Xây dựng nông thôn mới: Năm 2012, các xã trong toàn tỉnh tăng thêm 180 tiêu chí

Thứ hai - 25/03/2013 00:00 140 0
"Đến ngày 31.12.2012, tổng số tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở các xã trong toàn tỉnh đạt 478 tiêu chí – tăng thêm 180 tiêu chí so với năm 2011, tỷ lệ bình quân tăng thêm 6 tiêu chí/xã – tăng 3 so với năm 2011". Thông tin này được BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh cung cấp vào sáng 23.3, khi làm việc với Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới Trung ương do ông Lê Văn Lịch - Phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường làm Trưởng đoàn. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang – Phó trưởng ban thường trực BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh chủ trì buổi làm việc với đoàn.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Huỳnh Văn Quang – Phó trưởng ban thường trực BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Theo BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh, trong hai năm 2011 – 2012, Tây Ninh tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung xây dựng nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh, đặc biệt là 25 xã điểm, trong đó có 17 xã đăng ký với Trung ương phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015. Đến nay đã có 53/82 xã phê duyệt đồ án quy hoạch (64%), nhưng đến tháng 2.2013, mới chỉ có xã Long Thành Trung, huyện Hoà Thành phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã. Đến ngày 31.12.2012, đối với 25 xã điểm, mỗi xã tăng bình quân 3 tiêu chí. Đặc biệt có xã Bến Củi (huyện Dương Minh Châu), Phước Trạch (huyện Gò Dầu) tăng 7 tiêu chí. 17 xã đăng ký với Trung ương đạt chuẩn năm 2015 và 9 xã (trong 25 xã điểm) ưu tiên trọng điểm đầu tư năm 2013 – 2014, mỗi xã tăng bình quân 4 tiêu chí.

Hầu hết các mô hình phát triển sản xuất phù hợp với nhu cầu của nhân dân và tình hình thực tế của từng địa phương. Nổi bật là mô hình “liên kết 4 nhà” tiến đến xây dựng “cánh đồng mẫu lớn”, đã thực hiện được 3918,5ha với 2.724 hộ nông dân tham gia tại 15 xã thuộc 6 huyện trồng lúa trọng điểm của tỉnh (gồm huyện Dương Minh Châu, Châu Thành, Hoà Thành, Gò Dầu, Bến Cầu, Trảng Bàng). Đến cuối năm 2012, thông qua các hoạt động lồng ghép với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình 135, chương trình khuyến nông, tỉnh đã hỗ trợ trên 34 tỷ đồng triển khai 30 mô hình phát triển sản xuất, trong đó có một số mô hình đem lại hiệu quả tốt, được nhân rộng như mô hình liên kết 4 nhà, chăn nuôi bò sinh sản, khí sinh học, sản xuất rau an toàn…

Về công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được tích cực triển khai, đến tháng 12.2012 đã tổ chức được 211 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn với 6.683 học viên tham gia học 20 nghề, kinh phí 7,897 tỷ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Ông Lê Văn Lịch đánh giá cao những kết quả đạt được của Tây Ninh trong 02 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là mô hình liên kết 4 nhà và việc thí điểm cánh đồng mẫu lớn.

 

Toàn tỉnh đã và đang đầu tư xây dựng mới trên 1.066 hạng mục công trình, tổng vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng cấp xã khoảng 952,7 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, lồng ghép từ các chương trình, dự án khác trên địa bàn tỉnh và đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân. Nâng cấp, tu bổ gần 266km đường giao thông nông thôn, kiên cố hoá, nạo vét 30km kênh mương. Ngoài ra, trong 2 năm, ngân sách tỉnh đã đầu tư 660 tỷ đồng cho cơ sở vật chất trường học và trạm y tế xã.

Phong trào làm đường giao thông nông thôn được chính quyền và nhân dân đồng tình hưởng ứng, nhiều gia đình đã tự nguyện hiến đất, di dời vật kiến trúc, hoa màu để mở rộng mặt đường và góp công lao động. Cùng tham gia còn có các tổ chức đoàn thể như Hội nông dân, Đoàn thanh niên, các doanh nghiệp, các đơn vị quân đội… góp phần thực hiện khoảng 55km đường với trên 2.000 ngày công lao động, giá trị ước tính 13,6 tỷ đồng.

Tuy nhiên, BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh cũng nhìn nhận rằng, nhận thức của một bộ phận người dân và một số cán bộ, công chức, đơn vị về xây dựng nông thôn mới chưa đầy đủ; công tác chỉ đạo ở một số các cấp, các ngành còn lúng túng; chất lượng quy hoạch, đề án còn hạn chế.

Bên cạnh đó, nguồn lực thực hiện chương trình còn ít, trong khi nhu cầu để thực hiện một số tiêu chí (giao thông, thuỷ lợi) rất lớn; một số nơi chưa thật sự coi trọng việc phát triển sản xuất; đội ngũ cán bộ của các ngành, các cấp còn hạn chế về trình độ chuyên môn, kiến thức, kinh nghiệm về xây dựng nông thôn mới (thiếu chuyên trách, chủ yếu kiêm nhiệm); doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn còn quá ít.

Thu hoạch mía

 

Mục tiêu đặt ra trong năm 2013 là phấn đấu 1 xã đạt 16 tiêu chí; 9 xã được chọn để tập trung đầu tư năm 2013 – 2014 tăng ít nhất 3 tiêu chí; 16 xã còn lại trong 25 xã điểm tăng thêm ít nhất 2 tiêu chí; ngoài xã điểm, các xã còn lại phấn đấu đạt trên 5 tiêu chí, không có xã đạt dưới 5 tiêu chí…

Tại buổi làm việc, thông qua đoàn công tác BCĐ Trung ương, BCĐ tỉnh Tây Ninh đề nghị Chính phủ tăng nguồn kinh phí hỗ trợ cho tỉnh thực hiện chương trình, vì hiện nay Tây Ninh chưa cân đối về ngân sách, địa bàn các xã rất rộng, đa số dân cư sống không tập trung nên nguồn vốn đầu tư rất lớn. Tây Ninh cũng đề nghị Chính phủ cho sử dụng 20% nguồn thu từ xổ số kiến thiết để đầu tư trực tiếp cho xây dựng nông thôn mới…

Thay mặt đoàn công tác, ông Lê Văn Lịch - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá cao những kết quả đạt được của Tây Ninh trong 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là mô hình liên kết 4 nhà và việc thí điểm cánh đồng mẫu lớn. Ông cũng ghi nhận những kiến nghị của tỉnh, đồng thời đề nghị BCĐ xây dựng nông thôn mới tỉnh Tây Ninh tập trung chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành phê duyệt đồ án quy hoạch ở các xã cũng như lập đề án xây dựng nông thôn mới cấp xã, chậm nhất là đến tháng 11.2013.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây