Thế nhưng, với tinh thần đoàn kết, thống nhất, chủ động, sáng tạo, nỗ lực phấn đấu, tranh thủ thời cơ thuận lợi, vượt qua thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Tây Ninh đã thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ IX và đạt nhiều thành tựu quan trọng; 16/23 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt Nghị quyết. Kết quả đó tạo nền tảng để tỉnh Tây Ninh phát triển nhanh, bền vững hơn trong những năm tiếp theo.
Về kinh tế, tổng sản phẩm (GRDP) tăng bình quân hằng năm 10,5%, mặc dù chưa đạt mục tiêu Đại hội IX đề ra là 12,5% nhưng vẫn là mức tăng trưởng khá trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước suy giảm; GRDP bình quân đầu người đạt 2.630 USD (năm 2010: 1.357 USD).
Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng công nghiệp hoá, nông – lâm – thuỷ sản: 28%; công nghiệp - xây dựng: 36%; dịch vụ: 36%. Giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản tăng bình quân hằng năm 5,5%. Tái cơ cấu nông nghiệp bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định; nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện. Tỉnh đã hoàn thành chỉ tiêu xây dựng 20% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới; bộ mặt nông thôn có nhiều thay đổi, đời sống nông dân từng bước được cải thiện. Giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân hằng năm 17,7%, sản xuất công nghiệp có bước phục hồi sau suy giảm, phát triển đa dạng về ngành nghề. Các khu, cụm công nghiệp được rà soát, điều chỉnh quy hoạch bảo đảm tính phù hợp, khả thi, khắc phục một bước tình trạng quy hoạch treo. Giá trị sản xuất các ngành dịch vụ tăng bình quân hằng năm 9,6%.
Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu chuyển biến tích cực. Kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt hơn 9.351,6 triệu USD, tăng bình quân hằng năm 23,4% (Nghị quyết: tăng 20%); kim ngạch nhập khẩu đạt 6.217,8 tỷ đồng, tăng bình quân 24,9%/năm. Doanh thu từ ngành du lịch tăng bình quân 13,2%/năm. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn giai đoạn 2011 - 2015 là 25.428 tỷ đồng, đạt 125,3% kế hoạch đề ra, tăng bình quân 11,2%/năm. Chi ngân sách địa phương giai đoạn 2011-2015 là 28.766,5 tỷ đồng, đạt 153,8% kế hoạch. Huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển được chú trọng, đầu tư trong và ngoài nước chuyển biến về chất. Tổng vốn huy động cho đầu tư phát triển toàn xã hội 5 năm 2011 - 2015 đạt 89.947,1 tỷ đồng, tăng bình quân hằng năm 18,4%, bằng 35% GRDP. Toàn tỉnh đã thu hút được 3.201,2 triệu USD vốn đầu tư trong và ngoài nước, vượt chỉ tiêu đề ra (3.200 triệu USD); trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) tăng cả về số lượng, quy mô dự án, chất lượng công nghệ và vốn đầu tư với 2.700 triệu USD.
Các lĩnh vực văn hoá - xã hội có nhiều chuyển biến. Hoạt động thông tin, truyền thông, báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ phát triển ngày càng đa dạng, phong phú. Công tác giáo dục và đào tạo được quan tâm, phát triển khá toàn diện. 100% huyện, thành phố và xã, phường, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Tỉnh đã duy trì được 100% trạm y tế xã có bác sĩ luân phiên hoạt động, 100% ấp có nhân viên y tế cộng đồng, 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia; 63% dân số tham gia bảo hiểm y tế. Chương trình an sinh xã hội được triển khai đồng bộ, hiệu quả; đến cuối năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh còn 1,59% (kế hoạch: dưới 2%). Tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội gắn với xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Đường biên, mốc giới được bảo vệ nguyên vẹn, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong nội địa và trên tuyến biên giới được giữ vững ổn định; tai nạn giao thông kéo giảm mạnh trên cả 3 mặt.
Công tác xây dựng Đảng được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; chú trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Tỉnh đã triển khai và thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay", Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", Quy định số 101-QĐ/TW của Ban Bí thư (khóa XI) "Về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp" và Quy định về những điều đảng viên không được làm, qua đó đã tạo sự chuyển biến cả trong nhận thức và hành động của hệ thống chính trị và cán bộ, đảng viên, góp phần nâng cao ý thức tự tu dưỡng, tự rèn luyện, ngăn chặn một bước tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong một bộ phận cán bộ, đảng viên. Hệ thống chính trị thường xuyên được củng cố và hoạt động ngày càng hiệu quả; công tác dân vận, công tác dân tộc, tôn giáo được quan tâm thường xuyên; khối đại đoàn kết toàn dân tộc được củng cố vững chắc.
Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được, trên từng lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội tỉnh nhà 5 năm qua (2011 – 2015) vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Kinh tế có tăng trưởng nhưng chưa bền vững, một số chỉ tiêu phát triển chưa đạt kế hoạch đề ra (tốc độ tăng trưởng, tăng trưởng công nghiệp, tăng trưởng dịch vụ, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, vốn đầu tư toàn xã hội). Tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm; nông nghiệp phát triển chưa vững chắc, thương mại, dịch vụ chuyển biến chưa tương xứng với yêu cầu; thị trường xuất khẩu một số sản phẩm nông sản còn khó khăn. Kinh tế cửa khẩu phát triển chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế. Chương trình xây dựng nông thôn mới kết quả chưa toàn diện. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội chưa theo kịp sự phát triển, chưa tạo được bước phát triển đột phá về phát triển du lịch, dịch vụ. Đời sống của nhân dân ở vùng sâu, vùng biên giới vẫn còn nhiều khó khăn. An ninh nông thôn, an ninh trong tôn giáo, an ninh trên tuyến biên giới, trật tự an toàn xã hội trên một số địa bàn còn tiềm ẩn những yếu tố có thể gây mất ổn định. Công tác xây dựng Đảng, nhất là công tác cán bộ, chưa ngang tầm với nhiệm vụ; năng lực quản lý, điều hành của chính quyền các cấp còn một số mặt chưa theo kịp với yêu cầu. Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội một số nơi chưa hiệu quả, còn nặng về hành chính...
Từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh nhà 5 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa IX) rút ra các bài học kinh nghiệm cơ bản sau:
Một là, phải có sự đoàn kết, thống nhất và sự nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị; sự đồng thuận xã hội; biết phát huy tính chủ động, sáng tạo của các thành phần kinh tế và nhân dân trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Hai là, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện, công tác kiểm tra, giám sát của tổ chức đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị; chính quyền phải thể hiện tính chủ động, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành và phát huy tốt vai trò phối hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; huy động và phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ba là, coi trọng việc liên kết, mở rộng hợp tác với các tỉnh, thành phố, các tập đoàn kinh tế. Đề ra và thực hiện có kết quả các chương trình, kế hoạch mang tính đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội.
Bốn là, tập trung chỉ đạo giải quyết ổn định những vấn đề bức xúc, phức tạp nảy sinh, nhất là huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị tham gia giải quyết ổn định tình hình khiếu kiện đông người, giữ vững an ninh nông thôn, an ninh tôn giáo, an ninh dân tộc.
Năm là, quan tâm củng cố, xây dựng hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở trong sạch, vững mạnh. Mạnh dạn chấn chỉnh, khắc phục "bệnh thành tích", tính hình thức, đưa hoạt động của hệ thống chính trị từng bước đi vào thực chất, hiệu quả.
Sáu là, kế thừa, phát huy và vận dụng sáng tạo các chủ trương, thành tựu và kinh nghiệm của các nhiệm kỳ, đồng thời mạnh dạn nhìn nhận những vấn đề không còn phù hợp, kể cả thiếu sót, khuyết điểm để khắc phục, sửa chữa với quyết tâm, ý thức trách nhiệm vì sự nghiệp chung.
Những thành tựu đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 – 2015 là rất quan trọng, đã làm cho diện mạo tỉnh nhà từ thành thị đến nông thôn có nhiều khởi sắc, chất lượng cuộc sống người dân được nâng lên, lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, với chế độ được củng cố. Đây là những tiền đề cơ bản cho sự phát triển nhanh, mạnh mẽ và bền vững hơn của tỉnh trong những năm tới, hướng đến mục tiêu sớm đưa Tây Ninh cơ bản trở thành một tỉnh công nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh", vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội./.
THEO BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ