- 22/11/2018 03:00:00 PM
- Đã xem: 13
- Phản hồi: 0
Hoạt động tổ chức hụi là hình thức góp vốn xoay vòng phổ biến, có lịch sử tồn tại lâu đời trong đời sống nhân dân, với mục đích tích lũy, huy động vốn được linh hoạt, mang lại hiệu quả kinh tế, hạn chế được tình trạng cho vay nặng lãi, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đây là giao dịch dân sự được Bộ luật Dân sự và Nghị định số 144/2006/NĐ-CP ngày 27/11/2006 của Chính phủ quy định. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra nhiều vụ vỡ hụi, số tiền thiệt hại lên đến hàng tỷ đồng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân, gây ảnh hưởng đến tình hình trật tự xã hội tại địa phương. Trong 02 năm (2017-2018), Cơ quan tư pháp tỉnh đã điều tra, truy tố, xét xử 13 vụ án về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan đến hụi với hơn 1.500 người bị thiệt hại với số tiền bị chiếm đoạt gần 30 tỷ đồng, bằng những thủ đoạn gian dối như: Mở các dây hụi với các phần hụi không có thật; tự ý lấy tên của hụi viên trong các dây hụi để hốt hụi; không đưa tên hụi viên vào danh sách hụi nhưng vẫn thu tiền hụi; thu tiền không đúng với số tiền khui hụi; đưa thông tin dây hụi còn sống để thu thêm tiền hụi; thu tiền chênh lệch và bán hụi khống để chiếm đoạt tiền của hụi viên... Nguyên nhân là do chủ hụi và hụi viên không am hiểu các quy định của pháp luật khi tham gia chơi hụi, chỉ dựa vào thông lệ tập quán tại địa phương, dựa vào niềm tin, uy tín của nhau, hụi viên khi tham gia không yêu cầu chủ hụi đưa danh sách hụi viên, chủ hụi lập danh sách sơ xài, không nêu địa chỉ cụ thể của hụi viên, đa số hụi viên không đi mở hụi, khi đóng hụi không ghi chép để theo dõi, không có ký xác nhận giữa chủ hụi với hụi viên.