Tây Ninh: Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công

Thứ ba - 24/03/2015 15:00 79 0
Theo báo cáo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, qua 4 năm thực hiện Chương trình phát triển nguồn nhân lực đã đem lại những kết quả khích lệ. Trong đó, rõ nét nhất là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong khu vực công.

nhan luc 1.jpg

Một lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác thanh niên cho cán bộ xã/phường. Ảnh minh hoạ

Chủ trương lớn trong Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX đã được UBND tỉnh cụ thể bằng 3 đề án, bao gồm: đề án "Đào tạo nguồn chức danh bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2020" (Quyết định số 20/2010/QĐ-UBND ngày 22/4/2010); đề án "Đào tạo cán bộ, công chức, viên chức trình độ sau đại học tại các cơ sở nước ngoài giai đoạn 2010-2015" (Quyết định số 21/2020/QĐ-UBND ngày 22/4/2010) và đề án "Hỗ trợ đào tạo đại học, sau đại học dành cho học sinh, sinh viên, học viên tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2010-2015" (Quyết định số 22/2010/QĐ-UBND ngày 22/4/2010).

Qua 4 năm thực hiện đã đào tạo được 118 học viên. Trong đó có 2 trường hợp học nghiên cứu sinh tiến sĩ, 11 trường hợp là sinh viên có hộ khẩu ở Tây Ninh được hỗ trợ đào tạo đại học và sau đại học (5 trường hợp học cao học), và có 6 trường hợp hoàn thành khoá học đã được bố trí công tác tại tỉnh.

UBND tỉnh cũng đã ban hành chính sách đào tạo và thu hút nhân tài. Qua 4 năm thực hiện (2011-2014) đã đào tạo sau đại học 323 cán bộ, công chức (nghiên cứu sinh 12 người, cao học 311 người); đào tạo trình độ cao đẳng, đại học được 744 người. Đã tiếp nhận, bố trí công tác 329 dự nguồn công chức; hỗ trợ 190 lượt sinh viên diện cử tuyển, 67 lượt sinh viên diện chính sách và 57 lượt sinh viên đào tạo theo địa chỉ.

Hiện nguồn nhân lực ngành y tế của tỉnh còn thiếu số lượng bác sĩ, dược sĩ dẫn đến mất cân đối về cơ cấu. Bác sĩ có trình độ chuyên môn giỏi, kỹ năng nghề nghiệp cao bị thu hút về các thành phố lớn, khu vực y tế ngoài công lập làm việc nên ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của ngành y tế nói chung và chất lượng khám chữa bệnh nói riêng.

Để khắc phục những hạn chế ấy, tỉnh đã ban hành và tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển và thu hút nguồn nhân lực ngành y tế. Đến nay đã có 139 bác sĩ, dược sĩ tốt nghiệp (81 bác sĩ, 58 dược sĩ), thu hút được 7 bác sĩ về Tây Ninh công tác. Dự kiến đến cuối năm 2015 có thêm 33 bác sĩ và 18 dược sĩ do tỉnh hỗ trợ đào tạo tốt nghiệp ra trường.

Bên cạnh thực hiện các đề án, chương trình, tỉnh còn tập trung đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị; trong đó đã đào tạo 137 cán bộ có trình độ cao cấp, 924 cán bộ trình độ trung cấp lý luận chính trị. Bồi dưỡng nâng cao trình độ quản lý nhà nước cho 380 lượt cán bộ công chức (chuyên viên cao cấp 6 người, chuyên viên chính 97 người, còn lại là bồi dưỡng chuyên viên và cán sự). Bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ ngắn hạn cho 1.661 cán bộ, công chức, viên chức.

Việc thực hiện theo đề án của Chính phủ, của Trung ương cũng được quan tâm sâu sát. Đến nay, tỉnh đã bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho 1.032 cán bộ, công chức cấp xã theo Đề án 1956 của Chính phủ; cử 72 cán bộ công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài theo Đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương.

nhan_luc.JPG

Thành viên CLB Thầy thuốc trẻ khám bệnh cho người dân vùng sâu. Ảnh minh hoạ

Nhìn lại việc thực hiện công tác nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong hệ thống chính trị trong thời gian qua cho thấy sự quan tâm, tập trung triển khai và tổ chức thực hiện các đề án, dự án của các cấp, các ngành. Trong đó Trường Chính trị tỉnh trở thành trung tâm đào tạo, bồi dưỡng lớn nhất cho hệ thống chính trị của tỉnh. Việc đầu tư phát triển nhân lực là quá trình lâu dài, hiệu quả chỉ có thể nhận thấy được qua nhiều năm triển khai thực hiện.

Đơn cử, nếu năm 2010 chỉ số PCI của tỉnh là 57,93, đứng hàng 33 của cả nước thì đến năm 2013 là 61,15- xếp hạng 11 toàn quốc. Chắc chắn rằng sự tiến bộ này có đóng góp quan trọng của nguồn nhân lực trong khu vực công.

2015 là năm kết thúc nhiệm kỳ, do vậy đòi hỏi các cấp, các ngành hữu quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện bốn giải pháp quan trọng về vốn, về chính sách, về hợp tác và về tuyên truyền để sớm hoàn thành mục tiêu mà chương trình hành động đề ra. Đồng thời, tổng kết việc thực hiện khâu đột phá về phát triển nguồn nhân lực một cách toàn diện, tổng thể để đánh giá sâu sắc, rút ra bài học kinh nghiệm quan trọng cho thời gian tới.

Theo BTNO

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây