Diễn đàn xúc tiến đầu tư và định hướng phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế

Thứ tư - 22/12/2021 13:00 122 0
Chiều ngày 21/12, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Diễn đàn trực tuyến xúc tiến đầu tư và định hướng phát triển khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội.


Các đại biểu tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự Diễn đàn tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh và lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Phát biểu tại Diễn đàn, đồng chí Lê Thành Quân - Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế nhấn mạnh, hoạt động này nằm trong khuôn khổ Chương trình xúc tiến đầu tư quốc gia năm 2021. Thời gian qua, Việt Nam đã và đang hoàn thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để kêu gọi và thu hút các nhà đầu tư; trong đó trọng tâm là hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật, nhất là hệ thống giao thông, kết nối thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng cơ chế chính sách về đầu tư, sản xuất kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn và phù hợp với thông lệ quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế, xây dựng nền hành chính minh bạch, thân thiện và đồng hành với doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Trước ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, với nền kinh tế mở và tham gia ngày càng sâu rộng vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam đã gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên vẫn không làm thay đổi chiến lược định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam, mà xác định đây là cơ hội để Việt Nam đoàn kết nỗ lực cải cách mạnh mẽ hơn nữa.


Các điểm cầu tham dự Diễn đàn

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, việc phát triển các KCN, KKT là một trong những nội dung quan trọng trong Chiến lươc định hướng thu hút đầu tư của Việt Nam. Qua gần 30 năm xây dựng và phát triển, hiện nay trên cả nước có trên 395 KCN được thành lập (kể cả các KCN nằm trong các KKT) tại 61/63 tỉnh, thành phố với tổng diện tích gần 123.000 ha, 26 KKT cửa khẩu được thành lập tại 21 tỉnh, thành với tổng diện tích khoảng 766.000 ha và 18 KKT ven biển được thành lập tại 17 tỉnh, thành với tổng diện tích mặt đất và mặt nước khoảng 871.000 ha. Các KCN, KKT đã trở thành những khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới với nhiều sản phẩm xuất khẩu sang thị trường toàn cầu, góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên bản đồ kinh tế của khu vực và trên thế giới. Các KCN như Chu Lai, Dung Quất, Nghi Sơn... đã thu hút được các dự án công nghiệp nặng với quy mô lớn trong lĩnh vực cơ khí hóa dầu, nhiệt điện, sản xuất thép...Cùng với đó các KKT cửa khẩu như Lào Cai, Móng Cái, Mộc Bài đã thúc đẩy thương mại với các nước láng giềng.

Có thể khẳng định rằng các KCN, KKT đã có những đóng góp tích cực, quan trọng vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam chuyển dịch cơ cấu của đất nước theo hướng gia tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, giá trị công nghệ, thu hút đầu tư trong và nước ngoài, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết việc làm, phát triển đô thị, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, bảo vệ môi trường sinh thái, mở rộng quan hệ đối ngoại.

Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế cho biết thêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN và KKT, trong đó đã bổ sung hoàn thiện các quy định về việc phát triển mô hình KCN, KKT mới.

Diễn đàn diễn ra với hai nội dung chính về thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế bối cảnh hậu COVID (môi trường chính sách pháp lý khi đầu tư vào KCN, KKT) và Cơ hội đầu tư từ các mô hình KCN, KKT mới, với sự tham gia tham luận của các nhà đầu tư xây dựng hạ tầng KCN trong việc tiếp cận với các mô hình mới.

Theo đồng chí Trần Quốc Trung- Phó Vụ trưởng, Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến cuối tháng 10/2021, tại các KCN, KKT đã có gần 11.000 dự án FDI (nguồn vốn 230,2 tỷ USD), vốn đầu tư thực hiện khoảng 69%; và 10.211 dự án trong nước (nguồn vốn 2,54 triệu tỷ đồng), vốn thực hiện đạt khoảng 46,5%. Một số dự án lớn có thể kể đến là các dự án của Tập đoàn Samsung (khoảng 17 tỷ USD); dự án của LG (1,5 tỷ USD), Formossa (12 tỷ USD), Vingroup, Sungroup, Trường Hải, Hòa Phát…

Các đại biểu, diễn giả, nhà đầu tư, địa phương tham gia nhiều ý kiến để định hướng phát triển và thu hút đầu tư vào KCN, KKT, trong đó tập trung phát triển về số lượng và quy mô KCN, KKT đảm bảo bền vững, tuân thủ nguyên tắc phát huy thế mạnh địa phương, tạo điều kiện liên kết phát triển kinh tế vùng, cụm liên kết ngành; hình thành hệ thống KCN nòng cốt, các KKT trọng điểm với vai trò dẫn dắt sự phát triển các ngành công nghiệp quốc gia; phát triển các loại hình KCN sinh thái, KCN hỗ trợ, KCN chuyên ngành, KCN công nghệ cao tại khu vực đồng bằng để phát triển các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng cao, công nghệ cao, liên kết chuỗi giá trị….

Quỳnh Như


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây