Quang cảnh tại điểm cầu Chính phủ
Đồng chủ trì có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Ủy ban quốc gia về chuyển đổi số.
Các đại biểu tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc - Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh, các thành viên Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh. Phiên họp còn được trực tuyến đến các điểm cầu huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Trong 6 tháng đầu năm nay, so với chỉ tiêu đề ra trong cả năm 2022, có một số chỉ tiêu đã đạt và vượt, điển hình như 100% doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử (mục tiêu năm 2022 là 100%); tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ đạt 11,27% (mục tiêu năm 2022 là 7%); tỷ lệ người dân từ đủ 15 tuổi có tài khoản thanh toán đạt 66% (mục tiêu năm 2022 là 65%). Tuy nhiên cũng có những chỉ tiêu đạt rất thấp như tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số mới đạt 6% trong khi mục tiêu của cả năm là 30%. Tỷ lệ cơ quan nhà nước cung cấp dữ liệu mở cũng mới đạt 3% so mục tiêu là 50%.
Theo Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Huy Dũng, Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10 năm nay, có chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân". Các hoạt động hưởng ứng tập trung vào các sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; thúc đẩy, quảng bá toàn dân sử dụng sản phẩm, dịch vụ số Việt Nam; thúc đẩy phổ cập kỹ năng số, giúp người dân được thụ hưởng kết quả chuyển đổi số.
Trong 6 tháng, có 100% các bộ, ngành, địa phương đã kiện toàn Ban chỉ đạo chuyển đổi số; 07/22 bộ, cơ quan ngang bộ và 34/63 địa phương đã ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số năm 2022.
Tuy nhiên hoạt động của Ban chỉ đạo một số bộ, ngành, địa phương còn mang tính hình thức, chưa xác định rõ những nhiệm vụ trọng tâm hoặc xác định được nhưng chưa xây dựng lộ trình thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương vẫn lúng túng trong việc xác định tường minh bài toán chuyển đổi số của mình; vẫn thực hiện tuyên truyền phổ biến theo cách thức truyền thống.
Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần xác định tường minh bài toán chuyển đổi số của mình, xuất phát từ chính đặc thù và có tham vấn ý kiến các đơn vị liên quan; chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị tại địa phương chủ động tìm kiếm những sáng kiến, cách làm, mô hình điển hình về chuyển đổi số trên địa bàn để thực hiện tuyên truyền, phổ biến, nhân rộng.
Bộ Thông tin và Truyền thông còn đánh giá những mặt đạt được, hạn chế trong xây dựng hạ tầng số, nền tảng số, nhân lực số; an toàn, an ninh mạng; chính phủ số; kinh tế số; xã hội số; đô thị thông minh.
Trong đó, đối với việc xây dựng chính phủ số, mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước kết nối 4 cấp hành chính tiếp tục được phát triển, tạo hạ tầng truyền dẫn ổn định, an toàn kết nối các hệ thống thông tin phục vụ Chính phủ số. Đến nay, mạng đã kết nối đến 100% huyện; hơn 97% xã trên toàn quốc. Hiện còn chỉ còn Bình Thuận chưa kết nối được đến 100% cấp xã, dự kiến hoàn thành trong tháng 9/2022.
Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia tiếp tục phát huy hiệu quả để kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Tổng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia trong 6 tháng đầu năm 2022 đạt khoảng 350 triệu giao dịch, tăng hơn 25 lần so với cùng kỳ năm 2021; trung bình hàng ngày có khoảng 1,9 triệu đồng giao dịch thực hiện thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.
Hội nghị cũng công bố báo cáo chỉ số đánh giá chuyển đổi số cấp bộ, cấp tỉnh năm 2021 (DTI 2021). Theo đó, đối với bảng xếp hạng cấp Bộ có cung cấp dịch vụ công, Bộ Tài chính hai năm liên tiếp dẫn đầu.
Đối với bảng xếp hạng DTI 2021 cấp Bộ không cung cấp dịch vụ công, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đứng đầu với giá trị 0,4736 tăng 66,29% so với năm 2020.
Với bảng xếp hạng DTI cấp tỉnh, thành phố Nẵng lần thứ hai liên tiếp xếp vị trí thứ nhất với giá trị 0,6419. Tây Ninh xếp hạng thứ 44.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận phiên họp
Kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ ghi nhận những thành tích đạt được trong công tác chuyển đổi số trong 6 tháng qua. Chuyển biến về nhận thức tương đối rõ, người đứng đầu các bộ, các ngành, các cấp đã vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn, đã thành lập Ban chỉ đạo và đi vào hoạt động. Việc chuyển đổi các hoạt động quản lý nhà nước từ phương thức truyền thống sang ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển từ văn bản giấy sang môi trường số được đẩy mạnh và đạt kết quả bước đầu rất đáng trân trọng. Nhiều sản phẩm, dịch vụ thiết thực được đưa ra phục vụ kịp thời, hiệu quả cho người dân và doanh nghiệp.
Sau khi chỉ rõ những hạn chế trong thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, các bộ, ngành, địa phương phải chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao trong các cơ quan nhà nước để tổ chức thực thi hoạt động chuyển đổi số; vừa xây dựng công dân số, vừa nâng cả số lượng và chất lượng nguồn nhân lực chuyên môn về chuyển đổi số.
Khẳng định chuyển đổi số phải là công cụ quan trọng trong xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng thực chất và hiệu quả, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau tiến bộ. Phải liên tục đổi mới, có tư duy đột phá, tầm nhìn chiến lược, phát huy tính chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan đơn vị, địa phương và mỗi cá nhân trong việc thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công tiện ích xã hội thuận tiện nhanh hơn, hiệu quả hơn; bên cạnh đó cần phải tuyên truyền, vận động hướng dẫn.
Thủ tướng cũng yêu cầu trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, nói phải đi đôi với làm, không đánh trống bỏ dùi, chống mọi biểu hiện về hình thức như nêu dịch vụ công trực tuyến thì nhiều nhưng thực tế người dân sử dụng ít. Các bộ, ngành phối hợp trong chia sẻ dữ liệu, cần có cơ chế khai thác hiệu quả các dữ liệu dùng chung và phải dành nguồn lực đầu tư tiếp; tính toán hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp; coi trọng công tác truyền thông hướng dẫn.
Đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, kiểm tra, giám sát, bộ, ngành, địa phương tập trung kết nối dữ liệu, chia sẻ thông tin, quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, làm sao cho người dân thụ hưởng các dịch vụ; triển khai hiệu quả Tổ công nghệ số cộng đồng tích cực hơn, hiệu quả hơn; người dân sử dụng nền tảng số nhiều hơn…
XV