Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc trả lời phỏng vấn của Đài PT-TH Tây Ninh TTV11 và các cơ quan báo, đài khác.
Trao đổi với phóng viên Báo Tây Ninh và cơ quan báo, đài có mặt bên hành lang Đại hội sáng 23/01, ông Nguyễn Thanh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: "Tái cơ cấu nền kinh tế bao gồm rất nhiều nội dung, trong đó đối với tái cơ cấu trong ngành Nông nghiệp thì trước hết phải có định hướng cơ cây trồng, vật nuôi, có cơ chế, chính sách hỗ trợ đổi mới về công nghệ, đổi mới về phương thức. Trong đó quan trọng nhất là các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp thì phải ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất và đối với các địa phương phải hướng tới nền nông nghiệp sản xuất công nghệ cao.
Chỉ có định hướng phát triển một nền nông nghiệp công nghệ cao mới giải quyết được vấn đề sản phẩm đủ sức cạnh tranh trên thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay. Thực tiễn ở Tây Ninh cũng đã hình thành được một số vùng cây nguyên liệu trồng tập trung, áp dụng một số giải pháp kỹ thuật về giống, hệ thống tưới nên kết quả đã vượt trội. Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục có một số cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các thành phần kinh tế áp dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao để gia tăng sức cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của tỉnh".
PV: Thưa đồng chí, dự thảo văn kiện Đại hội xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng của nền kinh tế. Đồng chí nhận định gì về quan điểm này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc:
Tôi cho rằng, đây là quan điểm mà Đảng và Nhà nước ta tiếp tục cụ thể hoá hơn các chủ trương, đường lối trước đây các nhiệm kỳ trước cũng đã làm. Trải qua quá trình thực hiện trong nhiều giai đoạn, Đảng và Nhà nước nhận thấy rằng, kinh tế tư nhân có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển, đi lên của nền kinh tế đất nước. Trong thời gian tới, theo tôi, chúng ta cần có định hướng rõ ràng hơn để thể chế hoá cơ chế chính sách cho phù hợp, làm sao tạo điều kiện cho thành phần kinh tế tư nhân có thể phát triển đồng bộ và có hiệu quả hơn.
PV: Theo đồng chí, giải pháp nào để cân bằng vai trò của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân?
Giải pháp cân bằng là đưa ra cơ chế ưu đãi, tất cả các thành phần kinh tế đều được tiếp cận được một cách đẩy đủ nhất, công bằng nhất. Đặc biệt là cung cấp đầy đủ các thông tin trong quá trình hội nhập cho tất cả các thành phần kinh tế.
Điều quan trọng là các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân phải tự định hướng con đường phát triển của mình cho thật phù hợp, chủ động sáng tạo hơn, nắm bắt nhiều thông tin hơn để có thể hội nhập tốt hơn.
PV: Trong bối cảnh hiện tại, theo đồng chí, điều gì mà doanh nghiệp tư nhân cần nhất?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc: Thực ra, đối với DNTN hiện nay, họ rất muốn Đảng và Nhà nước cụ thể hoá, làm rõ hơn các chủ trương chính sách, và các chủ trương, chính sách đó phải phù hợp nhu cầu, điều kiện và đặc biệt là thể hiện sự bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, làm sao tạo môi trường kinh doanh tốt cho tất cả các doanh nghiệp.
PV: Thưa đồng chí, Tây Ninh là một tỉnh rất có tiềm năng về du lịch. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ làm gì để thúc đẩy du lịch phát triển, góp phần tăng trưởng kinh tế?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc: Tây Ninh là một trong những địa phương có tiềm năng rất lớn về du lịch, đặc biệt là du lịch văn hoá – lịch sử, du lịch sinh thái. Tuy nhiên thời gian qua, việc khai thác tiềm năng, lợi thế này vẫn còn có những mặt hạn chế nhất định.
Trong thời gian tới, tỉnh cũng đã có những định hướng phát triển rất rõ ràng, nhất là việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thu hút mạnh mẽ các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân đến tìm hiểu, đầu tư để khai thác tốt tiềm năng du lịch của địa phương.
PV: Thưa đồng chí, Tây Ninh có một lợi thế đặc biệt về du lịch tâm linh, tỉnh đã có những giải pháp nào để tạo điều kiện cho loại hình du lịch này phát triển hơn nữa?
Du lịch hiện nay phải gắn kết nhiều, cả về du lịch văn hoá, tâm linh rồi du lịch xanh, du lịch sinh thái tạo ra một tổng thể. Đối với những dự án du lịch gắn với tâm linh, tỉnh sẽ tạo những điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư tìm hiểu, cũng như các thủ tục thuận lợi nhất để làm sao các doanh nghiệp hay các tổ chức, cá nhân nhận thấy họ có thể đầu tư có hiệu quả.
PV: Cảm nhận của đồng chí như thế nào khi về dự Đại hội lần này?
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thanh Ngọc: Tôi rất phấn khởi khi thấy không khí Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng diễn ra đầy tinh thần đoàn kết và đổi mới. Với niềm tin đó, tôi kỳ vọng trong nhiệm kỳ mới, Đảng ta có những nghị quyết, chính sách tạo được sự đột phá, góp phần đổi mới đồng bộ kinh tế, hoàn thiện thể chế chính trị, đặc biệt là thực hiện bằng được các nội dung lớn mà Đại hội đề ra, như: Đẩy mạnh công cuộc phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; đảm bảo an ninh, quốc phòng; chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; xây dựng và phát huy hiệu quả sức mạnh đại đoàn kết dân tộc… để xây dựng Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh. Qua đây, cá nhân tôi cũng như Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh, mong muốn làm sao Đại hội bầu được Ban Chấp hành Trung ương đủ đức, đủ tài, đủ tâm huyết để lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Bởi, chỉ khi đất nước ổn định, đời sống của Nhân dân mới được ấm no, phát triển.
PV: Xin cảm ơn đồng chí đã dành cho chúng tôi cuộc trao đổi này!
Đặng Hoàng Thái
(từ Hà Nội)