của Ban Chỉ đạo, chiều 14/3.
Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho biết những năm qua đã có hàng chục phong trào cụ thể được phát động ở cả Trung ương và địa phương như: “Xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, làng, ấp, khu phố văn hóa”; “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xóa đói, giảm nghèo; “Người tốt, việc tốt”; “Đền ơn đáp nghĩa”; “Sản xuất-kinh doanh giỏi”… thu hút mọi tầng lớp nhân dân cùng tham gia. Nhiều người đã trở thành tấm gương sáng trong lao động sản xuất, trong tư tưởng, đạo đức và lối sống; đóng góp tích cực cho việc xây dựng đời sống văn hóa. Cảm động nhất, cao quý nhất là phong trào đoàn kết, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau lúc hoạn nạn, thể hiện rõ trong phong trào cả nước hướng về đồng bào miền Trung trong những trận lũ lụt vừa qua. Trong đó đã có những tấm gương hy sinh thân mình để cứu giúp đồng bào, đồng chí.
Tuy nhiên, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thẳng thắn nhìn nhận, phân tích các nguyên nhân khiến phong trào tuy phát triển rộng nhưng còn hạn chế về chiều sâu và hiệu quả; lực lượng tham gia phong trào còn bị phân tán, nội dung hoạt động chồng chéo, tiêu chí chưa cụ thể và chưa sát với thực tiễn cuộc sống. Công tác tuyên truyền, phổ biến các điển hình tại một số địa phương còn hạn chế, chưa tương xứng với kết quả đã đạt được của phong trào trong hoạt động thực tiễn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Hà nhận xét: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được cả hệ thống chính trị quan tâm, người dân tham gia tích cực. Song, phản ánh từ địa phương cho thấy bất cập không nhỏ do có nhiều phong trào thi đua được triển khai gây trùng lặp, chồng chéo.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo TƯ Nguyễn Thế Kỷ cho rằng Ban Chỉ đạo đã ban hành rất nhiều văn bản liên quan đến phong trào nhưng khi thực hiện vẫn bị vướng, vì vậy, cần chọn lựa một số vấn đề để tập trung thực hiện.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận trong gần 20 năm thực hiện, Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã tập hợp được mọi tầng lớp nhân dân, gắn liền với công cuộc đổi mới của đất nước, tạo công ăn việc làm ổn định, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế bền vững trong mỗi gia đình, làng, thôn, ấp, bản, tổ dân phố…
Tuy nhiên, để đáp ứng được yêu cầu, Ban Chỉ đạo cần nhanh chóng kiện toàn lại tổ chức bộ máy ở Trung ương cũng như địa phương sau khi sáp nhập Ban Chỉ đạo Trung ương “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”.
“Đây là phong trào quần chúng rất sâu rộng, có điều kiện kết hợp tốt giữa công tác vận đồng quần chúng của các đoàn thể với công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho một số thành viên Ban Chỉ đạo trực tiếp làm việc, đôn đốc các tỉnh vẫn chưa kiện toàn bộ máy tổ chức Ban Chỉ đạo; khẩn trương rà soát lại các văn bản chỉ đạo thực hiện phong trào đảm bảo tính thiết thực, phù hợp với thực tiễn.
Cho ý kiến về công tác chuẩn bị phát động phong trào “Xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến tập trung thực hiện phong trào tại các cơ quan, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp tiếp xúc nhiều với người dân, gắn chặt với công tác cải cách hành chính.
Trong năm 2014, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định một số nhiệm vụ chính: Xây dựng Bộ Tiêu chí quốc gia về Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng Đề án “Truyền thông về phát triển văn hóa cơ sở đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; khảo sát việc thực hiện phong trào tại các làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị… tiêu biểu tại 3 miền.
Theo chinhphu.vn