Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng, cơ hội để phát triển kinh tế - xã hội

Thứ tư - 13/07/2022 15:00 635 0
Chiều ngày 12/7, đồng chí Nguyễn Chí Dũng - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án tổng kết Nghị quyết số 53-NQ/TW và Kết luận số 27-KL/TW của Bộ Chính trị làm việc tại Tây Ninh về triển khai đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 và Kết luận số 27-KL/TW, ngày 02/8/2012 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.


Quang cảnh buổi làm việc

Tiếp và làm việc với Đoàn công tác có đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy; các đồng chí lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW

Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc cho biết, để nâng cao hiệu quả hợp tác toàn diện với các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Tây Ninh đã chủ động phối hợp ký kết các chương trình hợp tác phát triển song phương với Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước và Long An và một số tập đoàn nhà nước (Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam, Tổng công ty Hàng không Việt Nam).

Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực, khai thác tiềm năng, lợi thế, xác định các đột phá chiến lược thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, toàn diện và vững chắc và đạt một số kết quả.

Kinh tế tăng trưởng khá cao, GRDP bình quân giai đoạn 2005-2010 tăng 12,8%; giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,4% và giai đoạn 2016-2020 tăng bình quân 7,3%. GRDP năm 2020 đạt 87.686 tỷ đồng, tăng 7,6 lần so với năm 2005 (năm 2021 là 90.430 tỷ đồng).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ năm 2020, chiếm 74% trong cơ cấu kinh tế (năm 2005 chiếm 57,8%). Thu nhập bình quân đầu người và GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 tăng 2 lần so với năm 2010, bằng 70,5% mức bình quân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (6.025 đồng/người) đạt chỉ tiêu tỉnh đề ra. Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2005-2020 đạt 79.567,4 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 14% năm. Đặc biệt tỷ lệ hộ kéo giảm xuống mức thấp nhất, luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước (đến năm 2020 tỷ lệ hộ đa chiều còn 0%, năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo 1,32%, tương đương gần 3.000 hộ).

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND tỉnh, thực tế, hiện nay, dù có chương trình hợp tác song phương nhưng kết quả chưa nhiều, chưa có công trình, dự án nào tiêu biểu huy động sự hợp tác chung của các tỉnh, thành Đông Nam bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Quy mô nền kinh tế (GRDP) của tỉnh còn khiêm tốn so với các tỉnh trong khu vực Miền Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. GRDP bình quân đầu người còn thấp hơn bình quân cả nước và thu nhập bình quân đầu người bằng 70,5% so với Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thu ngân sách tuy tăng cao theo từng giai đoạn, song quy mô hạn chế so Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam…

Để tiềm năng lợi thế của Tây Ninh có thể đóng góp cho sự phát triển của Vùng, Tây Ninh kiến nghị Trung ương nghiên cứu xây dựng quy hoạch vùng với tư duy và tầm nhìn dài hạn, nhất là đánh giá, nhận diện đầy đủ tiềm năng, lợi thế của Vùng, của từng địa phương trong Vùng, đặc biệt nhận diện cho được tiềm năng, lợi thế vượt không gian của địa phương trở thành tiềm năng, lợi thế của cả Vùng và của quốc gia để có chiến lược định hướng phát triển, huy động nguồn lực quốc gia, của Vùng đầu tư phát triển.

Định vị, xác định rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong sự phát triển của đất nước, từ đó sớm nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù để Vùng phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Cần xác định rõ mô hình tổ chức điều hành phát triển Vùng, cơ chế, chính sách ưu đãi về thu hút nguồn lực, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương trong Vùng nâng cao tính tự chủ tự chịu trách nhiệm.


Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông phát biểu tại buổi làm việc

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, Tây Ninh phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ tạo sự phát triển cho tỉnh mà còn cả vùng. Tỉnh còn dư địa quỹ đất công nghiệp dồi dào, do đó cần thu hút nhà đầu tư nhằm tạo giá trị gia tăng cao hơn. Thứ trưởng thống nhất đề xuất cần thiết lập cơ chế phát triển vùng, nhưng cần làm rõ nội dung liên kết nào là quan trọng, với công cụ điều tiết như thế nào. Ngoài cửa khẩu, khi phát triển đường cao tốc, tỉnh sẽ cần nghiên cứu để khai thác hành lang đường cao tốc nhằm phát huy hiệu quả.


Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm phát biểu tại buổi làm việc

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm làm rõ thêm quá trình phát triển khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, nhất là khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Sau khi đánh giá tiềm năng, cơ hội và thách thức của khu kinh tế này, tỉnh nghiên cứu tiếp tục phát huy vai trò của khu kinh tế theo hướng công nghiệp - đô thị - dịch vụ. Trước khó khăn của tỉnh khi kết nối với thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo tỉnh kiến nghị Trung ương quan tâm hỗ trợ tỉnh triển khai dự án đường cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài và phát triển khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài không chỉ cho riêng Tây Ninh, mà cho cả Vùng Đông Nam bộ và Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, cần thiết đưa vào định hướng quy hoạch tổng thể của Vùng, tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện. Tỉnh cũng sẽ có các giải pháp vừa phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng an ninh.

Bí thư Tỉnh ủy còn kiến nghị đưa vào Nghị quyết mới định hướng vành đai phát triển công nghiệp - đô thị lan tỏa từ thành phố Hồ Chí Minh, được xác định trên cơ sở đánh giá tiềm năng, lợi thế của cả vùng, chứ không riêng địa phương nào nhằm xác định không gian phát triển cho cả vùng Đông Nam bộ, để sẽ có cơ chế điều hành chung về đầu tư, nhất là đầu tư về hạ tầng, cùng với phân bổ nguồn lực hợp lý; quan tâm phát huy chức năng đa mục tiêu của hồ Dầu Tiếng với nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, năng lượng mặt trời.


Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh Tây Ninh có rất nhiều tiềm năng và cơ hội phát triển

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá, sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW, Tây Ninh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên mọi mặt, nhiều chỉ tiêu đều đạt. Tuy nhiên, tỉnh chưa đạt được mục tiêu và kỳ vọng trong phát triển công nghiệp, dịch vụ, kinh tế cửa khẩu, đô thị, các mặt về kinh tế đối ngoại.

Qua báo cáo của tỉnh và ý kiến các thành viên trong đoàn cho thấy tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn rất nhiều. Vị trí địa lý của tỉnh rất quan trọng mang tính chiến lược trong cả quốc phòng an ninh, cả kinh tế - xã hội, cả đối ngoại.

Dư địa cho phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh là rất lớn, đặc biệt là không gian phát triển mới khi tỉnh có sự thay đổi và chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Vùng và của thành phố Hồ Chí Minh. Đây sẽ là cơ hội cho tỉnh trong thời gian tới thu hút đầu tư và phát triển theo các hành lang kinh tế, hành lang đô thị xung quanh thành phố Hồ Chí Minh.

Theo Bộ trưởng, tiềm năng, lợi thế của tỉnh còn rất nhiều, cơ hội cho tỉnh là rất lớn, tỉnh cần tự tin, chủ động hoạch định con đường riêng và quyết định tương lai một cách chủ động.

Cũng theo Bộ trưởng, không chỉ Tây Ninh, mà các tỉnh khác cũng có chung điểm nghẽn nổi lên là kết nối giao thông, không đáp ứng được yêu cầu phát triển; sau nữa là đất đai. Riêng về kinh tế cửa khẩu, theo Bộ trưởng, cả nước có 26 khu kinh tế cửa khẩu, trừ 3 cửa khẩu phát huy rất tốt là Lạng Sơn, Móng Cái và Lào Cai, còn lại phần lớn các cửa khẩu chưa phát huy được tiềm năng, trong đó có cửa khẩu Mộc Bài của Tây Ninh. Bộ trưởng cho rằng định hướng phát triển của tỉnh đối với khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài theo hướng công nghiệp - đô thị-dịch vụ là đúng hướng.

Với đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng cho biết, cùng với các vùng của cả nước, Bộ đã nghiên cứu song song với việc đẩy nhanh lập quy hoạch vùng sẽ nghiên cứu cơ chế, các mô hình đối với các vùng sao cho phù hợp, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, chủ động hơn, tăng cường phân cấp phân quyền, ra quyết định và tự chịu trách nhiệm, tăng tính kết nối, chủ động hơn.

Các vấn đề của tỉnh đặt ra, đối với dự án đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Bộ trưởng đề nghị tỉnh phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh đẩy nhanh hơn nữa tiến độ trình phê quyệt và triển khai, đồng thời lưu ý cần xem xét quy mô tuyến đường, tuyến trục, hướng tâm để khai thác được lâu dài, việc kết nối phù hợp với các khu đô thị, khu công nghiệp tạo sự lan tỏa, phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển thu hút đầu tư. Trong quy hoạch tỉnh nên tính đến quy hoạch công nghiệp, nông nghiệp như thế nào để kết nối với tuyến đường cao tốc tạo hành lang kinh tế, phát huy tối đa hiệu quả.

Đẩy nhanh quy hoạch tỉnh gắn với quy hoạch vùng, gắn với định hướng mới với sự thay đổi điều chỉnh trong bối cảnh mới, tình hình mới; cải cách thủ tục hành chính, phát triển môi trường đầu tư kinh doanh để thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn, góp phần rút ngắn tiến trình, đẩy nhanh sự phát triển của tỉnh.

Song Trần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây