Hiệu quả của tín dụng chính sách

Thứ ba - 12/04/2022 19:00 176 0
Giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước và là sự nghiệp của toàn dân, mang tính nhân văn sâu sắc. Giảm nghèo hiện là một trong hai chương trình mục tiêu quốc gia - cùng với chương trình xây dựng nông thôn mới. Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã phát huy được hiệu quả to lớn, góp phần hiệu quả thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Chị Cao Thị Mê Lên chăm sóc vườn mãng cầu

Chị Cao Thị Mê Lên (39 tuổi), người dân tộc Khmer, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh có hơn 3 công đất trồng mãng cầu tại khu vực dưới chân núi Bà Đen do ba mẹ cho để làm kinh tế gia đình. Bao nhiêu vốn liếng chị dành hết cho vườn mãng cầu với hy vọng ổn định đời sống gia đình nhưng thật sự không đủ đâu vào đâu.

Vài tháng trước, được sự giới thiệu và hướng dẫn của Hội Nông dân xã Thạnh Tân, chị được vay vốn 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chi nhánh tỉnh Tây Ninh (Ngân hàng CSXH tỉnh) để thuê thêm nhân công chăm sóc, tỉa bông, trái non, bấm nhánh, mua thêm phân bón. Sự "tiếp sức" đúng thời điểm này giúp gia đình Chị hết sức phấn chấn, có thêm động lực hăng hái lao động sản xuất.

Nhờ được đầu tư đúng mức, vườn mãng cầu nhà Chị đã cho thu hoạch với năng suất cao, mỗi năm có thể thu hoạch hai vụ. Trái mãng cầu cũng đạt chất lượng cao, nên giá cả đầu ra ổn định. Vụ thu hoạch đầu tiên sau đó, sau khi trừ chi phí, gia đình chị có lãi trên dưới 80 triệu đồng, cao hơn so với trước đây. Chị Cao Thị Mê Lên phấn khởi cho biết, nhờ vay được nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH tỉnh kịp lúc nên có vốn làm mãng cầu có hiệu quả hơn.


Cán bộ Hội LHPN Phụ nữ huyện Châu Thành và Ngân hàng CSXH thăm hỏi tình hình sản xuất Bà Hoàng Thị Ngắm

Bà Hoàng Thị Ngắm, hội viên Hội Phụ nữ xã Trí Bình, huyện Châu Thành có gần 40 năm canh tác rau màu, khẳng định chắc nịch với chúng tôi rằng "trồng rau mà không làm nhà lưới thì chắc chắn chất lượng và năng suất sẽ không cao". Nhận ra sự khác biệt đó, khi bà được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ chương trình tín dụng giải quyết việc làm của Ngân hàng CSXH tỉnh, bà đầu tư làm ngay nhà lưới vào vườn rau rộng hơn 01 công đất của gia đình. Tiếp đó, bà đầu tư mua phân bón, hạt giống.

Với kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, cộng với nguồn vốn được hỗ trợ kịp thời như tiếp thêm sức mạnh để bà lao động hăng say. Trung bình mỗi tháng, sau khi trừ chi phí, gia đình bà Ngắm cũng thu về trên dưới 10 triệu đồng. Những khi trúng mùa, được giá, lợi nhuận còn cao hơn.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Châu Thành cho biết, trong thời qua, thông qua việc liên kết với Ngân hàng CSXH tỉnh, Hội đã giải ngân số vốn trên 150 tỷ đồng cho trên 5.000 hội viên phụ nữ, góp phần cùng địa phương thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, giúp cho hội viên có điều kiện phát triển kinh tế gia đình.

Với phương châm hoạt động "Thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", Ngân hàng CSXH tỉnh đã nỗ lực đưa nguồn vốn tín dụng đến tận tay các đối tượng. Từ việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, Ngân hàng đã thực hiện các sản phẩm dịch vụ theo hướng "Dân chủ công khai, dịch vụ tại nhà, giải ngân tại xã" thông qua mạng lưới hoạt động khắp tỉnh. Đó là 94 điểm giao dịch đặt tại trụ sở của 94 UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH tỉnh còn phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội quản lý 2.635 Tổ Tiết kiệm và vay vốn hoạt động đều tay và hiệu quả.

Theo Ngân hàng CSXH tỉnh, đến ngày 31/3/2022, tổng nguồn vốn huy động đạt 2.996,4 tỷ đồng, tăng 72,4 tỷ đồng (tăng 2,48%) so đầu năm. Tổng dư nợ đạt 2.985,7 tỷ đồng, tăng 69,72 tỷ đồng so với đầu năm (tăng 2,4%), đạt 35,6% kế hoạch tăng trưởng, đạt 95,9% kế hoạch năm.

Trong đó, Chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ nguồn vốn Ngân hàng CSXH huy động có dư nợ đạt 138,9 tỷ đồng, tăng 14,9 tỷ đồng so đầu năm (tương đương 12%), đạt 42,6% kế hoạch Trung ương giao.

Trong quý I năm 2022, doanh số cho vay ủy thác qua các cấp hội đạt 197,2 tỷ đồng, tăng 60,5 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 30,6% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều nhất là ủy thác qua Hội Nông dân với hơn 88 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 32,1% so với cùng kỳ năm trước trên mặt bằng tỷ lệ ủy thác của các tổ chức chính trị-xã hội đều tăng so cùng kỳ.

Cùng với việc tập trung thực hiện tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, công tác củng cố nâng cao chất lượng tín dụng luôn là nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt được Ngân hàng CSXH tỉnh quan tâm, đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác và các ngành, các cấp tập trung thực hiện các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách.

Ông Hồ Văn Khanh - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH tỉnh cho biết, thời gian qua Ngân hàng triển khai các chương trình tín dụng trên địa bàn mang lại hiệu quả to lớn. Thực hiện kế hoạch của Trưởng Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH tỉnh về tổ chức "Tuần lễ gửi tiết kiệm - Chung tay vì người nghèo", Ngân hàng CSXH tỉnh cùng 04 tổ chức chính trị - xã hội (gồm Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tỉnh Tây Ninh) thống nhất phối hợp tổ chức "Tuần lễ gửi tiết kiệm - Chung tay vì người nghèo", nhằm tập trung huy động các nguồn vốn nhàn rỗi từ các tổ chức kinh tế, cá nhân, để đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt là tạo nguồn lực phát huy hiệu quả cho vay các chương trình tín dụng ưu đãi, phục hồi, phát triển kinh tế xã hội, theo Nghị quyết số 11/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ.

Thanh Hoa


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây