Trong đó, Chỉ thị có nêu, qua gần 10 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW, ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chương trình hành động số 20-CTr/TU, ngày 15/12/2007 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, với sự chỉ đạo thường xuyên của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đã góp phần tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác cán bộ nữ. Kết quả đó đã khẳng định sự trưởng thành của cán bộ nữ trong các ngành, các cấp thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, năng lực công tác, đảm đương tốt nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện vẫn còn bộc lộ những hạn chế như một số cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác triển khai thực hiện Nghị quyết số 11 của Bộ Chính trị và Chương trình hành động số 20 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ nữ; tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan Đảng, Nhà nước còn thấp, chưa tương xứng với lực lượng lao động nữ.
Để làm tốt hơn công tác cán bộ nữ trong tình hình mới, nhất là đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý. Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị tiếp tục nâng cao nhận thức, quan điểm về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ trong cán bộ, đảng viên, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo, quản lý bằng nhiều hình thức; quán triệt sâu rộng quan điểm xem sự tham gia của phụ nữ là điều kiện thiết yếu để phát huy nguồn lực trí tuệ trong tổ chức, cơ quan, đơn vị. Quan tâm chất lượng công tác tuyên truyền để từng bước giảm bớt và xóa bỏ tư tưởng định kiến xã hội đối với phụ nữ, làm cho mọi người thấy được hiệu quả hoạt động của cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.
Phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị; phải công bằng và khách quan trong nhận xét, đánh giá cán bộ nữ; có kế hoạch quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong kế hoạch phát triển chung của địa phương, cơ quan, đơn vị; tạo điều kiện, môi trường làm việc tốt để cán bộ nữ an tâm công tác.
Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu trong công tác cán bộ, nhất là khâu đánh giá cán bộ. Việc đánh giá đúng về phẩm chất, năng lực, trình độ của cán bộ sẽ bố trí, sử dụng "đúng người, đúng việc", vừa phát huy được khả năng của cán bộ, vừa nâng cao hiệu quả công việc được giao; thực hiện tốt công tác quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo ở từng cấp, từng ngành, từng địa phương, cơ quan, đơn vị.
Xây dựng chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cần quan tâm đến cán bộ nữ, phải gắn với quy hoạch và bố trí, sử dụng đội ngũ cán bộ nữ. Tiếp tục thực hiện tốt công tác luân chuyển cán bộ, tạo điều kiện cho cán bộ nữ có trong quy hoạch được luân chuyển, rèn luyện trong thực tiễn. Phải căn cứ vào năng lực, sở trường của từng cán bộ nữ, nhiệm vụ chính trị của từng địa phương, cơ quan, đơn vị để lựa chọn cán bộ, địa bàn luân chuyển cán bộ cho phù hợp. Thực hiện tốt công tác tạo nguồn cán bộ nữ, làm một cách đồng bộ và đặt trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực quốc gia; tuyển dụng cán bộ vào cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp cần đảm bảo tỷ lệ nữ được tuyển dụng từ 35% trở lên. Quan tâm phát triển đảng viên là nữ, đạt tỷ lệ từ 40% trở lên trong tổng số đảng viên mới kết nạp.
Nâng cao chất lượng hoạt động của các ban vì sự tiến bộ của phụ nữ ở các cấp, đảm bảo sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước về bình đẳng giới các cấp với tổ chức liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ; thường xuyên củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác tổ chức, công tác bình đẳng giới, đủ năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, nhận thức sâu về Luật Bình đẳng giới.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình thực hiện công tác cán bộ, nhất là công tác cán bộ nữ và công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bình đẳng giới. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội về chính sách liên quan đến phụ nữ và công tác cán bộ nữ.
Tố Tuấn