Dự thảo Nghị định về thông tin đối ngoại

Thứ tư - 29/10/2014 00:00 79 0
Nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế chính sách về quản lý hoạt động thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Nghị định về thông tin đối ngoại.

 

Ảnh minh họa

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong những năm qua, công tác thông tin đối ngoại đã được sự quan tâm chỉ đạo sát sao cả từ các cơ quan Đảng và Nhà nước.

Đến nay, đã có 20/33 Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và 38/63 tỉnh, thành phố đã ban hành và tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại hàng năm; ban hành kế hoạch trung hạn giai đoạn 2015-2017; 33/63 tỉnh, thành phố ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại nhằm quy định trách nhiệm của các sở, ngành, các huyện, thành, thị, các tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc quản lý nhà nước và phối hợp, triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có một cơ chế pháp lý hữu hiệu, bảo đảm sự quản lý thống nhất công tác thông tin đối ngoại.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã dự thảo Nghị định về thông tin đối ngoại gồm 4 chương 31 điều nêu rõ quy định về quản lý thông tin đối ngoại cũng như trách nhiệm thực hiện quản lý về thông tin đối ngoại.

Theo dự thảo, thông tin đối ngoại gồm thông tin chính thức về Việt Nam, thông tin quảng bá về Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền Việt Nam cung cấp và thông tin tình hình thế giới do cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam tổng hợp và cung cấp.

Nhà nước có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại nhằm quảng bá hình ảnh quốc gia, đất nước, con người, lịch sử, văn hoá dân tộc Việt Nam ra thế giới và đưa thông tin về thế giới vào Việt Nam. Đồng thời, huy động các tổ chức và cá nhân trong nước, các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài và tranh thủ các nhân vật nổi tiếng trên thế giới, các tổ chức, cá nhân, các phóng viên nước ngoài tham gia hoạt động thông tin đối ngoại. Khuyến khích các cơ quan báo chí, xuất bản phát huy nguồn lực hợp pháp trong xã hội cho hoạt động thông tin đối ngoại. Cung cấp tài liệu, phương tiện giảng dạy, tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên dạy tiếng Việt cho người nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài.

Dự thảo nêu rõ, việc cung cấp thông tin chính thức về Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin tình hình thế giới phải theo sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Ngoại giao, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các Bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc cung cấp thông tin chính thống.

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử, trang/cổng thông tin điện tử thực hiện nhiệm vụ thông tin đối ngoại. Nhà nước đầu tư kinh phí để xây dựng các chương trình, sản phẩm thông tin đối ngoại trọng tâm, trọng điểm để đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng theo cơ chế đấu thầu cạnh tranh, phục vụ yêu cầu nhiệm vụ thông tin đối ngoại trong từng thời kỳ. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các đề án thông tin đối ngoại trọng tâm, trọng điểm theo đề xuất của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Theo dự thảo, Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài xây dựng trang thông tin điện tử bằng tiếng Anh và tiếng bản địa; cập nhật thông tin quảng bá, xây dựng hình ảnh đất nước từ hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại.

Cổng thông tin điện tử đối ngoại quốc gia

Cổng thông tin điện tử đối ngoại quốc gia là hệ thống thông tin bao gồm các chuyên trang thông tin bằng tiếng Việt và các thứ tiếng nước ngoài nhằm cung cấp thông tin đối ngoại chính thức và thông tin quảng bá thông qua mạng internet.

Theo dự thảo, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm xây dựng, quản lý, vận hành Cổng thông tin điện tử đối ngoại quốc gia, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại.

Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương  liên quan xây dựng, quản lý, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại. Các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan thông tấn, báo chí của Việt Nam có trách nhiệm cung cấp thông tin để xây dựng, hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại là hệ thống dữ liệu quốc gia được số hóa, tích hợp từ các hệ thống dữ liệu của các Bộ, ngành, địa phương nhằm phục vụ nhiệm vụ thông tin đối ngoại.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin đối ngoại là nguồn cung cấp thông tin chính thức về Việt Nam cho các phương tiện thông tin đại chúng trong nước và nước ngoài, phục vụ công tác tra cứu, tìm hiểu, nghiên cứu về Việt Nam.

Theo chinhphu.vn

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây