Ngày thứ hai Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII: Giữ nước từ lúc chưa nguy và vững vàng trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch

Thứ bảy - 23/01/2016 16:00 88 0
Tiếp tục chương trình làm việc của Đại hội lần thứ XII của Đảng, ngày 22/01, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên thảo luận các văn kiện của Đảng.

DH_6.jpg

Đoàn đại biểu Đảng bộ tỉnh Tây Ninh tại Đại hội.

Các văn kiện Đại hội XII của Đảng đã được thảo luận tại đoàn trong phiên họp chiều 21/01 trước khi đưa ra thảo luận tập trung tại hội trường trong phiên họp sáng 22/01. Mở đầu phiên thảo luận, Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XI, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân tham luận về vấn đề "Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh". Đồng chí Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, để phát huy mạnh mẽ sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh trong giai đoạn hiện nay, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên cần nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bồi dưỡng và phát huy lòng yêu nước, tự hào dân tộc, truyền thống "uống nước nhớ nguồn", nhân nghĩa, khoan dung và ý thức về sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình phát triển đất nước… Bên cạnh đó, MTTQ  Việt Nam tích cực đóng góp phần vào việc tham gia xây dựng và cụ thể hoá các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp nhân dân, trong đó có các dân tộc, tôn giáo, đồng bào Việt Nam ở nước ngoài; tổ chức có hiệu quả các cuộc vận động, phong trào làm cho đại đoàn kết trở thành động lực, nguồn lực tinh thần và vật chất to lớn của đất nước; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Cũng trong phiên thảo luận, thay mặt Đoàn đại biểu Đảng bộ Quân đội, Đại tướng Ngô Xuân Lịch - Bí thư Trung ương Đảng, Uỷ viên Thường vụ Quân uỷ Trung ương, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã trình bày tham luận "Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò nòng cốt trong sự nghiệp tăng cường quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc". Trong tham luận này, Đại tướng Ngô Xuân Lịch nhấn mạnh: "Dựng nước đi đôi với giữ nước, xây dựng gắn liền với bảo vệ Tổ quốc là quy luật tồn tại và phát triển của đất nước. Xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước ngay từ trong thời bình là kế sách "lo giữ nước từ lúc nước chưa nguy". Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình; trước yêu cầu mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay, việc tăng cường quốc phòng, xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại là yêu cầu đặc biệt quan trọng, là nhiệm vụ trọng yếu trong việc xây dựng tiềm lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước". Trên cơ sở quán triệt, nắm vững Nghị quyết Trung ương 8 (khoá XI) về "Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới", Quân đội nhân dân Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu với Đảng, Nhà nước về lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, tạo môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước nhanh, bền vững; xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với an ninh nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu cao, thực sự là lực lượng nòng cốt cho toàn dân trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc; đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ Quân đội, lãnh đạo toàn quân hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.

Đại tướng Trần Đại Quang – Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an tham luận tại Đại hội với chủ đề "Đổi mới toàn diện công tác Công an đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh, trật tự thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước". Đại tướng nêu rõ: Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự, lực lượng Công an nhân dân ra sức phát huy truyền thống vẻ vang, thực hiện đồng bộ các biện pháp để bảo vệ Đảng và chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, góp phần bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, môi trường hòa bình để xây dựng và phát triển đất nước. Theo đó, Bộ Công an tổ chức quán triệt sâu sắc và thực hiện nghiêm túc đường lối, chủ trương của Đảng, trọng tâm là Nghị quyết Đại hội lần thứ XII, làm cơ sở, định hướng để tiếp tục đổi mới toàn diện công tác; nâng cao năng lực nắm tình hình, phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, nhận diện sớm các nguy cơ đe doạ an ninh quốc gia để kịp thời tham mưu với Đảng, Nhà nước; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác giữ gìn trật tự, an toàn xã hội… Đại tướng Trần Đại Quang nhấn mạnh: Mỗi cán bộ, chiến sĩ công an phải thường xuyên rèn luyện bản lĩnh chính trị, ý chí chiến đấu, tinh thần cách mạng tiến công, học tập và hành động theo Sáu điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân, thực hiện tốt khẩu hiệu hành động "Chủ động, kỷ cương, trách nhiệm, hiệu quả", vững vàng trước mọi sự tấn công của các thế lực thù địch, phản động và các loại tội phạm, cũng như những cám dỗ, tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, hội nhập quốc tế; kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện ngại khó, ngại khổ, lơ là trách nhiệm; thực hiện tốt văn hóa ứng xử, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ công an cách mạng, trách nhiệm, thân thiện, nhân văn trong lòng nhân dân".

Đóng góp ý kiến tại Đại hội, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XI, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Hoàng Bình Quân đề xuất một số biện pháp tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đối ngoại trong tình hình mới. Ông nhấn mạnh, cần nhận thức một cách đầy đủ, toàn diện về lợi ích tổng thể của quốc gia – dân tộc hiện nay là phải giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phát triển đất nước và nâng cao đời sống nhân dân, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị và an ninh quốc gia, nâng cao vị thế, uy tín quốc tế của đất nước. Đồng chí Hoàng Bình Quân đề nghị cần làm rõ hơn trách nhiệm và nội dung lãnh đạo công tác đối ngoại của các cấp ủy, các cấp, các ngành, các địa phương; triển khai mạnh mẽ chiến lược chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, tăng cường quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại nhằm nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại, chống lãng phí, tăng cường sự phối hợp giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, bảo đảm an ninh và lợi ích quốc gia, kịp thời đấu tranh, ngăn chặn có hiệu quả mọi âm mưu và thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch chống phá nước ta.

Theo chương trình, Đại hội sẽ dành cả ngày 22/01 để thảo luận các văn kiện. Ngày 23/01, trong buổi sáng, Đại hội tiếp tục thảo luận các văn kiện Đại hội; buổi chiều nghe báo cáo của Ban chấp hành Trung ương khoá XI về công tác nhân sự và thảo luận, biểu quyết về số lượng BCH Trung ương Đảng khoá XII.

Đặng Hoàng Thái

(Từ Hà Nội)


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây