Mua bán người đang là vấn nạn của xã hội, khiến lực lượng chức năng ở các tỉnh vùng biên giới phải đề ra nhiều biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất.
Theo số liệu của ngành chức năng, trung bình mỗi năm xảy ra hàng trăm vụ mua bán phụ nữ, trẻ em. 60% nạn nhân bị bán sang Trung Quốc, 11% bị bán sang Campuchia, số còn lại bị bán sang các nước khác.
Tại Tây Ninh, trước tình trạng phụ nữ xuất cảnh ra nước ngoài ồ ạt, bất thường, mục đích chủ yếu là đi lấy chồng ngoại hoặc tìm việc làm có thu nhập cao. Theo thông tin từ Công an tỉnh, tình trạng này tuy có xu hướng giảm, nhưng lại xuất hiện các loại tội phạm thường xuyên dụ dỗ phụ nữ bán ra nước ngoài nhằm thu lợi bất chính. Đến nay, tình hình tội phạm mua bán người đang diễn biến hết sức phức tạp, có sự gia tăng về quy mô với tính chất ngày càng nguy hiểm. Bọn tội phạm mua bán người sử dụng các thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và mang tính chất quốc tế. Từ năm 2005 - 2014, lực lượng Công an tỉnh Tây Ninh đã triệt phá thành công nhiều vụ án mua bán người, giải cứu 475 phụ nữ, trẻ em bị lừa bán ra nước ngoài. Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội - Công an Tây Ninh đã triệt phá 4 đường dây mua bán người, bắt 42 đối tượng, giải cứu 26 nạn nhân.
Tình trạng mua bán người hiện nay đã diễn ra nhiều ở các tỉnh biên giới như: Quảng Ninh, Cao Bằng, Lai Châu.... Tình trạng này đang ở mức báo động, vì thế Chính phủ đã ban hành Đề án phòng chống mua bán người.
Hiện nay Đề án Phòng chống mua bán người được triển khai tích cực, hiệu quả, không chỉ trong nước mà còn được bạn bè quốc tế, các tổ chức phi chính phủ quan tâm. Nhiều Chị em phụ nữ bị lừa, bị bán, cũng có trường hợp tự nguyện vượt biên để lấy chồng, nhưng khi sang đến bên ấy mới bị lợi dụng. Đa số phụ nữ bị bán đi khi trở về đều mang nỗi đau thể xác bị xâm hại.
Hiện nay ở Trung Quốc, vấn đề mất cân bằng giới tính là rất lớn, cho nên việc phụ nữ Việt Nam bị lợi dụng, đưa sang phía bên kia biên giới để làm "vợ" nhưng không phải là vợ. Có những trường hợp phụ nữ được giải cứu về từ nước ngoài, họ nói là ở bên đó, họ phải phục vụ nhu cầu tình dục cho cả gia đình chứ không phải một người. Hoặc có trường hợp phục vụ chán cho người này rồi phải chuyển sang phục vụ cho người khác, biến phụ nữ thành như một thứ hàng hoá, không còn có quyền của một con người.
Theo các ngành chức năng, các nạn nhân bị mua bán được giải cứu trở về thì trước khi trả nạn nhân về quê nên điều trị tâm lý cho họ, đó là thực hiện đúng như đề án thì cần phải có thời gian để phân tích, đánh giá, sử dụng các liệu pháp tâm lý điều trị cho nạn nhân... nhưng chúng ta chưa làm được nhiều về vấn đề này. Đa phần sau khi tiếp nhận về, chúng ta cấp giấy và cấp thêm tiền cho họ về địa phương ngay chứ không có một trung tâm ở khu vực biên giới để phục hồi sức khoẻ, tinh thần cho chị em.
Nhìn chung bọn tội phạm mua bán người thường sử dụng nhiều phương thức thủ đoạn để lừa gạt, một trong những thủ đoạn mới của nạn mua bán người mà bọn tội phạm hay áp dụng là sử dụng thủ đoạn lừa bán là chính, chẳng hạn như quen nhau trên mạng, hẹn gặp nhau rồi lừa bán qua biên giới. Có trường hợp giả vờ yêu đương sau đó lừa bán. Có trường hợp là bạn bè thân thiết, nhưng không hiểu được dã tâm của người đó nên "mắc bẫy"...
Những lời khuyên đối với người dân trong việc phòng tránh nạn buôn người: Hiện nay việc tăng cường các biện pháp phòng chống mua bán người không riêng gì của ngành công an mà phải toàn xã hội, cả hệ thống chính trị, trong đó đầu tiên là nhận thức của người dân. Đặc biệt là chị em phụ nữ cần phải tự nâng cao cảnh giác, tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình. Người dân nếu không nhận thức tốt vấn đề thì khó để giải quyết tận gốc được, nhận thức là khâu đầu tiên, còn việc ngăn chặn ở cửa khẩu hay phối hợp giữa các ngành chức năng của nước ta và nước bạn thì chỉ là khâu cuối cùng. Trong cộng đồng, chúng ta cần nêu cao tinh thần cảnh giác, chung tay để ngăn chặn tình trạng này.
Để có cơ sở pháp lý tăng cường đấu tranh phòng, chống tội phạm mua bán người, ngày 29/3/2011, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật phòng chống mua bán người. Luật cũng quy định cụ thể về công tác phòng ngừa việc mua bán người như thông tin tuyên truyền giáo dục về phòng, chống mua bán người; tư vấn về phòng chống mua bán người. Đây là biện pháp thông tin, tuyên truyền, giáo dục đối với từng đối tượng cụ thể nhằm cung cấp những thông tin thiết thực, giúp họ giải quyết những tình huống cụ thể, trong đó tập trung vào một số đối tượng có nguy cơ cao trở thành nạn nhân của tội phạm về mua bán người. Đây là biện pháp phòng ngừa tích cực nhằm hạn chế, tiến tới loại trừ nguyên nhân và điều kiện dẫn đến tình trạng mua bán người gia tăng.
K.H