Với vai trò là người đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho phụ nữ và trẻ em, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Tây Ninh xác định công tác phòng, chống mua bán người là một trong những nhiệm vụ hết sức quan trọng. Trong những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, thông tin tuyên truyền cho phụ nữ trên địa bàn tỉnh về tình hình, phương thức, cách thức hoạt động, thủ đoạn lừa gạt của bọn tội phạm mua bán người qua đó để chị em đề cao cảnh giác đối với loại tội phạm này, chủ động phòng ngừa và có ý thức trách nhiệm trong vấn đề tố giác tội phạm.
Với các hình thức truyền thông phong phú và nội dung đa dạng như: Sinh hoạt hội viên, sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện chuyên đề, cung cấp tài liệu, tờ gấp, sổ tay, sách hỏi đáp, băng rôn, khẩu hiệu,... tăng cường truyền thông trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, hệ thống Đài truyền thanh, loa phát thanh xã, ấp về phương thức, thủ đoạn của bọn tội phạm mua bán người; các biện pháp phòng ngừa, các kỹ năng ứng phó trong trường hợp có dấu hiệu của việc mua bán người, cách phát hiện, tố giác tội phạm, trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và bản thân trong việc chủ động phòng ngừa, tham gia đấu tranh phòng chống tội phạm mua bán người… Trong thời gian qua, những phương pháp truyền thông này đã có tác động tích cực đến cộng đồng, hướng cán bộ, hội viên, phụ nữ ngày càng chú trọng vào công tác tham gia đấu tranh với tội phạm mua bán người ngày càng hiệu quả.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người, trong thời gian tới các cấp Hội phụ nữ tỉnh Tây Ninh cần tiếp tục tăng cường thực hiện kịp thời, đồng bộ một số giải pháp cơn bản sau:
Trước mắt, cần tập trung xây dựng, bồi dưỡng cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội về phòng, chống mua bán người. Tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện Luật phòng, chống mua bán người và Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tội phạm mua bán người giai đoạn 2011 – 2015, các văn bản chỉ đạo về công tác phòng, chống mua bán người của tỉnh trong các cấp Hội, đẩy mạnh công tác truyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống mua bán người nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho cán bộ, hội viên, phụ nữ về công tác phòng, chống mua bán người.
Phát triển và nhân rộng các mô hình câu lạc bộ về truyền thông nâng cao nhận thức cho cộng đồng về phòng chống mua bán người một cách có hiệu quả.
Có biện pháp tiếp cận những phụ nữ thiếu việc làm, có thu nhập thấp, gia đình có hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, những phụ nữ có hoàn cảnh gia đình éo le muốn thay đổi cuộc sống, nữ vị thành niên, trẻ em gái lao động sớm, trẻ em lang thang, số phụ nữ trẻ em bị buôn bán trở về,...để có các biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp.
Phối hợp với chính quyền và các ban ngành, đoàn thể liên quan tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn tâm lý, khám chữa bệnh miễn phí cho nạn nhân, tạo điều kiện để nạn nhân nhanh chóng khắc phục những khó khăn về kinh tế, xóa đi mặc cảm về bản thân, hỗ trợ học nghề, để nhanh chóng giúp họ ổn định cuộc sống.
Nâng cao vai trò của tổ chức Hội phụ nữ trong công tác phòng, chống tội phạm, bằng những hành động và việc làm cụ thể của các cấp Hội sẽ góp phần cùng các cấp, các ngành thực hiện tốt công tác phòng, chống mua bán người, giữ vững an ninh trật tự và an toàn xã hội.
Cát Tường