Các đại biểu tham dự buổi tiếp xúc
Tham dự buổi tiếp xúc có đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh; đại biểu Nguyễn Mạnh Tiến – Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội; đại biểu Huỳnh Thanh Phương – Bí thư huyện uỷ Gò Dầu; đại biểu Trần Hữu Hậu – Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo với cử tri về kết quả của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh thông báo với cử tri về kết quả của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.
Kỳ họp được khai mạc vào ngày 20/10/2022 và bế mạc ngày 15/11/2022. Sau 21 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần đổi mới, đoàn kết, dân chủ, trí tuệ, khẩn trương, khoa học, dân chủ và trách nhiệm cao, Kỳ họp đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra.
Quang cảnh buổi tiếp xúc
Tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành khối lượng lớn công việc lập pháp, thông qua 6 luật (Luật Dầu khí sửa đổi; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sửa đổi; Luật Thanh tra sửa đổi; Luật phòng, chống rửa tiền sửa đổi; Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện) và 3 nghị quyết (Nội quy kỳ họp Quốc hội; Nghị quyết về thí điểm đấu giá biển số xe ô tô; Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk).
Quốc hội còn thảo luận lần đầu dự án Luật Đất đai (sửa đổi) và 6 dự án luật khác (Luật giá sửa đổi, Luật đấu thầu sửa đổi, Luật phòng thủ dân sự, Luật Hợp tác xã sửa đổi, Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi, Luật giao dịch điện tử sửa đổi).
Xem xét các báo cáo về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Quốc hội khẳng định những kết quả quan trọng, nổi bật, khá toàn diện đã đạt được cả về phát triển kinh tế, xã hội; đảm bảo quốc phòng, an ninh; an sinh xã hội; chăm sóc người có công và công tác đối ngoại đã góp phần nâng cao vị thế, vai trò, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Ước cả năm đạt và vượt 14/15 chỉ tiêu đề ra; tăng trưởng kinh tế 9 tháng đạt 8,83%, riêng quý III tăng 13,67%, ước cả năm đạt tăng trưởng 8%; kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát tăng 1,88%; thu ngân sách ước cả năm vượt 14%... Đây là kết quả rất khả quan trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn, thách thức.
Quốc hội còn thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 15 chỉ tiêu, 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Trong đó, ưu tiên giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoàn thiện thể chế; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng số; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, bảo đảm gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội; nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội; giữ vững độc lập, chủ quyền thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm quốc phòng, an ninh, ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Quốc hội cũng đã xem xét, quyết định miễn nhiệm Tổng Kiểm toán nhà nước và phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải; bầu Tổng Kiểm toán nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế; Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.
Hoạt động chất vấn tiếp tục có đổi mới, thực chất, tiến hành chất vấn 3 Bộ trưởng và Tổng Thanh tra Chính phủ về 4 lĩnh vực: Nội vụ, Xây dựng, Thanh tra, Thông tin và truyền thông. Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, trưởng ngành thực hiện quyết liệt, có hiệu quả những vấn đề đã cam kết, có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, báo cáo Quốc hội về kết quả thực hiện tại các kỳ họp sau. Đây cũng là cơ sở để Quốc hội giám sát lại và lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6.
Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý cũng báo cáo với cử tri kết quả hoạt động năm 2022 của Đoàn ĐBQH tỉnh với những nỗ lực trong công tác.
Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức Hội nghị lấy ý kiến trực tiếp đối với các dự án luật phức tạp, còn nhiều ý kiến quan điểm khác nhau để xem xét thấu đáo, trong đó tổ chức lấy ý kiến đối với 7 dự án Luật, tiếp xúc cử tri chuyên đề đối với 3 dự án Luật và lấy ý kiến góp ý bằng văn bản 13 dự án Luật đối với chuyên gia, các sở, ban, ngành liên quan chịu ảnh hưởng của các dự án luật; tổng hợp 23 báo cáo với 241 ý kiến đóng góp đối với các điều luật của dự thảo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong năm, Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện 06 cuộc giám sát trên địa bàn tỉnh (trong đó có 04 giám sát chuyên đề theo yêu cầu của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội và 02 giám sát chuyên đề của Đoàn ĐBQH). Sau các đợt giám sát, Đoàn ĐBQH tỉnh đã có văn bản báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương nhiều vấn đề nhằm khắc phục những hạn chế trong quản lý, điều hành và góp phần hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật… Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH tỉnh thường xuyên tiến hành giám sát công tác trả lời đơn thư, kiến nghị của các bộ, ngành, địa phương, qua đó tổng hợp đánh giá nhận xét trả lời kiến nghị của các bộ, ngành Trung ương và kịp thời đôn đốc các cơ quan, đơn vị trả lời các kiến nghị theo quy định.
Đoàn ĐBQH tỉnh còn tổ chức 40 điểm tiếp xúc cử tri với hơn 4.400 cử tri tham dự, ghi nhận 143 lượt cử tri phát biểu với 246 nội dung liên quan đến vấn đề khó khăn, vướng mắc trong công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành của Trung ương và chính quyền địa phương. Các ý kiến cử tri được Đoàn tổng hợp chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết đúng quy định.
Tại các kỳ họp của Quốc hội, với tinh thần trách nhiệm cao, các ĐBQH tỉnh đã chuyển tải những tâm tư, nguyện vọng của cử tri tỉnh nhà đến Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan trung ương, với 32 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và 12 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường.
Ngoài ra, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thuý còn thông tin về kết quả trả lời của UBND tỉnh đối với 3 ý kiến về tình trạng cò đất gây nên tình trạng sốt đất ảo, vấn đề thiếu thuốc BHYT, đề nghị có chế độ BHYT cho tổ trưởng, tổ phó tổ dân cư tự quản. Sau khi lắng nghe kết quả của Kỳ họp, các cử tri thống nhất, không có ý kiến nào khác.
Hoàng Giang