Các đồng chí lãnh đạo chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội
Các đồng chí Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chủ trì Hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị điểm cầu cấp tỉnh.
Cùng tham dự có các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh; Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; các cơ quan báo chí, lãnh đạo Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Bộ đội Biên phòng tỉnh; Trường Chính trị tỉnh. Hội nghị được trực tuyến đến 68 điểm cầu cấp huyện và cấp xã trên địa bàn tỉnh với sự tham dự của hơn 1.000 cán bộ, đảng viên.
Tại hội nghị, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa báo cáo quá trình kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc; xây dựng, phát triển văn hóa sau 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước; các định hướng, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Hội nghị khẳng định, văn hóa Việt Nam là thành quả hàng nghìn năm lao động sáng tạo, đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là kết quả giao lưu và tiếp thu tinh hoa của nhiều nền văn minh thế giới để không ngừng hoàn thiện mình. Văn hóa Việt Nam đã hun đúc nên tâm hồn, khí phách, bản lĩnh Việt Nam, làm rạng rỡ lịch sử vẻ vang của dân tộc; hình thành nên những giá trị văn hóa Việt Nam cao đẹp, bền vững: yêu nước, đoàn kết, cần cù, dũng cảm, tài trí, lạc quan, hiếu học, nghĩa tình, hòa hiếu, khoan dung
Kế thừa, phát huy truyền thống văn hóa dân tộc, ngay từ khi ra đời và lãnh
đạo cách mạng Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định ba mặt trận quan trọng của cách mạng nước ta là chính trị, kinh tế và văn hóa. Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ Nhất khai mạc ngày 24/11/1946 tại Nhà hát Lớn thành phố Hà Nội, trong diễn văn khai mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu một chân lý “Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi”… “Phải đem văn hóa lãnh đạo quốc dân để thực hiện độc lập, tự cường, tự chủ”. Người nhấn mạnh: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến, cùng phải coi trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa”.
Sau 35 năm đổi mới đất nước việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đạt được những kết quả quan trọng. Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc có chuyển biến tích cực, tạo cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội; huy động được nhiều nguồn lực giữ gìn di sản văn hóa truyền thống, nhất là một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ mai một (hát xoan, ca trù, tuồng, chèo, cải lương...Việc xây dựng văn hóa trong chính trị được gắn liền với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng là 1 trong 12 định hướng phát triển đất nước, giai đoạn 2021-2030 “phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.... “từng bước vươn lên khắc phục các hạn chế của con người Việt Nam; xây dựng con người Việt Nam thời đại mới, găn kết chặt chẽ, hài hòa giữa giá trị truyền thống và giá trị hiện đại”.
Các đại biểu tham dự hội nghị cùng nghe một số tham luận, ý kiến tiêu biểu của các ban, bộ, ngành, địa phương và văn nghệ sĩ, trí thức, nhà văn hóa tiêu biểu tại các điểm cầu phân tích các vấn đề về văn hóa, những đề xuất, kiến nghị nhằm xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam trong thời gian tới.
Chính Thuần