Xây dựng, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Thứ bảy - 20/07/2019 16:00 193 0
Sáng ngày 18/7, UBND tỉnh Tây Ninh sơ kết 3 năm (2016-2018) thực hiện các Chương trình Mục tiêu quốc gia trên địa bàn. Đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó Trưởng Đoàn phụ trách đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, lãnh đạo các sở ngành, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh cùng tham dự.

ctrinhmtqg.jpg

Các đại biểu tham dự hội nghị

Sau 3 năm, Tây Ninh đạt được nhiều kết quả khả quan khi thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn. Kết quả xây dựng nông thôn mới hiển hiện rõ ràng trên các vùng quê. Bộ mặt nông thôn đổi thay từng ngày. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đến cuối năm 2018 là 36/80 xã, chiếm 45% số xã toàn tỉnh và đạt 80% so với kế hoạch đến năm 2020 (đạt 45 xã). Số tiêu chí bình quân/xã đạt 14,9 tiêu chí. Số xã dưới 10 tiêu chí 4/80 xã, giảm 10 xã so với năm 2015.

Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu cơ bản, như: thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh năm 2018 đạt 43,1 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 81%. Tỷ lệ hộ dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh năm 2018 là 98,8%.

Sau thời gian thực hiện đến nay khoảng cách chênh lệch giữa khu vực nông thôn và thành thị trong tỉnh đang từng bước được rút ngắn. Đa số các xã biên giới đều được đưa vào kế hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện nâng cao đời sống người dân khu vực này cũng như tạo sự phát triển cho các xã vùng biên.

Các công trình hạ tầng do chương trình đầu tư về thủy lợi, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, trạm y tế và nhất là ở lĩnh vực giao thông đã nhận được sự đồng thuận, phấn khởi của nhân dân. Người dân nông thôn được tiếp cận, hưởng thụ lợi ích từ các công trình mang lại, từ đó đã đem đến sự phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân tiếp tục hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển kinh tế nông thôn nói riêng và kinh tế cả tỉnh nói chung.

Với Chương trình Giảm nghèo bền vững, các ngành, các cấp thực hiện bằng nhiều hình thức như chăm lo cho đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nhân các dịp lễ, tết, lúc khó khăn; chăm sóc về sức khỏe, hỗ trợ cấp 84.715 lượt thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng; hỗ trợ tiền điện; cho vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo, hộ cận nghèo; hỗ trợ về giáo dục đào tạo, về nhà ở, đào tạo nghề, hỗ trợ sản xuất qua Đề án hỗ trợ trâu, bò sinh sản và vốn…Qua 3 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, năm 2018, toàn tỉnh còn 7.609 hộ nghèo và hộ cận nghèo, chiếm tỷ lễ 2,54% số hộ toàn tỉnh, (giảm 1,78% so với năm 2015).

ctrinhmtqg12019.jpg

Đại diện UBND huyện Gò Dầu phát biểu tham luận tại hội nghị

ctrinhmtqg22019.jpg

Ông Nguyễn Văn Hoàng ngụ xã Trường Tây, huyện Hòa Thành nêu lên sự chung sức của nhân dân cùng xây dựng nông thôn mới

Tại hội nghị, đại diện UBND huyện Gò Dầu, UBND huyện Tân Biên, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh và cá nhân ông Nguyễn Văn Hoàng ngụ xã Trường Tây, huyện Hòa Thành, trình bày các tham luận phân tích làm rõ hơn, đưa ra các góc nhìn cụ thể hơn trong việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ sinh kế cho người nghèo, xây dựng, sửa chữa nhà cho người nghèo, một số kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận sự nỗ lực vượt qua khó khăn, thể hiện tính chủ động, sáng tạo của các ngành các cấp trong thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia và cho rằng mục tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia là nâng cao đời sống người dân, thực hiện an sinh xã hội, và đã đạt được mục tiêu này.

ctrinhmtqg32019.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc phát biểu chỉ đạo hội nghị

Đánh giá những kết quả đạt được trong 3 năm qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định với những giải pháp trong thực hiện các Chương tình mục tiêu quốc gia đã đem đến kết quả toàn diện, không chỉ thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh mà còn đảm bảo an sinh xã hội. Nhận thức của hệ thống chính trị, của các tầng lớp nhân dân, thành phần kinh tế ngày càng rõ nét, sự tham gia tích cực của người dân sự đồng hành của các thành phần kinh tế, đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên.

Chương trình giảm nghèo huy động được sự đa dạng của các nguồn lực, các tổ chức, cá nhân, các thành phần kinh tế không chỉ hỗ trợ dự án cụ thể còn quan tâm chăm lo cho các đối tượng chính sách. Kết quả thực hiện hai Chương trình mục tiêu này đó đã góp phần kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo năm 2015 trên 4% giảm còn 2,54% năm 2018, là một trong những tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo giảm sâu trên cả nước.

Tuy nhiên, kết quả các Chương trình mục tiêu còn hạn chế, chưa đạt như mong muốn; một số xã đạt được tiêu chí nhưng chưa bền vững; xã đã được công nhận nông thôn mới nhưng đời sống người dân chưa tăng cao; giải pháp giảm nghèo chưa căn cơ, có nguy cơ tái nghèo, chưa có giải pháp lâu dài giải quyết tình trạng này, chưa tạo mưu sinh ổn định cho thoát nghèo bền vững.

Nhận diện rõ nguyên nhân của các hạn chế trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, từng địa phương, cơ quan, đơn vị phân tích các hạn chế có biện pháp khắc phục; nhất là cần có giải pháp quyết liệt để thực hiện mục tiêu phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ (năm 2020), Tây Ninh cơ bản xóa hộ nghèo theo chuẩn trung ương. Điều này đòi hỏi sự nỗ lực rất lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cả sự đồng hành của các thành phần kinh tế.

Các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm quán triệt những chỉ đạo của cấp trên về các Chương trình mục tiêu quốc gia để thực hiện đạt mục tiêu đề ra; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của hệ thống chính trị, thành phần kinh tế, đặc biệt là nhận thức của người dân; đồng thời, đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội, nguồn lực trong dân đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, tạo nguồn kinh phí thực hiện các chương trình. Song song đó, cần đổi mới tư duy phương pháp, cách thức, trong tổ chức thực hiện, tránh tình trạng nguyên tắc, máy móc, rập khuôn; tiếp tục gắn Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình hành động, cuộc vận động khác các phong trào thi đua để đạt hiệu quả cao hơn; quan tâm xây dựng các mô hình hay, cách làm tốt để nhân rộng và kịp thời động viên, khen thưởng. Ngoài ra, các ngành, các cấp, địa phương cần quan tâm thường xuyên rà soát, cập nhật sự biến động của hộ nghèo, nắm bắt đúng nhu cầu, điều kiện, thực trạng của hộ nghèo để có biện pháp cụ thể cho từng hộ để thoát nghèo bền vững.

ctrinhmtqg42019.jpg

Các tập thể, cá nhân được khen thưởng tại hội nghị

Nhân dịp này, nhiều tập thể, cá nhân được nhận bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh tặng với thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Tây Ninh chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2016-2018; trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2016-2018 trên địa bàn tỉnh.

CT

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây