Tây Ninh tổ chức Hội thảo Giải pháp phát triển cây khoai mì (sắn) bền vững khu vực Nam bộ

Thứ sáu - 22/04/2022 16:00 350 0
Sáng ngày 22/4, tại Trung tâm hội nghị Sunrise, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tây Ninh phối hợp với Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) tổ chức Hội thảo Giải pháp xử lý bệnh hại và phát triển cây khoai mì (sắn) bền vững khu vực Nam bộ. Hội thảo nằm trong khuôn khổ dự án Thiết lập các giải pháp xử lý bệnh khoai mì tại các nước khu vực Đông Nam Á do Trung tâm nghiên cứu nông nghiệp quốc tế Úc (ACIAR) tài trợ trong giai đoạn năm 2019-2023.



Các đại biểu tham dự hội thảo

Hội thảo đánh giá bộ gen giống khoai mì kháng bệnh khảm lá, xây dựng hoạt động nghiên cứu để ứng phó với các loại bệnh trên cây khoai mì nguy hiểm hơn có thể xảy ra trong tương lai, giới thiệu công nghệ nhân nhanh giống khoai mì, đề ra các giải pháp phát triển cây khoai mì bền vững khu vực Nam bộ.

Đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến dự.

Đồng chí Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ông Jonathan Newby - Giám đốc Chương trình CIAT toàn cầu; tiến sĩ Trịnh Xuân Hạt - Phó Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật, các nhà khoa học Viện Khoa học nông nghiệp miền Nam, Viện Di truyền nông nghiệp, đại diện các tỉnh Gia Lai, Đăk Lăk, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, các Trung tâm Nghiên cứu thuộc các Trường đại học Tây Nguyên, Phú Yên tham dự.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu khai mạc hội thảo

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh, khoai mì là cây trồng truyền thống mang lại hiệu quả kinh tế cao so với nhiều loại cây trồng khác tại Tây Ninh như mía, lúa, hoa màu. Năm 2021, Tây Ninh có diện tích trồng cây khoai mì đạt gần 60.000 ha, sản lượng xấp xỉ 2 triệu tấn. Hiện trên địa bàn tỉnh có 65 nhà máy chế biến mì với tổng công suất 6,4 triệu tấn củ/năm. Tuy nhiên, từ năm 2017 đến nay, bệnh khảm lá trên cây khoai mì lần đầu xuất hiện tại Tây Ninh và sau đó nhanh chóng lây lan ra nhiều tỉnh, thành trong cả nước gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, trở thành mối đe dọa nghiêm trọng cho ngành sản xuất và công nghiệp chế biến tinh bột mì tại Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến nhấn mạnh thêm, khoai mì và các sản phẩm từ khoai mì là một trong 13 sản phẩm nông sản chủ lực xuất khẩu của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu 1,35 tỷ USD/năm, đứng thứ 2 thế giới, chỉ sau Thái Lan. Hội thảo này sẽ thảo luận, đưa ra giải pháp để năng cao năng suất, sản lượng góp phần mang lợi nhuận cao cho nông dân canh tác cây khoai mì, vừa đảm bảo phát triển bền vững cây khoai mì trong tương lai và cho cả khu vực. 


Đồng chí Nguyễn Đình Xuân - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham gia ý kiến tại hội thảo

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân, Tây Ninh là tỉnh có diện tích trồng khoai mì lớn thứ hai cả nước chỉ sau tỉnh Gia Lai nhưng năng suất đứng nhất cả nước. Nông dân Tây Ninh đang canh tác các loại giống trồng phổ biến là KM 505, KM 419, KM 140, KM 94, HLS-11, HLS-14, HN3, HN5... Các giống này được trồng rộng rãi do thích nghi tốt với điều kiện tự nhiên và phù hợp với điều kiện canh tác tại tỉnh nên đạt năng suất và hàm lượng tinh bột cao.

Từ thực tế, nông dân Tây Ninh đã có giải pháp rất căn cơ là vẫn sử dụng giống dù có bị bệnh khảm thì vẫn giữ được năng suất, thậm chí năng suất còn tăng cao. Tây Ninh đang trồng thử nghiệm hai loại giống HN3, HN5 thấy cho năng suất cao nhưng vẫn còn đang thử nghiệm sức chống chịu của các loại giống mì này đối một số loại bệnh khác.

Tỉnh đang phối hợp với Trung tâm nghiên cứu thực nghiệm nông nghiệp Hưng Lộc khảo nghiệm 7 giống khoai mì mới kháng bệnh khảm lá; phối hợp với Viện Di truyền, CIAT khảo nghiệm đánh giá bộ giống gồm 10 giống, đã tuyển chọn được 4 giống HN1, C80, C97, C36. Tỉnh cũng thực hiện nhân nhanh giống khoai mì HN1 bằng phương pháp nhân giống trong nhà màng. Tây Ninh đủ điều kiện để trở thành trung tâm nhân giống khoai mì của cả nước.


GS.TS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp nêu ý kiến

GS.TS Lê Huy Hàm - nguyên Viện trưởng Viện Di truyền nông nghiệp cho biết, để đối phó với bênh khảm lá trên cây khoai mì tại Việt Nam, với sự hỗ trợ từ các tổ chức ACIAR, CIAT, Viện đã nhập khẩu và đánh giá 102 dòng khoai mì có gen kháng bệnh khảm lá từ CIAT và 5 dòng có gen kháng từ IITA (Viện Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế). Hiện nay có 3 phương pháp nhân giống, gồm nuôi cấy mô, trong nhà màng và nhân giống bằng mắt nhỏ. Qua đó, Viện đã đưa ra 6 giống khoai mì mới kháng bệnh khảm lá là HN3, HN5, HN1, HN36, HN80 và HN97. GS.TS Lê Huy Hàm cho rằng, nhân nhanh các giống khoai mì mới kháng bệnh là giải pháp lâu dài và bền vững cho ngành khoai mì. Trong tầm nhìn dài hạn, cần lai tạo các giống khoai mì kháng bệnh khảm lá với các giống ưu tú để có giống kháng có khả năng thích ứng với điều kiện canh tác tại nước ta. 

Thực tế, cả nước mới có khoảng 60 ha giống khoai mì kháng khảm, trong khi thực tế đang cần ít nhất 8.000 ha giống để năm sau đủ cung cấp cho 80.000 ha diện tích trồng.


Đại biểu tham dự hội thảo nêu ý kiến

Các đại biểu tham dự hội thảo đưa ra nhiều ý kiến để chọn lựa phương pháp gây giống, nhân giống khả thi nhất. Đại diện các tỉnh Đăk Lăk, Phú Yên, Bình Phước bày tỏ sự vui mừng trước kết quả nghiên cứu khảo nghiệm giống cây khoai mì kháng bệnh khảm lá; mong các cơ quan chức năng nhanh chóng nhân giống số lượng nhiều hơn nhằm cung cấp hom giống tốt kháng bệnh cho các tỉnh có diện tích trồng mì nhiều để ngành mì sớm được khôi phục, nâng cao năng suất.

Đại diện Cục Bảo vệ thực vật cùng ý kiến, sau khi nghiên cứu thành công các loại giống sạch kháng bệnh cần nhanh chóng chuyển giao phương pháp, khoa học kỹ thuật cho nông dân; đồng thời đề xuất cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nông dân không sử dụng hom giống đã nhiễm bệnh, tăng cường kiểm dịch thực vật nội địa để tiến tới ngăn chặn triệt để mầm bệnh, tiến tới kiểm soát dịch khảm lá trên cây khoai mì.

Có ý kiến đề xuất cần có giải pháp xử lý con bọ phấn trắng tác nhân chính gây ra bệnh khảm lá, bên cạnh việc tìm ra giống mì kháng bệnh; nên nghiên cứu thêm các loại bệnh khác có thể gây hại trên cây khoai mì để có hướng chủ động phòng chống; tăng cường quản lý dịch bệnh trên cây mì cho khu vực biên giới như Tây Ninh.

Kết thúc hội thảo, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân nhấn mạnh đến kinh nghiệm của Tây Ninh trong vấn đề đối phó với các loại dịch bệnh trên cây khoai mì như bệnh thối củ rễ, rệp sáp bột hồng. Đối với bệnh khảm lá trên cây khoai mì, đến giờ tỉnh cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với bằng chứng là đã duy trì diện tích và tăng sản lượng, chất lượng trên cây khoai mì. Đặc biệt là tỉnh đã đưa ra được những giống mới hứa hẹn sẽ phát huy hiệu quả trong thời gian tới. Tỉnh tiếp tục hợp tác với các tổ chức để đối phó với các loại dịch bệnh nếu có xảy ra, không để bị động, bất ngờ, hạn chế thấp nhất những thiệt hại có thể xảy ra.

Tỉnh trân trọng ghi nhận sự đóng góp của CIAT, Viện Di truyền, các nhà khoa học đã hợp tác với người dân, cơ quan quản lý, các doanh nghiệp để có được kết quả phấn khởi hôm nay và mong rằng sự hợp tác này sẽ được duy trì trong thời gian tới vì mục tiêu chung phát triển cây khoai mì bền vững, tạo sinh kế bền vững cho những nông dân trồng khoai mì trên địa bản tỉnh Tây Ninh nói riêng và cả nước nói chung.

Chính Thuần


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây