Ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước phát biểu tại hội nghị.
Tham dự hội nghị có ông Phan Văn Minh – Giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước cùng đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành có liên quan và những gia đình có lao động đi Hàn Quốc không về nước đúng thời hạn.
Chương trình đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại Hàn Quốc (gọi tắt là chương trình EPS) bắt đầu triển khai thực hiện từ tháng 8.2004. Từ khi thực hiện đến nay, Trung tâm Lao động ngoài nước đã đưa khoảng 80.000 lượt lao động trong nước đi làm việc tại Hàn Quốc. Trong những năm đầu tiên, lao động Việt Nam với tính cách cần cù, chịu khó, dễ hòa nhập đã để lại nhiều ấn tượng tốt đối với các doanh nghiệp, công ty tại Hàn Quốc.
Người lao động Việt Nam nhập cảnh vào Hàn Quốc. (nguồn Internet)
Tuy nhiên, từ năm 2011 đến nay, tình trạng người lao động Việt Nam không về nước đúng thời hạn khi hết hạn hợp đồng lao động và tự ý ở lại cư trú, làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc ngày càng nhiều. Những lao động này mong muốn ở lại Hàn Quốc để kiếm tiền mà chưa nhận thức được hết nguy cơ xảy ra đối với lao động bỏ trốn, không về nước đúng hạn.
Tình trạng này đã ảnh hưởng đến công tác ký kết thực hiện chương trình EPS giữa Việt Nam và Hàn Quốc, làm mất niềm tin vào việc nhận tuyển lao động Việt Nam trong những năm gần đây.
Để kéo giảm hiện trạng này, trong thời gian qua, Trung tâm Lao động ngoài nước đã phối hợp với các bộ ngành có liên quan ban hành các nghị định, thông tư, chế tài xử phạt nhằm kêu gọi, vận động các lao động Việt Nam đang trốn và làm việc bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước. Tuy nhiên, công tác tuyên truyền gặp nhiều khó khăn, do gia đình không liên lạc được với người lao động hoặc không thể vận động con em mình về nước. Bên cạnh đó, việc xử phạt hành chính đối tượng cũng gặp nhiều bất cập do không tiếp cận được với lao động đang ở Hàn Quốc.
Theo số liệu của Sở LĐTB-XH tỉnh, từ năm 2004 đến nay, toàn tỉnh có 395 người đi làm việc ở Hàn Quốc. Năm 2013, Tây Ninh có 10 lao động bỏ trốn, không về nước đúng hạn và năm 2014 là 14 người, trong đó nhiều nhất là huyện Tân Biên với 7 lao động.
Trong những năm qua, Sở LĐTB-XH tỉnh tăng cường tuyên truyền, vận động người lao động trong tỉnh hết hạn lao động về nước đúng hạn bằng việc vận động trực tiếp tại các gia đình, tuyên truyền trên thông tin đại chúng địa phương, yêu cầu các gia đình có con em đang làm việc tại Hàn Quốc ký bản cam kết vận động con em không ở lại cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc…
Đối với những lao động bỏ trốn khi hết hợp đồng lao động, các cán bộ cũng đã đến tận nhà để vận động, thậm chí tiến hành xử phạt hành chính đối tượng nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục.
Tại hội nghị, đại diện Phòng LĐTB-XH các huyện/thành phố cũng đã chia sẻ những khó khăn trong công tác tuyên truyền, vận động lao động bỏ trốn khi hết hạn hợp đồng lao động ở Hàn Quốc về nước và đề xuất nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
Theo BTNO