Đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai

Thứ hai - 25/04/2022 23:00 138 0
Sáng ngày 25/4, tại Hà Nội, đồng chí Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022.



Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh

Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ huy Phòng thủ dân sự - Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh; các thành viên Ban chỉ huy tỉnh.


Các điểm cầu trực tuyến

Tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Hoan - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc hội nghị, cho biết, năm 2021, ở nước ta, thiên tai tuy không khốc liệt, dị thường như năm 2020 nhưng vẫn diễn biến hết sức phức tạp, bên cạnh đó là hậu quả nghiêm trọng của đợt mưa lũ lịch sử năm 2020, nhiều khu vực chưa được phục hồi.

Toàn quốc đã xảy ra 18/22 loại hình thiên tai, trong đó có 12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; 326 trận dông, lốc, mưa lớn; 170 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất; 139 trận động đất; 403 điểm sạt lở nguy hiểm. Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19 cũng như thiếu thốn về nguồn lực, song với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống thiên tai, Uỷ ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn các bộ, ngành đã khắc phục khó khăn, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên thiệt hại do thiên tai năm 2021 giảm nhiều so với năm 2020 và các năm trước đó, thiên tai năm qua đã làm 108 người chết và mất tích (giảm 70% so với năm 2020), thiệt hại về kinh tế trên 5.200 tỷ đồng (giảm 87% so với năm 2020).

Tuy nhiên, theo đánh giá của Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn, việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ, nhất là xây dựng lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa phát huy tốt hiệu quả; khả năng ứng phó với tình huống thiên tai lớn còn hạn chế, bị động, lúng túng, chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác khắc phục hậu quả triển khai còn chậm, không dứt điểm mặc dù đã có quy định của pháp luật. Nguồn lực cho công tác khắc phục hậu quả còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu, mới đáp ứng khoảng 20-30% nhu cầu thực tế của các địa phương.

Tại hội nghị, các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế chia sẻ các kinh nghiệm trong thực hiện công tác phòng chống thiên tai; phân tích những hạn chế, khó khăn cùng những đề xuất, kiến nghị để thực hiện tốt hơn công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn.


Trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai

Hội nghị công bố quyết định và trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng chống thiên tai.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Lê Văn Thành - Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiến cứu nạn nhấn mạnh đến 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm mà các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện trong thời gian tới. Trong đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đổi mới, nâng cao năng lực công tác theo dõi, giám sát, dự báo, cảnh báo thiên tai. Bởi, chất lượng công tác dự báo là yếu tố quyết định, là cơ sở cho công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai một cách chủ động, từ sớm, từ xa. Đây là công việc rất khó, đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ và nguồn lực đầu tư lớn.

Với phương châm phòng là chính, chỉ đạo từ sớm, từ xa, Phó Thủ tướng đề nghị cần triển khai ngay công tác kiểm tra, rà soát phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai trên cả nước. Bên cạnh đó, cần nâng cao chất lượng công tác tham mưu, chỉ đạo, điều hành, huy động và phối hợp lực lượng ứng phó với diễn biến thiên tai, sự cố; đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, đổi mới phương pháp thông tin về thiên tai đến từng người dân trong vùng bị ảnh hưởng; quan tâm đầu tư cho phòng, chống thiên tai; triển khai thực hiên hiệu quả các chỉ đạo, quy định pháp luật về phòng, chống thiên tai, sự cố và tìm kiếm cứu nạn. rà soát hoàn thiện pháp luật, xây dựng các chính sách xã hội hóa để động viên, khuyến khích sự tham gia của doanh nghiệp, người dân vào công tác phòng, chống thiên tai.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây