Chính phủ hội nghị với địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7/2022

Thứ năm - 04/08/2022 10:00 212 0
Ngày 03/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương về tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 năm 2022.

KTXH-CPthang7-1.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc và các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Hội nghị còn được trực tuyến đến các điểm cầu cấp huyện trên địa bàn tỉnh.

Buổi sáng, hội nghị dành nhiều thời gian thảo luận tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2022; tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; tình hình triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Buổi chiều, Chính phủ nghe các báo cáo và thảo luận tình hình thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công và tình hình triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia (xóa đói giảm nghèo; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi).

 KTXH-CPthang7-2.jpg

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu thảo luận từ điểm cầu tỉnh

Phát biểu từ điểm cầu tỉnh Tây Ninh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc bày tỏ sự thống nhất cao với các báo cáo được trình bày tại hội nghị trong buổi chiều. Liên quan đến đầu tư công, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho biết, đến nay, Tây Ninh đã giải ngân đạt trên 60% kế hoạch Thủ tướng giao, đạt 53% kế hoạch của HĐND tỉnh giao, 71% kế hoạch vốn trung ương hỗ trợ, 59,44% kế hoạch vốn ODA. Trong điều kiện khó khăn, tỷ lệ giải ngân vốn như vậy là tương đối khá.

Chia sẻ thêm về giải pháp để đạt được tỷ lệ giải ngân, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết thêm, từ cuối năm 2021, tỉnh tổ chức hội nghị chuyên đề đánh giá kỹ, kinh nghiệm, tìm ra nguyên nhân hạn chế, yếu kém, đặc biệt là nguyên nhân chủ quan trong công tác xây dựng cơ bản, giải ngân vốn trong nhiều năm qua. Từ đó, tỉnh đề ra một số giải pháp trọng tâm.

Trước hết tỉnh ban hành văn bản phát động thi đua trong công tác xây dựng cơ bản nói chung, nhất là đẩy mạnh đầu tư công năm 2022, xác định rõ các nội dung, các tiêu chí giải ngân theo từng quý cùng với việc xác định trách nhiệm của từng cấp, ngành địa phương, như quý 1 giải ngân thấp nhất cũng đạt 25%, quý 2 đạt 50%... đưa vào đánh giá thi đua đối với các sở, ngành, địa phương.

Hai là rút kinh nghiệm, thực hiện nhanh giải ngân vốn đầu tư công đến các ngành có đủ điều kiện, phấn đấu hoàn thành việc công khai vốn chậm nhất trong quý 1.

Ba là rà soát, củng cố lại tổ chức bộ máy nâng cao năng lực của các chủ đầu tư, đặc biệt là các ban quản lý dự án, tăng cường đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm, đủ năng lực bảo đảm cho việc tham mưu các quy trình thủ tục về đầu tư nhanh hơn.

Bốn là xác định rõ trách nhiệm và xử lý trách nhiệm trong triển khai đầu tư công đối với các ngành chức năng trong triển khai các dự án. Qua 6 tháng đánh giá những dự án đã được phân bổ vốn nhưng chưa triển khai hoặc triển khai chậm.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, kết quả đó chưa đạt được như kỳ vọng, mong muốn. Tỉnh sẽ tiếp tục thúc đẩy, tăng cường kiểm tra để đẩy nhanh hơn nữa tốc độ giải ngân vốn trong những tháng còn lại, phấn đấu hoàn thành giải ngân các nguồn vốn đạt 100%.

Thủ tướng ghi nhận những nỗ lực của Tây Ninh trong triển khai giải ngân đầu tư công, như việc Tây Ninh tổ chức phong trào thi đua; siết chặt kỷ luật, kỷ cương; điều chuyển vốn.

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, thúc đẩy giải ngân đầu tư công là nhiệm vụ khó. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, càng khó khăn, càng phức tạp, càng phải giữ vững bản lĩnh, phát huy trí tuệ, dân chủ, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, đồng bộ hơn, có biện pháp, giải pháp phù hợp với tình hình và yêu cầu công việc.

Thủ tướng đề nghị phải đề cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trong chỉ đạo, lãnh đạo thực hiện đầu tư công. Các bộ, ngành, địa phương tự rà soát, điều chỉnh lại các danh mục, công tác chuẩn bị đầu tư để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các thủ tục đảm bảo chính xác, đúng quy định, tránh tham nhũng, tiêu cực; rà soát các quy định thuộc phạm vi quản lý, nếu thuộc thẩm quyền thì sửa đổi, nếu thuộc thẩm quyền Chính phủ thì đề xuất Chính phủ và báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền để sửa cho phù hợp với tình hình hiện nay.

Các bộ, ngành, địa phương thành lập các tổ công tác rà soát quá trình thực hiện, đồng thời học tập những kinh nghiệm, bài học quý từ các bộ, ngành, địa phương làm tốt để thực hiện tốt hơn công tác này trong thời gian tới.

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây