Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ngành liên quan. Hội nghị được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn.
Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm 2016-2020, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, với phương châm hành động “Trí tuệ - Bản lĩnh - Đổi mới - Phát triển”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, các đề án, báo cáo, kiến nghị, tham mưu của Bộ đều nhất quán quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước, luôn lấy người dân và doanh nghiệp là đối tượng ưu tiên phục vụ, tập trung tháo gỡ khó khăn, khởi nghiệp, sáng tạo nhằm tận dụng tối đa các cơ hội phát triển. Phần lớn các đề án, dự án, kiến nghị của Bộ trình được chấp nhận và triển khai thực hiện. Bộ còn tập trung xây dựng hoàn thiện thể chế, rà soát đề xuất sửa đổi bổ sung văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh …Đến nay, đã có 59/63 địa phương lập quy hoạch cấp tỉnh với nhiều nội dung cải cách, đổi mới. Công tác quản lý đầu tư công ngày càng hiệu quả, chú trọng phân cấp trong quản lý, nâng cao tỷ lệ giải ngân.
Những kết quả đó đã góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đề ra trong 5 năm qua trên cả nước. Nổi bật giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã tạo ra hơn 1.200 tỷ USD giá trị GDP; Quy mô kinh tế đạt hơn 340 tỷ USD - đứng trong top 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới; Năng suất lao động được cải thiện rõ nét, vượt mục tiêu đề ra (5%); Tăng trưởng từng bước chuyển dịch từ chiều rộng sang chiều sâu, trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ hơn khoa học, công nghệ.
Ghi nhận kết quả đạt được, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được vinh dự tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất lần thứ hai.
Hội nghị còn nghe triển khai những nội dung chủ yếu trong chỉ đạo, điều hành cần tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ tại Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 01/01/2021 của Chính phủ. Tình hình triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành các Luật Đầu tư (sửa đổi), Doanh nghiệp (sửa đổi), Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ trong năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát động phương châm hành động của toàn ngành Kế hoạch và Đầu tư năm 2021 “Phát huy truyền thống, nắm bắt thời cơ, đổi mới sáng tạo, quyết liệt hành động”.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chỉ đạo nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2021. ảnh MPI
Bộ trưởng đề nghị toàn Ngành phải hành động mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ các cơ hội, dù là nhỏ nhất. Trong năm 2021 và những năm tới, cần tập trung, thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu như cần một tư duy mới, cách tiếp cận mới, nhanh chóng theo hướng tích cực, theo kịp xu thế thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép sang chủ yếu phục vụ thúc đẩy phát triển. Có cơ chế bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Với vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng, Ngành phải kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh việc cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đẩy mạnh đầu tư hạ tầng nâng cao sức cạnh tranh, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, chuyển đổi số, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo… Tranh thủ tận dụng nguồn lực con người để phát triển đất nước, nhất là trong giai đoạn dân số vàng, trước khi chuyển sang giai đoạn già hóa dân số.
Đồng thời, cần tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp…
Năm 2021 là năm có nghĩa đặc biệt quan trọng, năm đầu tiên thực hiện chiến lược 10 năm và 5 năm kế hoạch theo nghị quyết của Đảng và Quốc hội. Tình hình kinh tế thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường, đại dịch Covid-19 chưa thể sớm kết thúc sẽ tác động tiêu cực và sẽ kéo dài. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị toàn Ngành cần tiếp tục đổi mới tư duy phát triển, hành động nhanh hơn, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, vượt qua khó khăn, tận dụng tốt các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng dịch chuyển, đầu tư, thương mại, chuyển đổi số trong khu vực và trên thế giới; kiên quyết không lùi bước trước thách thức, biến thách thức thành cơ hội phát triển; kiên định thực hiện các mục tiêu đã đề ra.
GT