Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban chỉ đạo thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Tây Ninh, giai đoạn 2021-2025, các thành viên ban chỉ đạo tỉnh và lãnh đạo các ban, ngành liên quan.
Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết, sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, đến hết năm 2020, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành vượt 12,4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới so với mục tiêu giai đoạn 2016-2020 được giao. Tính đến 15/4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (đạt 69,4%) đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có 663 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 71 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân cả nước đạt 17,0 tiêu chí/xã. Có 225 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới (chiếm khoảng 34,1%); có 15 tỉnh, thành phố đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 05 tỉnh (Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương) đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Hiện nay, Bộ đang hoàn thiện thủ tục ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Chương trình giai đoạn 2021-2025; hướng dẫn thực hiện một số tiêu chí, chỉ tiêu thuộc Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới, xã nông thôn mới nâng cao, về huyện nông thôn mới, huyện nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025;...Dự kiến hoàn thành trong tháng 5/2022.
Trong giai đoạn 2021-2025, cả nước phấn đấu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí; thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020. Có ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 02 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Từ 17 - 19 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện trên phạm vi cả nước, trọng tâm là các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo. Mục tiêu đề ra là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo; hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn. Một số mục tiêu cụ thể tập trung thực hiện là tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 - 1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4 - 5%/năm. 30% huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Chương trình gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 tối thiểu là 75.000 tỷ đồng.
Đồng chí Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia phát biểu tại hội nghị. (ảnh: chinhphu.vn)
Sau ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Bình Minh - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia nhấn mạnh, trong quá trình triển khai thực hiện, lãnh đạo các địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất, tuyên truyền quán triệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp cho đến cán bộ, người dân về nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia đề ra.
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn, chủ động ban hành các văn bản hướng dẫn của Trung ương; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên tuyền để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia; đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình này.
QN