Phiên chất vấn Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026: đại biểu đề nghị có giải pháp khắc phục việc chậm tiến độ các dự án giao thông trọng điểm

Thứ sáu - 09/12/2022 13:00 274 0
Chiều ngày 08/12, Kỳ họp thứ 6, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 tiếp tục chương trình làm việc với nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại hội trường.

kyhop-HDND-chatvan-1.jpg

Các đồng chí chủ trì phiên chất vấn

Phiên chất vấn tập trung vào 2 nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực giao thông vận tải và an ninh trật tự. Người đứng đầu các ngành trực tiếp trả lời chất vấn.

Đảm bảo hoạt động của các bến thủy nội địa đúng quy định của pháp luật

Mở đầu phiên chất vấn, Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Tấn Tài trả lời về nhóm vấn đề: Công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các bến thủy nội địa, bãi tập kết vật liệu; việc chấp hành các quy định của pháp luật về cấp phép hoạt đồng, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa và phòng ngừa ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh; tiến độ triển khai và công tác kiểm tra, giám sát các dự án giao thông trọng điểm.

kyhop-HDND-chatvan-2.jpg 

Giám đốc Sở GTVT Nguyễn Tấn Tài trả lời chất vấn

Giám đốc Sở GTVT cho biết, hiện tại, có 134 bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh đã được cấp phép hoạt động, gồm: sông Vàm Cỏ Đông 69 bến; sông Sài Gòn 14 bến; hồ Dầu Tiếng 23 bến; hồ Tha La 03 bến; rạch Tây Ninh 09 bến; rạch Trảng Bàng, Bàu Nâu, rạch Vàm Bảo, rạch Đá Hàng 16 bến. Trong đó có 90 bến thuỷ nội địa tập kết vật liệu xây dựng, hàng hoá thông thường, cát xây dựng đang hoạt động; 05 bến khách ngang sông đang hoạt động; 39 bến thuỷ nội địa đang dừng hoạt động.

Các vị trí đề nghị mở bến thủy nội địa phải phù hợp với quy hoạch Bến thủy nội địa địa phương. Trường hợp vị trí đề nghị mở bến thủy nội địa chưa được đưa vào quy hoạch, trên cơ sở thống nhất của các ngành, địa phương sẽ cập nhật bổ sung vào quy hoạch của địa phương và tích hợp vào quy hoạch chung của tỉnh.

Về cảng thuỷ nội địa, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 04 cảng thuỷ nội địa đang hoạt động gồm: Cảng Bến Kéo (cảng hàng hóa); Cảng Thanh Phước (cảng hàng hóa); Cảng xăng dầu LPG (cảng chuyên dùng); Cảng Xi măng Fico (cảng chuyên dùng) và hiện đang đầu tư xây dựng Cảng Hưng Thuận (trong khu Trung tâm Logistics, cảng cạn và cảng tổng hợp Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, Tây Ninh, quy mô 259ha), dự kiến hoàn thành đưa vào khai thác năm 2024.

Giám đốc Sở GTVT thông tin, có 6 dự án do tỉnh đầu tư đang triển khai thực hiện, trong đó dự án Nâng cấp, mở rộng ĐT.795 đảm bảo tiến độ (dự kiến hoàn thành quí III/2023). Các dự án còn lại có chậm tiến độ, tuy nhiên đảm bảo không vượt thời gian thực hiện dự án theo quy định; nguyên nhân chủ yếu là do công tác giải phóng mặt bằng chậm hơn so với kế hoạch đề ra, do nhân sự Trung tâm Phát triển Quỹ đất các địa phương còn ít so với khối lượng công việc và một số hộ chưa đồng ý bàn giao mặt bằng. Thứ hai, thời điểm 6 tháng đầu năm giá nhiên liệu xăng dầu tăng mạnh dẫn đến giá các vật liệu xây dựng tăng theo, đặc biệt là giá nhựa đường và nguồn cung ứng rất hạn chế. Thứ ba do nguồn vật liệu (sỏi đỏ) trên địa bàn tỉnh chưa đảm bảo cung cấp cho các công trình, phải lấy từ các tỉnh Bình Dương, Bình Phước. Sở cũng đã đề ra các giải pháp để khắc phục các hạn chế nêu trên.

Sau báo cáo ban đầu của Giám đốc Sở GTVT, các đại biểu tiếp tục chất vấn để làm rõ thêm một số vấn đề mà đại biểu và cử tri quan tâm.

kyhop-HDND-chatvan-3.jpg 

Đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc chất vấn việc cấp phép hoạt động cho bến thủy nội địa

Đại biểu Ngô Trần Ngọc Quốc đề nghị làm rõ việc cấp phép hoạt động cho các bến thủy nội địa căn cứ vào quy hoạch nào; Việc cấp phép hiện nay có phù hợp với quy hoạch hay không và công tác kiểm tra sử dụng đất sau cấp phép được thực hiện như thế nào.

kyhop-HDND-chatvan-4.jpg 

Đại biểu Phạm Mạnh Hiếu chất vấn Giám đốc Sở GTVT

Đại biểu Phạm Mạnh Hiếu nêu vấn đề, hiện nay trong triển khai các dự án hạ tầng giao thông bị chậm tiến độ, nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ đã được Sở làm rõ, vậy Sở có giải pháp gì khi thời gian tới tỉnh sẽ triển khai thực hiện một số dự án có tính kết nối vùng như cao tốc TP.HCM-Mộc Bài; Gò Dầu-Xa Mát. Những giải pháp của Sở để khắc phục tình trạng thiếu nguồn nguyên vật liệu đất san lắp, sỏi đỏ cho các dự án.

kyhop-HDND-chatvan-5.jpg 

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Sơn nêu ý kiến chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Sơn dẫn chứng, các tuyến đường dẫn đến các bến thủy nội địa mang theo đất đá gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng môi trường, sinh hoạt của người dân khu vực có bến, hướng khắc phục vấn đề này ra sao. Trên rạch Tây Ninh có một số dịch vụ ăn uống vận chuyển bằng tàu, công tác quản lý như thế nào, ai cấp phép hoạt động, hướng xử lý.

Đề ra giải pháp được đưa ra để đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình trọng điểm

Trả lời các ý kiến chất vấn, Giám đốc GTVT khẳng định, Quyết định số 11/2012/QĐ-UBND của UBND tỉnh quy hoạch chi tiết phát triển giao thông vận tải đường sông đến nay còn nguyên giá trị; thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành 02 đề án, gồm: Quyết định số 1038/QĐ-UBND ngày 05/5/2022 phê duyệt Đề án Phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030; Quyết định số 2239/QĐ-UBND ngày 04/11/2022 Phê duyệt Đề án Rà soát thực hiện quy hoạch và định hướng phát triển hạ tầng giao thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Các nội dung này đã được tích hợp vào quy hoạch tỉnh để làm cơ sở thực hiện trong thời gian tiếp theo. Các bến thủy nội địa hiện nay đều phù hợp với quy hoạch.

kyhop-HDND-chatvan-6.jpg 

Quang cảnh phiên chất vấn

Giám đốc Sở GTVT nhìn nhận, trong tỉnh có 3 địa phương xảy ra tình trạng thiếu đất san lấp thực hiện các công trình, tới đây, các đơn vị liên quan sẽ tham mưu tỉnh chấn chỉnh tình trạng này. Với giải pháp được đưa ra để đảm bảo nguồn cung ứng vật liệu, ngành chuyên môn tham mưu tỉnh có cấp phép khai thác tương ứng với khối lượng nhu cầu từng công trình, từng địa phương, từng thời điểm.

Về nguyên nhân chậm tiến độ do công tác giải phóng mặt bằng chậm, Tỉnh ủy đã có chỉ thị giúp cho công tác này có chuyển biến tích cực.

Vấn đề ô nhiễm môi trường khi vận chuyển vật liệu xây dựng trên đường từ bến thủy nội địa, Sở ghi nhận và sẽ phối hợp các địa phương kiểm tra nhắc nhở các chủ bến trong quá trình khai thác không làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân xung quanh.

”Quản lý dịch vụ ăn uống trên sông rạch, là hoạt động kinh doanh có điều kiện, được quản lý rất khắt khe, từ phản ánh khi phát hiện, Sở đã đình chỉ ngay, hầu hết là hoạt động không có đăng ký, không cấp phép, khi nhận được thông tin cụ thể, Sở sẽ tiến hành xử lý ngay” - Giám đốc Sở GTVT nói.

Khắc phục nguyên nhân chủ quan làm chậm tiến độ các dự án

Kết luận phần chất vấn Giám đốc Sở GTVT, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm đánh giá, Giám đốc Sở GTVT đã báo cáo rõ, chi tiết các vấn đề đại biểu quan tâm, tồn tại, vướng mắc cho thấy trách nhiệm của ngành trong công tác quản lý nhà nước, đề ra giải pháp khắc phục tồn tại hạn chế.

kyhop-HDND-chatvan-7.jpg 

Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm kết luận phần chất vấn của Giám đốc Sở GTVT

Để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này, chủ tọa đề nghị,  Sở GTVT tiếp tục phối hợp với các địa phương, đơn vị liên quan rà soát, cập nhật quy hoạch hệ thống cảng bến thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh phù hợp định hướng, không gian phát triển, phân vùng phát triển trong Quy hoạch tỉnh đến năm 2030 định hướng 2050. Bảo đảm hệ thống giao thông đường thuỷ, đường bộ kết nối an toàn, có biện pháp phòng chống ô nhiễm môi trường, đồng bộ với các quy hoạch khác nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý để triển khai tốt các quy hoạch, kế hoạch, khai thác tốt tiềm năng vận tải đường thuỷ gắn với phát triển kinh tế của địa phương. Đẩy mạnh triển khai Đề án Phát triển, nâng cao năng lực vận tải đường thuỷ nội địa gắn với phát triển hệ thống cảng đường sông - dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030.

Ngành GTVT tham mưu, chủ động ban hành danh mục, tiêu chí cụ thể, công khai, minh bạch, kêu gọi đầu tư xã hội xây dựng hệ thống giao thông đường thuỷ, trong đó có các bến, cảng thuỷ nội địa.

Đối với các cảng, bến đang hoạt động, ngành phối hợp các đơn vị liên quan tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm về an toàn bến, cảng, an toàn giao thông đường bộ nhất là các tuyến giao thông kết nối vào bến, cảng. Đối với các bến cảng gây ô nhiễm môi trường, nhất là bến, cảng vận chuyển vật liệu xây dựng, vi phạm sử dụng đất không đúng mục đích, cần hướng dẫn và yêu cầu các chủ khai thác bến, cảng tuân thủ pháp luật, khắc phục các vi phạm về an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường; có biện pháp quản lý chặt chẽ hơn đối với việc thu, chi phí hoạt động các bến, cảng.

Đối với công trình trọng điểm đang chậm tiến độ, chủ tọa đề nghị ngành chủ động phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tập trung khắc phục vướng mắc, khó khăn nhất là những tồn tại hạn chế do nguyên nhân chủ quan; thường xuyên kiểm tra, giám sát xây dựng, thi công, kiên quyết xử lý các nhà thầu không thực hiện đúng cam kết hợp đồng do nguyên nhân chủ quan và không bảo đảm chất lượng công trình. Tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo chủ động triển khai các công trình của tỉnh trong thời gian tới như khảo sát, thiết kế, giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguồn cung cấp vật liệu, lựa chọn nhà thầu… phối hợp các địa phương tăng cường quản lý, khai thác sử dụng các công trình đã đầu tư xong, có biện pháp sớm sửa chữa hư hỏng, bảo đảm hành lang an toàn giao thông.

Tình hình tội phạm trên một số lĩnh vực diễn biến phức tạp

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Trãi trả lời chất vấn về nhóm vấn đề: Thực trạng giải pháp đối với công tác phòng, chống tội phạm: tội phạm ma túy, trộm cắp tài sản, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê, lừa đảo qua mạng xã hội, bạo lực học đường và gia đình.

kyhop-HDND-chatvan-8.jpg 

Giám đốc Công an tỉnh Nguyễn Văn Trãi nêu thực trạng và giải pháp phòng chống tội phạm trên địa bàn

Theo đó, Giám đốc Công an tỉnh cho biết, tội phạm về trật tự xã hội trong năm 2022 (tính từ 15/12/2021 đến 14/11/2022) xảy ra 694 vụ, giảm 10% so với năm 2019; điều tra làm rõ các vụ phạm tội hình sự đạt 92,88%. Đa số các loại tội phạm đều giảm mạnh, như: trộm cắp tài sản giảm 48 vụ, cố ý gây thương tích giảm 17 vụ, lừa đảo chiếm đoạt tài sản giảm 26 vụ, tội phạm lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản giảm 18 vụ... Có một số ít tội phạm tăng nhưng mức tăng không đáng kể như: giết người tăng 03 vụ, cưỡng đoạt tài sản tăng 03 vụ, cướp giật tài sản tăng 04 vụ...

Tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới tiếp tục diễn biến phức tạp. Tây Ninh có dấu hiệu trở thành địa điểm trung chuyển ma túy từ bên ngoài vào Việt Nam để đưa đi tiêu thụ tại các địa bàn khác trong nước và vận chuyển sang nước thứ 3. Khối lượng vận chuyển trong từng vụ càng ngày càng tăng, loại ma túy các đối tượng thường vận chuyển là ma túy tổng hợp, các đối tượng rất manh động, sử dụng súng, đạn để chống trả lại lực lượng truy bắt (đã có 02 chiến sĩ bị thương trong khi truy bắt các đối tượng). Đã phát hiện 08 vụ, 35 đối tượng vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới, thu giữ 142 kg ma túy, trung bình mỗi vụ phát hiện gần 20 kg.

Trong năm 2022, xảy ra 206 vụ trộm cắp tài sản, giảm 48 vụ (tương đương19%) so với cùng kỳ năm 2019. Đại đa số đều là các vụ trộm xe gắn máy và trộm đột nhập do người dân chủ quan, không có biện pháp bảo vệ tài sản. Tội phạm trộm cắp tài sản gần đây chủ yếu do các đối tượng chuyên nghiệp thực hiện, hoạt động theo băng nhóm liên tuyến, liên tỉnh trên nhiều địa bàn, đa số các đối tượng có nhiều tiền án tiền sự, nghiện ma túy, có nhiều thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng nên việc điều tra khám phá gặp rất nhiều khó khăn.

Giám đốc Công an tỉnh thông tin, trong năm 2022 đã xảy ra 06 vụ bạo lực có liên quan đến 44 học sinh (địa bàn xảy ra Thành phố Tây Ninh 02 vụ, Gò Dầu 02 vụ, Tân Châu 01 vụ, Dương Minh Châu 01 vụ); trong đó có trường hợp học sinh đánh nhau quay phim phát tán trên mạng xã hội.

Năm 2022, Công an tỉnh đã bắt, khởi tố 10 vụ 21 bị can về hành vi cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, cưỡng đoạt tài sản. Hoạt động tín dụng đen cho vay truyền thống giảm thì hiện tượng cho vay lãi nặng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động gia tăng. Đối tượng cho vay chủ yếu là người từ các tỉnh khác đến địa phương đứng ra tổ chức cho vay rồi móc nối các đối tượng có tiền án, tiền sự ở địa phương để đi thu nợ.

Để phòng chống hiệu quả các loại tội phạm này, Công an tỉnh đề ra các biện pháp phòng ngừa nghiệp vụ, bên cạnh đó là các biện pháp phòng ngừa xã hội với sự chung tay sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, của cả hệ thống chính trị và người dân.

kyhop-HDND-chatvan-9.jpg 

Đại biểu Lê Phan Mỹ An nêu ý kiến chất vấn

Đại biểu Lê Phan Mỹ An chất vấn, với tình hình phức tạp của tội pham ma túy, Công an tỉnh có giải pháp cụ thể như thế nào để triệt phá loại tội phạm này, công tác phối hợp với lực lượng chức năng khác trên khu vực biên giới triệt phá các vụ buôn ma túy ra sao, dự báo tình hình tội phạm ma túy và những giải pháp trọng tâm.

kyhop-HDND-chatvan-10.jpg 

Đại biểu Võ Thị Kim Huệ nêu ý kiến chất vấn

Đại biểu Võ Thị Kim Huệ nhận định, tội phạm ma túy có đối tượng phạm tội là thanh thiếu niên sử dụng cơ sở karaoke, quán bar, khách sạn để sử dụng ma túy, vậy, việc xử lý trách nhiệm liên đới của các chủ cơ sở này đối với những vụ việc này như thế nào, chế tài đủ sức răn đe chưa, giải pháp trong thời gian tới.

Đại biểu Trần Thị Ngọc Trinh nêu vấn đề, người sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, Công an tỉnh đánh giá công tác phối hợp với gia đình nhà trường trong phòng ngừa như thế nào, việc cai nghiện được thực hiện như thế nào; hiện nay có nhiều loại ma túy tinh vi hơn len lỏi vào học đường, ngành công an, ngành giáo dục có những giải pháp như thế nào để ngăn chặn.

kyhop-HDND-chatvan-11.jpg 

Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng chất vấn Giám đốc Công an tỉnh

Đại biểu Nguyễn Tiến Hưng chất vấn, ngành công an có giải pháp trấn áp loại tội phạm cho vay nặng lãi thông qua hình thức quảng cáo bằng tờ rơi như thế nào. Bạo lực học đường chuyển biến phức tạp nghiêm trọng, đã xác định nguyên nhân, đã đề ra giải pháp, đã đủ sức răn đe hay chưa, công tác phối hợp như thế nào.

Đại biểu Kim Thị Hạnh muốn biết, ngành công an đã có thu hồi được tài sản cho người dân lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng công nghệ cao hay chưa, giải pháp triệt phá loại tội phạm này.

Tăng cường vai trò phòng ngừa xã hội trong phòng chống tội phạm công nghệ cao

Các ý kiến chất vấn đều được Giám đốc Công an trả lời làm rõ. Trong đó nhấn mạnh, nếu không quyết liệt thực hiện các giải quyết thì không giải quyết triệt để loại tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao, cần sự vào cuộc không chỉ công an mà của cả hệ thống chính trị. Trong các giải pháp cụ thể đã nêu, không có giải pháp nào đạt hiệu quả 100%, giải pháp căn cơ nhất là từng gia đình, từng khu vực, từng cộng đồng phải trách nhiệm với vấn đề này với tinh thần kiên quyết.

kyhop-HDND-chatvan-12.jpg 

Giám đốc Công an tỉnh trả lời chất vấn của các đại biểu

Với dự báo xu hướng trẻ hóa người sử dụng ma túy đang ngày càng tăng cần có giải pháp quyết liệt, căn cơ, đề nghị ban chỉ đạo phòng chống tội phạm tỉnh tăng cường chỉ đạo có giải pháp cụ thể, vấn đề không ở chỗ bắt được bao nhiêu đối tượng, thu được bao nhiêu ma túy mà quan trọng là chủ động phòng chống, làm cho ma túy không xâm nhập vào địa phương, không để ma túy thẩm thấu vào trong nước qua mọi đường.

Theo Giám đốc Công an tỉnh, thời gian gần đây, đối tượng sử dụng ma túy phần lớn ở khách sạn, thực tế xảy ra trường hợp “lách luật”, nhờ người khác đứng tên pháp nhân khác xin cấp giấy phép hoạt động lại, gây khó khăn trong quản lý của cơ quan chức năng.

Đối với tội phạm công nghệ cao, lực lượng chức năng “đi sau” gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống loại tội phạm này. Để thực hiện hiệu quả phòng chống tội phạm này là cả quá trình. Công an Tây Ninh đã thành lập phòng an ninh mạng ban đầu hoạt động còn khó khăn.

Quảng cáo tờ rơi cho vay nặng lãi, sau khi công an thực hiện quyết liệt có giảm, nhưng thời gian gần đây có xuất hiện trở lại, với phản ánh của đại biểu, ngành công an tiếp thu, sẽ chỉ đạo lực lượng công an nơi đó kiểm tra xử lý. Công tác điều tra, thu hồi tài sản cho người dân do tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gặp khó khăn, do máy chủ đặt ở nước ngoài, người dân khi bị mất tài sản khai báo không kịp thời, ngành chức năng chưa thu hồi được tài sản cho nạn nhân.

Liên quan đến nội dung chất vấn, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo và Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông giải trình thêm để làm rõ biện pháp xử lý kéo giảm tình trạng bạo lực học đường trong nhà trường; trách nhiệm của cơ quan quản lý trong xử lý tin nhắn quảng cáo từ sim rác.

Quyết liệt thực hiện các giải pháp ngăn chặn, kiềm chế kéo giảm các loại tội phạm

Kết luận phần chất vấn Giám đốc Công an tỉnh, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Thành Tâm ghi nhận nỗ lực của ngành Công an trong thời gian qua tăng cường đấu tranh chống các loại tội phạm, vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh, đem lại những kết quả tích cực.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật, các loại tội phạm đặc biệt là các loại tội phạm liên quan ma tuý, cờ bạc, tín dụng đen, tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp, tác động rất lớn đến đời sống người dân, cần có giải pháp ngăn ngừa, đấu tranh, kéo giảm các loại tội phạm này với sự tham gia của cả hệ thống chính trị và người dân.

Chủ toạ đề nghị trong thời gian tới, ngành Công an tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp ngăn chặn, kiềm chế kéo giảm các loại tội phạm rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng; tập trung đấu tranh mạnh mẽ, xử lý nghiêm các loại tội phạm trộm cắp tài sản, tín dụng đen, đòi nợ thuê, không để xảy ra các hoạt động vi phạm pháp luật có tổ chức kiểu xã hội đen; mở các đợt cao điểm đấu tranh trấn áp tội phạm.

Trong đó tập trung triệt phá các ổ nhóm, băng nhóm tội phạm, đường dây vận chuyển mua bán trái phép chất ma tuý. Tăng cường các biện pháp quản lý, phối hợp các ngành, địa phương thực hiện cai nghiện ma tuý trên địa bàn; tăng cường tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hậu quả tệ nạn đánh bạc, ma tuý, trộm cắp tài sản, mua bán người, xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới để lừa đảo, vi phạm pháp luật, các hoạt động lừa đảo cho vay trực tuyến. Phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên kiểm tra các giao dịch trên không gian mạng thuộc phạm vi quản lý, kịp thời phát hiện, triệt phá các đường dây cờ bạc sử dụng internet mạng xã hội để quảng cáo, lôi kéo người dân tham gia đánh bạc và tín dụng đen. Phối hợp ngành Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền nâng cao nhận thức, kiến thức, hiểu biết của học sinh có nguy cơ bị rơi vào tệ nạn, phạm pháp. Ngành Giáo dục phát huy vai trò của nhà trường, xã hội trong quản lý học sinh; nâng cao chất lượng giáo dục học sinh về đạo đức, kỹ năng sống, tư vấn tâm lý trong nhà trường, góp phần ngăn chặn bạo lực học đường và vi phạm pháp luật tuổi vị thành niên.  

Chủ tọa đề nghị Ngành Công an phối hợp các ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ cho vay vốn để người dân phát triển sản xuất kinh doanh, thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo. Triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; phối hợp tăng cường kiểm tra, xử lý các cơ sở kinh doanh dịch vụ có nguy cơ xảy ra tội phạm ma tuý trên địa bàn tỉnh và kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Song Trần

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây