Ảnh minh họa |
Cụ thể, hành vi gửi tin nhắn lừa trúng thưởng nhưng thực tế không có giải thưởng để chiếm đoạt phí dịch vụ tin nhắn sẽ bị xử lý theo khoản 1 điều 226b Bộ luật Hình sự(Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản). Mức phạt với hành vi này từ 10 - 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Việc quảng cáo bán hàng trên Internet, mạng viễn thông nhưng không giao hàng hoặc giao không đúng số lượng, chủng loại, chất lượng thấp hơn hàng quảng cáo và các hành vi tương tự cũng bị xử lý như trên.
Thông tư cũng giải thích rõ tội phạm làm giả thẻ ngân hàng là việc cá nhân không có thẩm quyền sản xuất, phát hành thẻ ngân hàng nhưng sản xuất thẻ giống như thẻ ngân hàng (trong đó có chứa đựng thông tin, dữ liệu như thẻ của ngân hàng phát hành).
Hành vi này bị xử lý theo khoản 1 điều 226b Bộ luật Hình sự với mức phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm.
Nếu các hành vi phạm tội này có tổ chức, phạm tội nhiều lần, hoặc có tính chất chuyên nghiệp, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng,.... thì mức áp dụng hình phạt sẽ cao hơn mức nêu trên.
Thời gian vừa qua, cơ quan chức năng đã liên tiếp bóc dỡ đường dây làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền, mua hàng đang khiến người dân lo lắng về sự an toàn của những “chiếc ví điện tử” vốn hiện đại, tiện lợi nhưng tiềm ẩn nguy cơ bị... lấy trộm.
Theo thống kê của ngành ngân hàng, hiện nay, trên toàn quốc đang có 32 triệu thẻ thanh toán được lưu hành do 200 thương hiệu và 49 ngân hàng phát hành, được sử dụng trên 12.000 máy rút tiền tự động và 53.000 thiết bị ngoại vi. Thẻ thanh toán nội địa chiếm 92,5% số lượng, còn lại là thẻ tín dụng quốc tế. Và với lượng thẻ dùng nhiều như vậy thì nguy cơ bọn tội phạm lợi dụng đánh cắp mật khẩu, làm giả thẻ ngân hàng để rút tiền là rất cao.
Theo Chinhphu.vn