Đến năm 2030, Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá

Thứ sáu - 26/03/2021 12:00 240 0
Trên cơ sở Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Với 3 trụ cột chính trong chuyển đổi số quốc gia là Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số, Việt Nam là một trong những quốc gia tiên phong trên thế giới đã xây dựng được một chương trình chuyên đề về chuyển đổi số quốc gia được Chính phủ phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.

Chia sẻ tại hội nghị Tổng kết công tác năm 2020 và triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông, ông Đỗ Công Anh - Phó Cục trưởng phụ trách điều hành Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, một trong những thành công lớn nhất của Việt Nam trong năm 2020 là phổ cập toàn diện nhận thức về chuyển đổi số cho xã hội. Trong đại dịch Covid-19, mức độ quan tâm, tìm hiểu về Chuyển đổi số cũng đã tăng gấp 10 lần so với đầu năm 2020.

Sau giai đoạn khởi động chuyển đổi số quốc gia thì năm 2021 và cả giai đoạn 2021-2025 được giới chuyên gia nhận định là thời điểm để tăng tốc với những hành động, giải pháp triển khai cụ thể đối với từng bộ, ngành, lĩnh vực và địa phương.

Với Tây Ninh, những năm qua, tỉnh đã thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao cho người dân và doanh nghiệp, bước đầu đã mang lại một số kết quả thiết thực.


Hoạt động của Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh

Cụ thể, tỉnh đã đưa vào thí điểm Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và đã cung cấp một số dịch vụ đô thị thông minh cho người dân và doanh nghiệp. Trung tâm phục vụ hành chính công của tỉnh đã đi vào hoạt động hiệu quả, góp phần thực hiện cải cách hành chính, tạo sự công khai, minh bạch và hài lòng cho người dân khi đến làm thủ tục hành chính.

Với sự quyết tâm đó, năm 2019, tỉnh Tây Ninh được Bộ Thông tin và Truyền thông xếp vào nhóm có chỉ số mức độ ứng dụng công nghệ thông tin đạt khá khối các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.



Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh

Thực tế cho thấy, ngoài một số kết quả ban đầu, tỉnh chưa có nhiều đột phá trong xây dựng chính quyền điện tử; xu hướng chuyển đổi số diễn ra nhanh trong khi nguồn lực của tỉnh phân bổ cho việc xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số còn hạn chế. Một số ngành, lĩnh vực chưa quan tâm thúc đẩy chuyển đổi số; chưa có các chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh; dịch vụ công trực tuyến triển khai nhiều, nhưng người dân tiếp cận còn hạn chế; chưa cung cấp nhiều tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, nhận thức về chuyển đổi số chưa đồng đều giữa các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, công chức, viên chức; công tác tuyên truyền, phổ biến về ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính chưa sâu rộng.

Mặt khác, trên địa bàn tỉnh, số doanh nghiệp công nghệ số hiện còn nhiều hạn chế, chủ yếu là các doanh nghiệp nhà nước về viễn thông và công nghệ thông tin trên quy mô toàn quốc. Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các doanh nghiệp chưa nhiều. Việc phát triển thương mại điện tử cũng còn hạn chế, tỉnh đã triển khai sàn thương mại điện tử cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh giới thiệu, quảng bá các sản phẩm, nhất là sản phẩm nông nghiệp sạch nhưng sự quan tâm và tham gia chưa nhiều.

Trước thực trạng đó, thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ngày 26/01/2021, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU về chuyển đổi số tỉnh Tây Ninh đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ quan điểm, chuyển đổi số giúp định hình tổng thể và toàn diện về cách sống, cách làm việc, tiêu thụ và phương thức sản xuất dựa trên công nghệ số; là nhu cầu tất yếu trong lãnh đạo, điều hành kinh tế - xã hội của địa phương và hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để thúc đẩy phát triển các nền tảng công nghệ số, nguồn nhân lực phục vụ chuyển đổi số tại tỉnh; thay đổi nhận thức của cộng đồng, tư duy và ý chí quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong tiếp cận và ứng dụng công nghệ thông tin và viễn thông, đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số tại địa phương.

Chuyển đổi số hướng đến lợi ích của người dân, doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.

Quá trình chuyển đổi số của tỉnh Tây Ninh hướng đến mục tiêu: "Phấn đấu đến năm 2030 vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá; phát triển bền vững trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, tăng năng suất lao động, tạo môi trường khởi nghiệp sáng tạo, chủ động tiếp cận và tận dụng các cơ hội của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, phát triển kinh tế số; khuyến khích, hỗ trợ để hình thành các doanh nghiệp số trong tỉnh; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững".

Cụ thể, đến năm 2025, tỉnh bảo đảm thực hiện cao hơn mức trung bình cả nước về các chỉ tiêu chuyển đổi số đề ra trong Chương trình chuyển đổi số quốc gia ban hành kèm theo Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ. Tây Ninh cơ bản hoàn thành các nền tảng cho Chính quyền số và an toàn, an ninh mạng.

Đến năm 2030, tỉnh hình thành đầy đủ nền tảng phục vụ phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số; có tối thiểu 2 huyện, thị xã, thành phố đạt cơ bản nền tảng về đô thị thông minh; mỗi huyện, thị xã, thành phố có tối thiểu 1 xã hoàn thành việc chuyển đổi số. Tây Ninh vào nhóm các tỉnh, thành phố thực hiện chuyển đổi số khá.


Công dân thực hiện thanh toán nghĩa vụ tài chính về đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia

Để thực hiện hoàn thành các mục tiêu đề ra, Tỉnh ủy đề cập đến 7 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tập trung triển khai thực hiện. Đó là:

Tăng cường tuyên truyền, đổi mới tư duy, nhận thức của từng cán bộ, đảng viên, hộ gia đình và doanh nghiệp về chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ số trong đời sống, sản xuất, thương mại và thực thi công vụ.

Nâng cao nhận thức của các cấp uỷ đảng, chính quyền về sự cấp thiết của chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh, đáp ứng xu thế phát triển chung của cả nước. Cấp uỷ, người đứng đầu chủ động, sáng tạo trong triển khai các giải pháp chuyển đổi số gắn với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đơn vị.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực hưởng ứng công cuộc chuyển đổi số tại địa phương; khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sử dụng ví điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, ứng dụng có hiệu quả các thành tựu khoa học công nghệ, nhất là công nghệ phục vụ đời sống, sản xuất, kinh doanh.

Đổi mới phương thức điều hành xã hội, thực thi công vụ theo hướng khuyến khích, sẵn sàng chấp nhận sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh tế mới; trong đó, phát triển kinh tế số, xây dựng đô thị thông minh, chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số là yếu tố trọng tâm.

Xây dựng chương trình chuyển đổi số của tỉnh trên cơ sở chương trình chuyển đổi số quốc gia, hệ sinh thái và khả năng chuyển đổi số của tỉnh

Xây dựng Chương trình chuyển đổi số của tỉnh theo hướng toàn diện, thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương. Chương trình chuyển đổi số phải kích hoạt được thể chế số, chính sách số, bảo đảm an toàn, an ninh mạng và an toàn dữ liệu; chú trọng đào tạo nguồn lực và xây dựng hệ sinh thái chuyển đổi số.

Ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số và doanh nghiệp số trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp sản xuất truyền thống; khuyến khích người dân và doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ công trực tuyến do tỉnh triển khai với các hệ thống thông tin tiện lợi, dễ sử dụng.

Liên kết với các Viện, trường đại học, trung tâm nghiên cứu hỗ trợ địa phương thúc đẩy chuyển đổi số.

Huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số của địa phương

Huy động nhiều nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng nền tảng số đồng bộ, hiện đại, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và sự chuyển đổi của chính quyền.

Triển khai mạng băng rộng chất lượng cao trên địa bàn tỉnh, phát triển mạng di động 5G, nâng cấp mạng di động 4G; nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng điện thoại di động thông minh; đầu tư mua sắm thay thế, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin, phục vụ hoạt động cơ quan đảng và chính quyền các cấp.

Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp công nghệ số đầu tư phát triển tại tỉnh, ưu tiên các lĩnh vực như thương mại điện tử, nông nghiệp, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông, xây dựng, môi trường,...

Đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính quyền số

Tiếp cận và ứng dụng hiệu quả các công nghệ lõi, nền tảng của chuyển đổi số trong việc xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số tại địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động các Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh, Trung tâm Giám sát điều hành kinh tế xã hội tập trung, Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng. Tạo lập cơ sở dữ liệu mở dễ dàng truy cập, sử dụng; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tham nhũng, thúc đẩy phát triển các dịch vụ số trong nền kinh tế.

Khuyến khích phát triển các ứng dụng phần mềm, tăng cường tính tương tác giữa nhân dân và chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước các cấp.

Xây dựng lộ trình số hóa các văn bản hành chính hướng tới triển khai toàn bộ văn bản điện tử (trừ những văn bản mật); cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên các loại thiết bị di động để người dân, doanh nghiệp có trải nghiệm tốt nhất về dịch vụ, nhanh chóng, chính xác, không giấy tờ, giảm chi phí.

Vận dụng hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, khuyến khích thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển sản phẩm hàm lượng công nghệ và đổi mới sáng tạo cao tại tỉnh.

Phát triển kinh tế số

Thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào tổ chức quản lý và chuyển đổi phương thức hoạt động của nền kinh tế địa phương; trọng tâm là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) phục vụ phân tích, dự báo, hỗ trợ ra quyết định cho lãnh đạo, các cấp, các ngành điều hành kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh.

Xây dựng kế hoạch phổ biến kiến thức về lộ trình, nội dung, cách thức thực hiện chuyển đổi sang kinh tế số; tăng cường phổ biến, đẩy mạnh các giải pháp thanh toán trực tuyến trong hoạt động thương mại điện tử; tổ chức phổ biến kiến thức về các công nghệ số, các loại mô hình kinh tế số đổi mới sáng tạo, chia sẻ kinh nghiệm của những doanh nghiệp trong từng lĩnh vực đang thành công nhờ công nghệ số.

Xây dựng và triển khai các hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ngành nghề truyền thống, doanh nghiệp sản xuất chuyển đổi sang sản xuất, cung cấp dịch vụ trên nền tảng số.

Nghiên cứu thành lập khu/cụm/công viên công nghệ cao chuyên đề, tham gia vào chuỗi công viên phần mềm khi đủ điều kiện.

Phát triển xã hội số

Thu hút đầu tư phát triển các khu, cụm dân cư, đô thị thông minh, khai thác sử dụng hiệu quả các nền tảng số trong công tác quản lý.

Thúc đẩy chuyển đổi số xã hội, tập trung vào chuyển đổi kỹ năng, tổ chức các khoá tập huấn, đào tạo đại trà trực tuyến mở, hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp lớn để đào tạo, tập huấn, nâng cao kiến thức, kỹ năng về công nghệ số và chuyển đổi số cho người dân để hình thành công dân số, bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số trong một số ngành, lĩnh vực

Lựa chọn ngành, lĩnh vực cần ưu tiên chuyển đổi số phải chú trọng tới việc triển khai các sáng kiến nhằm liên kết giữa các ngành, lĩnh vực để cung cấp trải nghiệm mới, hoàn toàn khác, mang lại giá trị cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Các ngành cần tập trung chuyển đổi số gồm: y tế, giáo dục, giao thông - vận tải, tài chính - ngân hàng, du lịch, nông nghiệp, môi trường, năng lượng, đào tạo nguồn nhân lực cho kinh tế số và xã hội số, các lĩnh vực khác khi có điều kiện.

Với những mục tiêu cụ thể cho từng thời điểm cùng những giải pháp rõ ràng cho thấy rõ quyết tâm chính trị của Tỉnh ủy Tây Ninh trong thực hiện chuyển đổi số thời gian tới. Nghị quyết sẽ là cơ sở để UBND tỉnh, các ngành xây dựng chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện để hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh nhà thúc đẩy phát triển mạnh mẽ kinh tế của địa phương, nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo của các cấp uỷ đảng, hiệu lực quản lý của chính quyền các cấp gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững địa phương.

Trí Nhân


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây