Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023

Thứ sáu - 12/08/2022 18:00 207 0
Sáng ngày 12/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2021-2022 và triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và các Thứ trưởng chủ trì hội nghị.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Phạm Ngọc Hải - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, lãnh đạo các cơ quan liên quan. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

Năm học 2021 - 2022 là năm học đầu tiên ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tuy nhiên cũng là năm toàn ngành gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid- 19.

Trước tình hình đó, ngành Giáo dục đã linh hoạt ứng phó, chuyển trạng thái hoạt động, triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện hiệu quả các chỉ đạo của Chính phủ, của Bộ, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo, hoàn thành mục tiêu kép: vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa ra sức khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ năm học, đáp ứng yêu cầu đổi mới và bảo đảm chất lượng giáo dục và đào tạo.

Trong năm học 2021 - 2022, cả nước có 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 713/713 đơn vị cấp huyện duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. 99,94% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đạt 99,78%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi hoàn thành Chương trình Giáo dục mầm non đạt 99,7%. Tỷ lệ trẻ em mẫu giáo 5 tuổi được học 2 buổi/ngày đạt 99,9%.

Giáo dục phổ thông triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặc biệt đối với lớp 2 và lớp 6 được áp dụng thành công trong năm học 2021 - 2022, tiếp tục là tiền đề thực hiện thay đổi sách giáo khoa lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở tiếp tục được 63/63 tỉnh, thành phố duy trì và đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó có 25/63 tỉnh, thành phố được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3 (đạt tỷ lệ 40%).

Năm học 2021 - 2022, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 99,7%; tốt nghiệp trung học phổ thông của các trường phổ thông dân tộc nội trú đạt 98,7%. Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 đã được tổ chức thành công, bảo đảm nghiêm túc, công bằng và an toàn, với tổng số thí sinh dự thi là 989.863 thí sinh đạt tỷ lệ 98,75% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi. Kết quả đậu tốt nghiệp toàn quốc là 93,32%, tăng 3% so với năm trước.


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, giáo dục luôn nhận được sự quan tâm của xã hội, đó là vừa là may mắn vừa là áp lực đối với ngành. Vì vậy, ngành cần chú ý hơn nữa đến hoạt động truyền thông, lấy ý kiến nhân dân, chuyên gia, cộng đồng về các chính sách giáo dục.

Phó Thủ tướng cho rằng, ngành cũng cần nhìn thẳng vào những bất cập, yếu kém do chủ quan, thuộc trách nhiệm của ngành, cũng như những bức xúc trong thi cử, kiểm tra, dạy thêm học thêm.

Với nhiệm vụ trong năm học 2022-2023, giáo dục là một quá trình liên tục, thường xuyên, luôn luôn đổi mới, Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành tiếp tục bám sát Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, thực hiện đổi mới ở tất cả các khâu, phối hợp với các ban Đảng, ủy ban của Quốc hội theo từng chuyên đề; thực hiện việc dạy và học theo hướng phát triển đức –trí – thể - mỹ cho học sinh.


Bên cạnh đó, phải thật sự quyết liệt trong đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục. Bộ Giáo dục và Đào tạo phải là Bộ quản lý nhà nước, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để có những điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được nâng lên nhanh hơn, bền vững hơn.

Bộ phải rà soát, chủ động đề xuất các cơ chế học phí, thực hiện tự chủ ở những trường, ở những vị trí, địa bàn thích hợp và dành biên chế hưởng lương từ ngân sách nhà nước cho những vùng nông thôn, khó khăn; quan tâm đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, quản trị nhà trường, thúc đẩy học liệu điện tử, tổ chức học trực tuyến như hoạt động bổ trợ lâu dài, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để đổi mới căn bản từ yêu cầu, hướng dẫn đến sản xuất, phân phối thiết bị, đồ dùng dạy học.

Nhã Khôi


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây