Các đại biểu dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Chủ tịch UBND tỉnh, đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, đại diện các tổ chức kinh tế hợp tác, các doanh nghiệp liên kết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Diễn đàn
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến tinh thần đổi mới đối với lĩnh vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã, bao gồm đổi mới về tư duy, nhận thức và hành động, thay đổi về phương thức hoạt động quản lý, thay đổi gắn với chuyển đổi số để tạo ra những giá trị mới, chuyển đổi mô hình kinh tế tập thể một cách linh hoạt, phù hợp, đạt hiệu quả cao.
Nhấn mạnh về vai trò của chuyển đổi số, Thủ tướng cho rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, đòi hỏi khách quan của sự phát triển, được xác định là yêu cầu bắt buộc, nhằm giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp; gắn với phục hồi kinh tế nhanh bền vững.
Với nhận định phát triển kinh tế tập thể là xu thế tất yếu trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Thủ tướng nêu rõ, Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII nêu nhiều quan điểm, trong đó, khẳng định, kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng phải được củng cố và phát triển, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân.
Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, khu vực kinh tế tập thể nước ta có nhiều chuyển biến tích cực về cả nhận thức, chính sách, pháp luật, phát triển về chuyển đổi số, quy mô, cơ cấu tổ chức, tính liên kết hiệu quả hoạt động. Tuy nhiên, khu vực kinh tế tập thể chưa phát triển như mục tiêu, yêu cầu và mong muốn đề ra, đổi mới và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể còn nhiều khó khăn; năng lực, nội lực của hợp tác xã còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức còn lỏng lẻo, chưa phù hợp; trình độ cán bộ quản lý hợp tác xã còn hạn chế. Một trong những nguyên nhân dẫn đến một số nội dung hoạt động của kinh tế hợp tác, hợp tác xã chưa theo kịp tình hình là quá trình chuyển đổi số còn chậm và thiếu tính chiến lược, hành động cụ thể.
Chính vì vậy, Thủ tướng yêu cầu, kinh tế hợp tác, hợp tác xã phải chủ động thay đổi cơ bản phương thức sản xuất, kinh doanh, chuyển đổi số để thích nghi với tình hình phát triển mới, bởi, đây là yêu cầu cấp thiết, không thể đảo ngược.
Thủ tướng cũng gợi mở một số nội dung cần tập trung thảo luận tại Diễn đàn, như phân tích cơ hội và đánh giá thách thức trong chuyển đổi số quốc gia nói chung, chuyển đổi số trong khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã nói riêng; những kinh nghiệm trong nước, quốc tế và đề xuất giải pháp (đặc biệt là giải pháp thể chế, chính sách, phương pháp, cách thức tổ chức thực hiện) thúc đẩy chuyển đổi số tại khu vực kinh tế hợp tác, hợp tác xã.
Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Các ý kiến tại Diễn đàn đã làm rõ hơn nội dung do Thủ tướng gợi ý. Đồng thời, nhận diện và làm rõ hơn vai trò của các mô hình kinh tế hợp tác trong kỷ nguyên số; trao đổi, thảo luận đưa ra những đề xuất, giải pháp để hoàn thiện môi trường pháp lý, đặc biệt là các giải pháp nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Các điểm cầu tham dự Diễn đàn
Kết luận diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu tối đa các ý kiến để tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị nhằm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong thời gian tới.
Thủ tướng nhấn mạnh đến việc cần có quyết tâm cao trong thực hiện chuyển đổi số với sự thay đổi về tư duy, nhận thức, cùng với các giải pháp hành động cụ thể. Chuyển đổi số là chìa khóa, "có thành công hay không là tùy ở chính chúng ta" - Thủ tướng nêu rõ.
Với quan điểm, thể chế cần phải đi trước một bước, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Luật Hợp tác xã năm 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, trong đó nội dung chuyên đổi số phải là một nội dung cốt lõi, làm nền tảng để đề xuất các cơ chế.
Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm hoàn thiện và trình Thủ tưởng Chính phủ phê duyệt Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số trong khu vực Doanh nghiệp, Hợp tác xã, trong đó tập trung vào các giải pháp về hoàn thiện thể chế chính sách (bao gồm chính sách hỗ trợ, huy động nguồn lực), xây dựng mô hình, xây dựng và phát triển một số nền tảng số cơ bản có thể dùng chung, miễn phí; xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm áp dụng công nghệ hiện đại từ khâu nguyên liệu đầu vào đến quá trình sản xuất.
Các bộ, ngành và địa phương chủ động, quyết liệt vào cuộc, tháo gỡ khó khăn cho hợp tác xã để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số một cách thực chất.
Thủ tướng gửi đến Diễn đàn thông điệp "Tinh thần đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ để mô hình kinh tế hợp tác, hợp tác xã có sự chuyển biến mạnh mẽ" cả về nhận thức, hành động và hiệu quả góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng; nhân dân Việt Nam ấm no, hạnh phúc.
QN