Ghi nhận qua cuộc họp tổng kết đợt kiểm tra hoạt động giao thông đường thuỷ nội địa: Kiên quyết đình chỉ những bến bãi có nguy cơ cao gây tai nạn

Thứ ba - 18/11/2014 00:00 76 0
Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Tây Ninh ra quân kiểm tra các hoạt động có liên quan về lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh. Tiếp theo, Sở Giao thông và Vận tải (GTVT) đã tổ chức một buổi họp tổng kết đợt kiểm tra, đồng thời lấy ý kiến của lãnh đạo các huyện và các thành viên trong đoàn để tìm giải pháp khắc phục những hiện tượng vi phạm có liên quan. Qua đó, có thể thấy có khá nhiều vướng mắc đang “làm khó” chính quyền địa phương.

 

Khai thác cát khi chưa có giấy phép trong lòng hồ Dầu Tiếng.

Qua 27 ngày ra quân kiểm tra các hoạt động có liên quan lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa trên sông Vàm Cỏ Đông, sông Sài Gòn và lòng hồ Dầu Tiếng, đoàn kiểm tra liên ngành phát hiện có 69 trường vi phạm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa. Đoàn đã lập biên bản 42 trường hợp (tăng 5 vụ so với cùng kỳ năm 2013), lập biên bản đình chỉ 21 trường hợp, lập biên bản kiểm tra nhắc nhở, hướng dẫn và yêu cầu khắc phục lỗi vi phạm 6 trường hợp (giảm 33 vụ so với cùng kỳ năm 2013), và đã ra quyết định xử phạt 26 trường hợp với số tiền 53,8 triệu đồng.

Hành vi vi phạm tập trung vào các lỗi như đưa cảng, bến thuỷ nội địa vào hoạt động khi chưa có phép, khai thác bến thuỷ nội địa quá phạm vi vùng nước so với quy định trong giấy phép hoạt động, không duy trì hoặc lắp đặt báo hiệu bến thuỷ không đúng theo quy tắc vv…vv…

Sau khi kiểm tra và lập biên bản xử lý vi phạm, đoàn kiểm tra liên ngành đã bàn giao hồ sơ vi phạm cho Ban An toàn giao thông các địa phương để tham mưu chủ tịch UBND cấp huyện tiến hành xử phạt, đồng thời tiếp tục theo dõi, giám sát việc đình chỉ đối với những hành vi cố tình vi phạm quy định trong lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa.

Tại hội nghị, một đại biểu huyện Châu Thành cho biết, trên địa bàn huyện có bến đò Đồi Thơ- thuộc ấp Phước Hoà, xã Phước Vinh (phía đối diện là đất Campuchia) hoạt động không giấy phép đã lâu, nhưng vì những lý do phức tạp có liên quan đến người nước ngoài nên đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết rốt ráo.

Việc xây dựng bờ kè để mở bến tại đây đòi hỏi tốn kém rất nhiều trong khi số lượng hành khách qua lại trên sông không nhiều- khó thu hút được các chủ thuyền, đò đủ điều kiện hành nghề đưa rước khách. Còn với những chủ thuyền đò không đáp ứng đủ điều kiện (như thực tế đang diễn ra)- nếu “làm căng” quá thì họ nghỉ, vậy việc thông thương qua lại của người dân hai bên biên giới sẽ phải giải quyết thế nào? Đây là câu hỏi khó đối với chính quyền địa phương và các ngành liên quan.

Vị đại biểu huyện Châu Thành cũng đề nghị đoàn kiểm tra liên ngành nên tăng cường kiểm tra thường xuyên hơn để kịp thời chấn chỉnh những hoạt động có liên quan lĩnh vực giao thông đường thuỷ nội địa, không nên để kéo dài đến sáu tháng hoặc một năm mới kiểm tra một lần như nhiều năm qua.

Mặt khác, trong quá trình kiểm tra, tốt nhất đoàn liên ngành nên xử lý các vụ vi phạm ngay tại chỗ và hạn chế giao về cho cấp xã. Bởi ở xã hiện không có người chuyên về công tác này (chỉ có một cán bộ phụ trách nhiều lĩnh vực như nông nghiệp, giao thông nông thôn, thuỷ lợi… trong đó phụ trách nông nghiệp là chính).

Vị đại biểu huyện Tân Châu thông báo: sau khi đoàn kiểm tra liên ngành bàn giao các trường hợp vi phạm quy định tại các bến đò trên địa bàn huyện, lãnh đạo huyện đã mời chủ bến đò (ở các xã Tân Thành, Suối Dây, Tân Hoà) đến làm việc để tìm hướng giải quyết. Các chủ bến đò này đều trình bày một tình hình chung là vướng hợp đồng đất mở bến bãi.

Lý do là khi lòng hồ tích nước nhiều, bến đò phải dời lên trên phần đất của Ban quản lý Rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng. Khi nước ít đi, bến đò lùi dần xuống theo mực nước, rơi vào vùng đất bán ngập do Công ty Khai thác thuỷ lợi Dầu Tiếng- Phước Hoà quản lý.

Nếu xin phép mở bến bãi thì các chủ bến đò biết xin ở đâu? Chẳng lẽ phải xin phép cả hai đơn vị và phải xây dựng tới mấy bến bãi? Vị đại biểu nói trên đề nghị: trước mắt, Sở GTVT nên đặt vấn đề với Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Dầu Tiếng để tìm hướng tháo gỡ giúp dân.

Kéo đò qua sông ở bến đò Năm Chỉ.

Đại biểu huyện Tân Biên trình bày khó khăn: đến thời điểm này bến đò Năm Chỉ (từ xã Hoà Hiệp qua tỉnh Svay Rieng, Campuchia) không xin phép mở bến bãi được vì có liên quan đến yếu tố người nước ngoài; cấp trên cần có hướng dẫn cụ thể để cấp phép cho bến đò này hoạt động, vì nhu cầu qua lại và vận chuyển hàng nông sản của người dân địa phương hai bên biên giới là có thật.

Tình hình ở huyện Trảng Bàng có phần đỡ phức tạp hơn. Hai bè nuôi cá trên sông Sài Gòn đã bị đoàn kiểm tra lập biên bản, đến nay đã có một chủ bè cá ngưng hoạt động và cam kết tháo dỡ bè trong thời gian sớm nhất. Chủ bè còn lại xin gia hạn đến tháng 8.2015, trước mắt sẽ sắp xếp lại các lồng bè để không làm ảnh hưởng đến dòng chảy và gây cản trở giao thông trên sông.

Ông Trịnh Văn Lo- Phó Giám đốc Sở GTVT cho biết, bến đò Đồi Thơ ở Châu Thành và bến đò Năm Chỉ ở Tân Biên đều có liên quan đến yếu tố người nước ngoài, nên Sở sẽ tổ chức khảo sát lại một lần nữa để có thể xác định đây là loại bến đò, bến khách ven sông hay bến dân sinh để đề nghị cấp phép hoạt động.

Về việc các bến đò hoạt động không phép, ông Lo nhấn mạnh, trách nhiệm của chính quyền địa phương là khi phát hiện bến bãi trên địa bàn mình có nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thuỷ thì phải chủ động tuyên truyền pháp luật, hướng dẫn người dân thực hiện cho đúng quy định.

Ông Bùi Công Sơn- Giám đốc Sở GTVT nhận định: so với các tỉnh miền Tây, giao thông đường thuỷ ở Tây Ninh không phát triển bằng, công tác quản lý an toàn giao thông đường thuỷ cũng chưa được quan tâm đúng mức.

Hiện nay, do Nhà nước tăng cường việc kiểm tra, kiểm soát giao thông đường bộ nên nhiều doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang vận chuyển hàng hoá bằng đường thuỷ thay vì đường bộ như trước kia.

Trong số 69 bến bãi hoạt động không phép hiện có trên địa bàn tỉnh, ông Sơn đề nghị đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành phân loại và phải kiên quyết đình chỉ hoạt động ngay những bến nào có nguy cơ gây tai nạn giao thông cao; nhất thiết phải tăng cường quyết liệt hơn công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát đối với giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây