Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (gọi tắt là Chỉ số PAPI) năm 2020 do Trung tâm Nghiên cứu phát triển và Hỗ trợ cộng đồng (CECODES) thuộc Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và Nghiên cứu khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) tổ chức vào sáng ngày 14/4.
Quang cảnh hội nghị tại UBND tỉnh Tây Ninh
Cùng tham dự hội nghị trực tuyến này, tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Dương Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Chỉ số PAPI năm nay được khảo sát với 8 chỉ số nội dung, bao gồm các chỉ số: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; Công khai, minh bạch trong ra quyết định; Trách nhiệm giải trình với người dân; Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; Thủ tục hành chính công; Cung ứng dịch vụ công; Quản trị môi trường và Quản trị điện tử.
Năm 2020, có 14.732 người dân được chọn ngẫu nhiên đã tham gia khảo sát PAPI, chia sẻ đánh giá về hiệu quả hoạt động của bộ máy công quyền trong năm vừa qua.
Bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP Việt Nam phát biểu. (ảnh chụp màn hình)
Tại đây, bà Caitlin Wiesen - Đại diện thường trú UNDP Việt Nam nhấn mạnh, quản trị tốt là nền tảng quan trọng để xây dựng niềm tin người dân đối với chính quyền địa phương. Năm 2020, năm có nhiều biến động do dịch bệnh Covid-19 không chỉ với Việt Nam, mà còn với thế giới nên các nội dung khảo sát cũng liên quan chặt chẽ đến vấn đề này. Nét mới trong khảo sát năm 2020 là khảo sát đối với người có hộ khẩu thường trú và người có hộ khẩu tạm trú để có bức tranh chung về quản trị hành chính công của các tỉnh.
Bà Caitlin Wiesen đánh giá, trong giai đoạn 2016-2021, đánh dấu sự cải thiện nhất quán và tăng liên tục về quản trị hành chính công trên cả nước, ngườ dân được khảo sát đồng tình rất cao về ứng phó hiệu quả của Việt Nam đối với dịch bệnh. Tuy vậy, người dân cũng bày tỏ sự quan ngại về tình trạng nghèo đói, y tế, bảo hiểm y tế và tăng trưởng kinh tế, tham nhũng, về ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng dịch vụ công thông qua các cổng điện tử của Chính phủ diễn ra chậm, dù chất lượng internet đã có sự cải thiện ở hầu hết các tỉnh, thành trong năm 2020 so với năm 2019. Vẫn có cách biệt rất lớn giữa tiếp cận internet với cổng thông tin điện tử để thực hiện dịch vụ công. Từ đó, co thấy cần thúc đẩy quản trị điện tử lấy người dân làm trung tâm thành một lĩnh vực mà các tỉnh, thành cần phải quan tâm nhiều hơn.
Qua khảo sát cho thấy khoảng cách giữa người dân có hộ khẩu tạm trú và hộ khẩu thường trú, đặc biệt là người nhập cư tiếp cận thông tin kém hơn. Do đó, lãnh đạo các tỉnh, thành cần quan tâm giải quyết các nhu cầu của người nhập cư. Việc xây dựng dữ liệu quốc gia về dân cư hiện nay là hướng đi đúng trong việc tạo thuận lợi cho người dân tiếp cận dịch vụ công và quản trị một cách công bằng.
Bà Caitlin Wiesen cũng cho rằng từ kết quả các chỉ số của PAPI sẽ giúp địa phương xác định được ưu tiên của mình trong nhiệm kỳ mới.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị. (ảnh chụp màn hình)
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng - Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại hội nghị khẳng định, với quan điểm cải cách hành chính nhà nước là một trong những trọng tâm của ba đột phá chiến lược hoàn thiện chính trị xã hội, mà Đảng và Nhà nước ta đang thực hiện, việc nghiên cứu phân tích sự đánh giá hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của người dân là một kênh thông tin quan trọng không chỉ phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân ở cơ sở, mà còn dự báo hiệu quả hoạt động quản trị và hành chính công cấp tỉnh, giúp cho các nhà hoạch định chính sách kịp thời điều chỉnh và hoàn thiện các chính sách và phương pháp hoạt động cho phù hợp yêu cầu thực tiễn.
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng cho rằng, là tổ chức đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có cam kết trong hỗ trợ khảo sát Chỉ số PAPI vì mục tiêu của Dự án có mối quan hệ chặt chẽ với quyền và lợi ích chính của Mặt trận Tổ quốc, trong đó có việc góp phần nâng cao hiệu quả chương trình cải cách hành chính nhà nước.
Nhiều lãnh đạo Đảng, Chính phủ, bộ, ngành đã đề cập đến Chỉ số PAPI khi làm việc tại các tỉnh, thành phố hoặc các bộ, ngành có liên quan. Những phát hiện của PAPI được quan tâm, nhắc tới trong quan điểm lãnh đạo của Đảng, Nhà nước. Chỉ số PAPI đã trở thành công cụ giám sát công bằng, khách quan, đảm bảo chất lượng, phục vụ cho việc đổi mới công tác quản lý, điều hành của nhà nước - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Dũng nói.
Theo kết quả Chỉ số PAPI cấp tỉnh năm 2020 cho thấy, không có tỉnh, thành nào có tên trong nhóm đạt điểm cao nhất ở toàn bộ 8 chỉ số nội dung. Phần lớn các tỉnh, thành phố trong nhóm đạt điểm cao nhất tập trung ở khu vực phía Bắc và miền Trung, rất ít ở phía Nam. Năm 2020, Tây Ninh thuộc nhóm thấp nhất nước, đạt 41,34 điểm, xếp hạng 51/63 tỉnh thành.
Cụ thể, ở Chỉ số Tham gia của người dân ở cấp cơ sở, các tỉnh phía Bắc và miền Trung có xu hướng đạt điểm cao hơn các tỉnh phía Nam, bởi có tới 13 tỉnh phía Bắc và 3 tỉnh miền Trung nằm trong nhóm đạt điểm cao nhất. Tây Ninh thuộc nhóm trung bình thấp ở chỉ số này.
Về Chỉ số Công khai, minh bạch trong việc ra quyết định, thì tỉnh Bình Định và Thái Nguyên có mức cải thiện nhiều nhất, trong khi đó, hai tỉnh Sóc Trăng và Bình Dương lại có mức giảm sút lớn nhất. Khánh Hòa tiếp tục là 1 trong 5 địa phương đạt điểm thấp nhất toàn quốc trong 3 năm (2018,2019 và 2020). Tây Ninh thuộc nhóm thấp nhất.
Có 12 tỉnh, thành phố đạt tiến bộ đáng kể về Chỉ số Trách nhiệm giải trình với người dân so với năm 2019. Trong đó, tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang có tỷ lệ tăng điểm lớn nhất so với các tỉnh, thành khác. Ở chỉ số này, Tây Ninh thuộc nhóm có điểm trung bình cao.
Chỉ số Kiểm soát tham nhũng trong khu vực công năm 2020, có 18 tỉnh, thành có tiến bộ rõ rệt so với kết quả năm 2019. Tây Ninh thuộc nhóm có số điểm thấp nhất. Riêng Chỉ số Thủ tục hành chính công, toàn bộ 63 tỉnh, thành đều đạt tiến bộ ở chỉ tiêu “Trả kết quả đúng lịch hẹn”. Hà Giang, Tuyên Quang, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Quảng Ninh…là những tỉnh dẫn đầu ở phía Bắc về chỉ số này. Tây Ninh thuộc nhóm các tỉnh có điểm trung bình thấp.
Theo đánh giá, chỉ có 4 tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Kon Tum và Gia Lai đạt bước tiến đáng kể trong hiệu quả (chỉ số) Cung ứng dịch vụ công năm 2020. 21 tỉnh thành giảm sút đáng kể so với năm 2019, đặc biệt là Cà Mau, Ninh Thuận, Đồng Nai và Bến Tre. Tây Ninh được đánh giá thuộc nhóm trung bình cao trong Chỉ số Cung ứng dịch vụ công. Tây Ninh đạt mức trung bình thấp ở chỉ số Quản trị môi trường cấp tỉnh năm 2020.
Ở Chỉ số Quản trị điện tử, tất cả các tỉnh, thành đều đạt điểm thấp ở chỉ số này. Đà Nẵng đạt điểm cao nhất toàn quốc, cũng chỉ với mức 3,60 điểm. Tây Ninh thuộc nhóm trung bình thấp.
Theo phân tích của các chuyên gia, trong năm 2020, nhiều người dân tương tác với cán bộ chính quyền cơ sở hơn trước đây. Nhũng nhiễu trong cấp giấy chứng nhân quyền sử dụng đất tiếp tục gia tăng.
Bức tranh toàn cảnh từ kết quả Chỉ số PAPI gốc cho thấy hiệu quả quản trị và hành chính công ở cấp quốc gia từng bước được cải thiện qua 10 năm (2011-2020). Nhiệm kỳ chính quyền các cấp 2016-2021 có nhiều chuyển biến tích cực hơn nhiệm kỳ 2011-2016. Có tới 60 tỉnh, thành phố (trong đó có Tây Ninh) ghi nhận những thay đổi tích cực, thể hiện qua tỷ lệ tăng trưởng điểm PAPI gốc thường niên, dao động từ 0,1% đến 3,1% (Tây Ninh đạt mức 1,5%). Qua phân tích cho thấy, giữa hiểu quả quản trị công và hiệu quả ứng phó với dịch bệnh có mối tương quan với nhau. Năm 2020, cũng là năm thứ 5 liên tiếp hiệu quả kiểm soát thanh nhũng trong khu vực công tiếp tục được người dân ghi nhận có bước chuyển biến tích cực, nhờ đó niềm tin đối với các cấp cũng tăng lên.
XV