Tây Ninh tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Trung ương về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể

Thứ tư - 24/04/2019 19:00 179 0
Sáng ngày 24/4, Tỉnh ủy Tây Ninh tổ chức hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Đồng chí Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy chỉ trì hội nghị.

tongket15nam.jpg

Quang cảnh hội nghị

Đến tham dự hội nghị có các đồng chí Phạm Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ, các đồng chí đại diện Văn phòng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại thành phố Hồ Chí Minh, Cơ quan đại diện phía Nam Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Về phía tỉnh Tây Ninh, tham dự có các đồng chí Phan Thị Điệp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Văn Hợp - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh, các huyện, thành phố và các hợp tác xã trên địa bàn.

Trong 15 năm qua, việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW trên địa bàn đạt được những kết quả khả quan. Theo số liệu thống kê, tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn tỉnh có 108 tổ hợp tác, trong đó nhiều nhất là các tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với 89 tổ, còn lại hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp. Doanh thu bình quân của một tổ hợp tác hiện nay khoảng 350 triệu đồng/năm.

Ngoài tổ hợp tác, tỉnh hiện có 115 hợp tác xã, 5 chi nhánh liên hiệp hợp tác xã với tổng số vốn điều lệ hơn 222 tỷ đồng (tăng 56 hợp tác xã về số lượng, tăng 45 lần về vốn so với cùng kỳ năm 2003), với trên 31.000 thành viên. Số hợp tác xã xếp loại tốt và khá chiếm hơn 50%. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp cũng chiếm tỷ lệ cao trong hoạt động của các hợp tác xã (với 71 hợp tác xã). Trong đó, có một số hợp tác xã hoạt động hiệu quả như Hợp tác xã xoài tứ quý Thạnh Bắc tại xã Thạnh Bắc, huyện Tân Biên, Hợp tác xã dịch vụ chăn nuôi Hiệp Phát tại xã Lộc Hưng, huyện Trảng Bàng, Hợp tác xã sản xuất rau an toàn Long Mỹ, xã Long Thành Bắc, huyện Hòa Thành.

Thời gian qua, các hợp tác xã và tổ hợp tác nhận được nhiều sự hỗ trợ trong hoạt động, trong đó, hỗ trợ 13 dự án thuộc 9 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác với số vốn 11,45 tỷ đồng từ nguồn vốn Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã của tỉnh, hỗ trợ 7 dự án vay vốn 970 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ Quốc gia giải quyết việc làm thuộc Liên minh Hợp tác xã Việt Nam…

Hội nghị cũng đề ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ tuyên truyền, vận động, tư vấn, hỗ trợ phát triển khoảng 120 tổ hợp tác; 130 hợp tác xã, 2 liên hiệp hợp tác xã (trong đó có khoảng 80 hợp tác xã nông nghiệp, 1 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 15 hợp tác xã thương mại, 1 liên hiệp hợp tác xã thương mại). Đến năm 2030, sẽ phát triển khoảng 150 tổ hợp tác; 150 hợp tác xã, 3 liên hiệp hợp tác xã (trong đó có khoảng 100 hợp tác xã nông nghiệp, 2 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 20 hợp tác xã thương mại, 1 liên hiệp hợp tác xã thương mại).

Hội nghị cũng được nghe tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lãnh đạo UBND huyện Châu Thành và Tân Châu, cung cấp thêm thông tin cho các đại biểu những góc nhìn cụ thể trong quá trình thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002 về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trên địa bàn.

tongket15nam_1.jpg

Đồng chí Phạm Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phạm Mạnh Cường - Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - Văn phòng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao sự nỗ lực của tỉnh Tây Ninh đã quan tâm chỉ đạo sát sao, quyết liệu và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ để thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn. Tỷ lệ hợp tác xã đạt loại tốt và khá nổi trội hơn so với một số tỉnh, thành của cả nước. Đồng chí đề nghị Tây Ninh đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động trong thực hiện phát triển kinh tế tập thể, nhất là hợp tác xã nông nghiệp.

tongket15nam_2.jpg

Đồng chí Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy phát biểu kết luận hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Tân - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhận định, qua 15 năm phát triển, khu vực kinh tế tập thể tỉnh nhà đã có sự phát triển về số lượng và chất lượng, đa dạng trên nhiều lĩnh vực, ngành nghề; đáp ứng nhu cầu, lợi ích đa dạng của thành viên và người lao động đồng thời có những đóng góp quan trọng vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Dù đã đạt được một số kết quả nhất định, nhưng khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã của Tây Ninh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Để phát huy những thành tích đạt được và khắc phục những khó khăn, hạn chế của khu vực kinh tế tập thể, đồng chí Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy chỉ đạo cần tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát triển khai thực hiện Luật Hợp tác xã và chính sách hỗ trợ hợp tác xã, đồng thời đưa nội dung đánh giá tình hình phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã tại địa phương vào báo cáo nhiệm kỳ Đại hội Đảng các cấp; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển bền vững với nhiều hình thức liên kết, hợp tác đa dạng, mô hình hợp tác có hiệu quả trong lĩnh vực kinh tế - xã hội của địa phương trọng tâm là khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, mô hình hợp tác xã gắn với chuỗi giá trị và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; tăng cường hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho hợp tác xã, mở rộng thị trường, vốn tín dụng, đào tạo đội ngũ cán bộ quản trị cho hợp tác xã.

XV

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây