Ðầu tư dự án điện mặt trời tại Tây Ninh

Thứ sáu - 10/11/2017 11:00 128 0
Hiện tại, Tây Ninh là khu vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư vào các dự án nhà máy điện mặt trời, đến nay đã có 18 dự án điện mặt trời đăng ký xin chủ trương với UBND tỉnh với tổng công suất 2.889mW, trong đó, 17 dự án có tổng công suất 889mW (thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2019) và 1 dự án của Công ty TNHH Xuân Cầu với tổng công suất 2.000mW.

1510245678.jpg

Với số giờ nắng trung bình lên đến 2.400 giờ/năm, cường độ bức xạ mặt trời từ 5,1kWh/m2/ngày, tỉnh Tây Ninh có tiềm năng lớn và rất phù hợp để phát triển năng lượng điện mặt trời. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý bổ sung dự án điện mặt trời tại hồ Dầu Tiếng (tại khu vực bán ngập) tỉnh Tây Ninh vào quy hoạch điện VII điều chỉnh. 

Dự án điện mặt trời tỉnh Tây Ninh có quy mô tổng công suất dự kiến 2.000mW, bao gồm dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, công suất 150mW, vận hành năm 2018; dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 2 có công suất 200mW, vận hành năm 2019; dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 3 có công suất 150mW, vận hành trong giai đoạn 2021 - 2025.

Các dự án tiếp theo với quy mô tổng công suất 1.500mW đưa vào vận hành sau năm 2025 sẽ được quyết định cụ thể trong quá trình lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.

Các dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1, Dầu Tiếng 2 và Dầu Tiếng 3 được đấu nối vào hệ thống điện quốc gia bằng đường dây 220kV 4 mạch phân pha dây dẫn ACSR-2x330mm2 chiều dài 3km, từ trạm biến áp nâng áp 22/220kV, công suất 2x250mVA, đấu nối chuyển tiếp trên đường dây 220kV mạch kép Bình Long - Tây Ninh (lắp đặt 1 máy biến áp và 2 mạch đường dây 220kV đấu nối chuyển tiếp trên mạch 1 đường dây 220kV mạch kép Bình Long - Tây Ninh đồng bộ với dự án nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng 1).

Phương án đầu nối các dự án đưa vào vận hành sau năm 2025 sẽ được xác định cụ thể đồng bộ với tiến độ các dự án trong quá trình lập quy hoạch phát triển điện mặt trời quốc gia.

Nhà đầu tư dự án là Công ty TNHH Xuân Cầu. Ðịa điểm xây dựng dự án là khu vực bán ngập của hồ Dầu Tiếng thuộc xã Suối Ðá (huyện Dương Minh Châu) và xã Tân Hưng (huyện Tân Châu). Dự kiến tổng mức đầu tư toàn bộ dự án 51.134 tỷ đồng với diện tích khoảng 3.300 ha.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh Tây Ninh hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư và đầu tư xây dựng các dự án theo đúng quy định hiện hành, lưu ý thực hiện đầy đủ các nội dung tham gia chi tiết của các bộ, ngành trong bước lập báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng các dự án, nhất là nội dung đánh giá tác động của các khâu từ xây dựng đến vận hành các dự án tới chất lượng nguồn nước hồ Dầu Tiếng; phương án xử lý đối với vật tư, thiết bị trong quá trình thay thế và khi kết thúc các dự án.

Hiện tại, Tây Ninh là khu vực thu hút rất nhiều nhà đầu tư vào các dự án nhà máy điện mặt trời, đến nay đã có 18 dự án điện mặt trời đăng ký xin chủ trương với UBND tỉnh với tổng công suất 2.889mW, trong đó, 17 dự án có tổng công suất 889mW (thực hiện trong giai đoạn 2018 - 2019) và 1 dự án của Công ty TNHH Xuân Cầu với tổng công suất 2.000mW.

Theo Báo Tây Ninh Online

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây