Bế mạc Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

Thứ ba - 06/12/2022 23:00 180 0
Tiếp tục chương trình Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt và tuyên truyền Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, ngày 6/12, các đại biểu được nghe triển khai hai chuyên đề.


Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh

Chuyên đề 3 "Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045", do đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương truyền đạt.

Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị quan trọng để đảm bảo có những nỗ lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết có kết cấu gồm 4 phần: quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, tầm nhìn; nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu và công tác tổ chức thực hiện. Nghị quyết đề ra 7 nhóm chỉ tiêu tổng hợp với 25 chỉ tiêu cụ thể, hướng đến mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam cơ bản đạt được các tiêu chí của nước công nghiệp, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đời sống của nhân dân được nâng cao. Tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.


Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam truyền đạt Chuyên đề 4 "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050"

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ủy

Chuyên đề 4 "Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050" do đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ truyền đạt.

Nghị quyết đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; mô hình tổ chức không gian phát triển quốc gia hiệu quả, thống nhất, bền vững, hình thành được các vùng, trung tâm kinh tế, đô thị động lực, có mạng lưới kết cấu hạ tầng cơ bản đồng bộ, hiện đại; giữ vững các cân đối lớn, nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế; bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh lương thực và an ninh nguồn nước; môi trường sinh thái được bảo vệ, thích ứng với biến đổi khí hậu; đời sống vật chất, tinh thần nhân dân được nâng cao; quốc phòng, an ninh được bảo đảm.  


Đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư nhấn mạnh, những nội dung này là rất hệ trọng, tiếp tục cụ thể hóa chủ trương lớn, nhất quán của Đảng được xác định trong Cương lĩnh và Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, là xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của đảng; công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Nhấn mạnh lại những nội dung quan trọng của hai nghị quyết "Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới" và "Tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới", đồng chí Võ Văn Thưởng khẳng định "Xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN và đổi mới phương thức lãnh đạo cầm quyền của đảng đối với hệ thống chính trị là rất hệ trọng, nên trong quá trình tiến hành phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; thực hiện nghiêm các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng, đặc biệt là nguyên tắc tập trung dân chủ". Chủ động, tích cực, có quyết tâm chính trị cao, đồng thời, phải cẩn trọng và có bước đi vững chắc. Kế thừa, phát huy những thành tựu, kết quả, kinh nghiệm tốt và thực tiễn chứng minh là đúng. Ở mỗi cấp, mỗi lĩnh vực phải vừa quán triệt nguyên tắc chung vừa phải phù hợp với thực tiễn, yêu cầu, nhiệm vụ lãnh đạo ở từng cấp, từng lĩnh vực, từng tổ chức; "đẩy mạnh phân cấp phân quyền, làm rõ hơn chức năng, nhiệm vụ quyền hạn của các tổ chức, cá nhân trong bộ máy nhà nước, khắc phục cho được tình trạng cấp dưới đi hỏi cấp trên những vấn đề thuộc về chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình hoặc cấp trên trả lời chung chung khi có vướng mắc" - đồng chí nêu rõ.

Bên cạnh đó, nêu cao trách nhiệm của tổ chức cá nhân, nhất là người đứng đầu giữ vững sự lãnh đạo tập trung thống nhất, kỷ luật, kỷ cương bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, quyền lực càng cao thì trách nhiệm càng lớn; có quyết tâm cao về xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất năng lực uy tín ngang tầm nhiệm vụ, đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.

Đồng chí Võ Văn Thưởng chỉ đạo, sau hội nghị này, các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung tiếp tục tổ chức học tập, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nghị quyết Trung ương 6 với nhiều hình thức phù hợp giúp cho các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ, thấm nhuần nội dung các nghị quyết, kết luận của Hội nghị Trung ương 6.

"Việc học tập phải được tiến hành thường xuyên, toàn diện xuyên suốt nhiệm kỳ đồng thời với việc tuyên truyền giới thiệu mô hình, điển hình hay trong quá trình thực hiện; kịp thời phê bình các tập thể, cá nhân thực hiện chưa tốt; chú trọng công tác đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đặc biệt phải quan tâm đổi mới mạnh mẽ công tác tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của trung ương bảo đảm khoa học chặt chẽ hiệu quả; chủ trương 1, biện pháp 10, nhưng hành động phải 20, tránh tình trạng "nghị quyết thì rất hay nhưng thực hiện thì rất gay" - đồng chí Võ Văn Thưởng lưu ý.

Đồng chí còn yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra giám sát việc tổ chức thực hiện nghị quyết kết luận ở các cấp; kịp thời biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, nhắc nhở, phê bình xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thực hiện không nghiêm túc, không hiệu quả.

Thanh Hoa

 

 


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây