Ngược lại khi các em không còn tin gia đình là điểm tựa, sự hụt hẫng tinh thần hay tình cảm sẽ phá vỡ ước mơ với suy nghĩ vô tư trong sáng trẻ thơ. Điểm bị xâm hại đầu tiên là mất thăng bằng trong học tập dẫn đến nguy cơ bỏ học xuất hiện, đi tìm nơi gửi gắm nương tựa, ảnh hưởng tinh thần nặng. Nếu gia đình và nhà trường không ngăn chặn kịp thời các em dễ buông xuôi phó mặc và lao vào cuộc chơi với quỹ thời gian quá dư thừa. Các em rơi vào tầm ngắm của bọn xấu tình dục và ma túy.
Để tránh những tình huống đẩy trẻ đến với ma túy, gia đình và nhà trường cần lưu ý:
Trẻ thanh thiếu niên kể cả thành niên rất cần hơi ấm gia đình và những lời động viên, khuyến khích, chia sẻ cảm thông đối với trẻ để giúp trẻ thêm tự tin rằng mình có nơi nương tựa vững vàng.
Thầy cô, nhất là ba mẹ có thể làm tổn thương trẻ khi giáo dục áp đặt quá nhiều mà thiếu sự yểm trợ tinh thần. Ba mẹ thường cho rằng trẻ là sản phẩm của mình, mình có quyền đặt để. Nên cho trẻ cơ hội phát triển suy nghĩ, bộc lộ ước mơ, khó khăn với ba mẹ và thầy cô.
Giúp trẻ phát huy tính tranh đua học tập, và khả năng tự khẳng định mình bằng những hoạt động tích cực, độc lập, đồng thời âm thầm yểm trợ giám sát các em từ phía sau.
Ba mẹ nên có qui ước để các em rèn luyện, tránh chiều chuộng quá mức. Cần giúp các em có trách nhiệm với chính mình và gia đình, Nên trang bị kiến thức về tình dục và ma túy cho các em trong dịp thuận lợi một cách nhẹ nhàng, dễ hiểu, không rao giảng. Giúp các em xử lý một số tình huống giả định thường xảy ra ở tuổi học trò về tình bạn, sự ngộ nhận, đổ vỡ, hụt hẫng...
K.H