Sáng ngày 25/12, tại Hà Nội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ lĩnh vực lao động, người có công và xã hội năm 2020.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tham dự hội nghị. (ảnh Cổng Thông tin điện tử Bộ LĐTB-XH)
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội đến dự và chủ trì hội nghị; đồng chí Vũ Đức Đam - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Đào Ngọc Dung - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đồng chủ trì hội nghị.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tây Ninh
Tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, tham dự có đồng chí Huỳnh Thanh Phương - Phó trưởng đoàn phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tây Ninh, đồng chí Võ Thanh Thủy - Giám đốc Sở lao động, Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các sở, ngành liên quan, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố.
Theo Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, trong năm 2019, toàn ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã đạt được những kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, có những mặt tiến bộ hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2018. Đặc biệt là các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá, ưu tiên mà Bộ đã đề ra trong Chương trình công tác năm 2019. Bộ đã nghiên cứu, đánh giá một cách đầy đủ, khoa học việc thực hiện Bộ luật Lao động năm 2012 để tham mưu, trình Chính phủ trình Quôc hội thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới và thay đổi nhằm bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích hợp pháp của cả người lao động và người sử dụng lao động; thực hiện đúng chủ trương xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phù hợp hơn các cam kết và thông lệ quốc tế về lao động.
Ngành hoàn thành 100% các đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đảm bảo chất lượng, tiến độ, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Các chỉ tiêu Quốc hội giao (về tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ thất nghiệp của lao động khu vực thành thị và giảm tỷ lệ hộ nghèo) đều hoàn thành kế hoạch, góp phần cùng cả nước hoàn thành toàn diện 12 chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội được giao. Các chỉ tiêu, nhiệm vụ của ngành đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, ngành đã thực hiện đổi mới mạnh mẽ công tác giáo dục nghề nghiệp với nhiều giải pháp đột phá, tăng cường hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; gắn kết công tác đào tạo nghề với thị trường lao động, giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài; đặc biệt là tổ chức thành công “Diễn đàn Quốc gia Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam với chủ đề chính là “Doanh nghiệp đồng hành đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”. Số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tiếp tục đạt kỷ lục với trên 147 nghìn người, cao nhất từ trước đến nay, về đích trước 1 năm của kế hoạch 5 năm 2016 - 2020; phát triển nhanh đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội nguyện, vượt chỉ tiêu được giao tại Nghị quyết 28-NQ/TW trước 2 năm.
Đời sống người có công, đối tượng chính sách xã hội được cải thiện và từng bước được nâng lên. Ước đến cuối năm có 99,5% hộ gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú; 99% xã, phường, thị trấn làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công.
Công tác giảm nghèo đi vào thực chất hơn với các hoạt động thiết thực, đảm bảo “không để ai bị bỏ lại phía sau”; thành tích giảm nghèo của Việt Nam tiếp tục là một điểm sáng, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm khoảng 1,3% so với cuối năm 2018; riêng các huyện nghèo giảm gần 5%.
Tính chung cả năm 2019, tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi lao động ở khu vực thành thị khoảng 3,12%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 62%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ đạt 24%.
Hoạt động ý nghĩa trong tháng Hành động Vì trẻ em năm 2019 ở Tây Ninh
Bên cạnh đó, công tác người cao tuổi; công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em; bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ được quan tâm chỉ đạo... góp phần thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế, bảo đảm an toàn, trật tự xã hội.
Tại hội nghị, lãnh đạo UBND thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội, các tỉnh Điện Biên, Đà Nẵng, An Giang và lãnh đạo các bộ phát biểu làm rõ hơn về những kết quả đạt được trong năm 2019, cùng những đề xuất, kiến nghị tháo gỡ những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam ghi nhận sự nỗ lực của toàn ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đạt được, đã góp phần vào thành tựu chung của cả nước trong năm 2019. Phó Thủ tướng cũng lưu ý, là ngành có nhiều lĩnh vực liên quan đến các đối tượng, hơn nữa, nhiệm vụ của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phần lớn phải phối hợp với các ngành khác mới thực hiện được, như tham gia đào tạo lao động, xuất khẩu lao động.... Qua đó cho thấy, nhận thức về tính phối hợp giữa các bộ, ngành đã ngày càng tốt hơn.
Thủ tướng cho rằng, năm 2019, bảo hiểm y tế cả nước đạt kết quả rất ấn tượng. Trong vòng hơn 5 năm, từ khi Luật Bảo hiểm y tế có hiệu lực, diện bao phủ BHYT cả nước đã tăng lên 90%. Nhưng bảo hiểm xã hội còn gặp nhiều khó khăn, diện bao phủ còn đạt thấp so với mong muốn, do đó, Phó Thủ tướng đề nghị toàn ngành “cần tập trung quyết liệt công tác vận động để mọi người dân thay đổi thói quen tham gia bảo hiểm, thay cho việc tự để dành tiền lo cho mình”. Bởi, đây không chỉ là quyền lợi mà còn là trách nhiệm của toàn dân.
Với nhận định, kỹ năng nghề của Việt Nam đứng thứ 6 trong khối ASEAN, xếp thứ 112 trên thế giới; do đó, trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục- đào tạo để nhân rộng một cách mạnh mẽ mô hình hiệu quả thực hiện đào tạo kỹ năng nghề, cần thiết phải “cầm tay chỉ việc”, hướng đến mục tiêu Việt Nam vào top 4 ASEAN trong 5 năm tới.
Phó Thủ tướng đề nghị, trong phạm vi trách nhiệm của ngành, cần chăm lo tết an toàn, vui tươi, tiết kiệm, làm cho mọi nhà đều có tết vui, tạo khí thế qua 2 năm cả nước hoàn thành và hoàn thành vượt mức các mục tiêu kinh tế-xã hội.
Vui mừng với những kết quả đạt được của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh một số nội dung để lại dấu ấn, như đã hoàn thành 3 mục tiêu đột phá xây dựng thể chế, (nhất là Bộ luật Lao động mới được Quốc hội thông qua với tỷ lệ cao); nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và phát triển thị tường lao động; giải quyết tồn đọng xác nhận, công nhận người có công với cách mạng và tăng cường công tác bảo vệ trẻ em.
Chỉ đạo trong thực hiện nhiệm vụ năm 2020, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội, Bộ tham mưu cho Chính phủ kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2020, triển khai thực hiện Nghị quyết, tập trung phát triển, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với phát triển khoa học công nghệ và đồi mới sáng tạo, phát triển kinh tế bền vững gắn với phát triển văn hóa-xã hội, bảo vệ môi trường và củng cố vũng chắc quốc phòng an ninh, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội. Đây là những nội dung gắn liền với chức năng của ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã và đang thực hiện.
Bộ tiếp tục tham mưu thực hiện công tác hoàn thiện thể chế, với trọng tâm phải gấp rút xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (với 25 nghị định hướng dẫn luật phải được xây dựng) nhằm thể chế hóa các chủ trương lớn của Đảng trong giai đoạn tới; cụ thể hóa tinh thần Nghị quyết 27, Nghị quyết 28 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
Tiếp tục rà soát, đánh giá chính sách an sinh xã hội trên từng lĩnh vực để kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế, ban hành chính sách mới cho phù hợp, lưu ý chính sách khuyến khích, tạo cơ hội để mọi người dân có việc làm, cải thiện thu nhập để nâng cao mức sống, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghệ, gắn với doanh nghiệp, gắn với nhu cầu của thị trường; bảo đảm cho người lao động có thu nhập công bằng về tiền lương, về các loại hình bảo hiểm, để cải thiện đời sống, điều kiện sống và tái sản xuất sức lao động, huy động tốt nhất nguồn lực lao động để phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Thực hiện đầy đủ các chính sách đã ban hành đối với đối tượng là người có công; tiếp tục đẩy mạnh phong trào đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, huy động mọi nguồn lực trong xã hội, cộng đồng cùng với Đảng và Nhà nước để chăm sóc tốt hơn đới sống vật chất và tinh thần cho người có công với cách mạng và kiên trì thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, trước hết là giảm nghèo ở đối tượng chính sách, không còn đối tượng chính sách rơi vào thu nhập thấp hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú, chuyển hướng tiếp cận nghèo theo đa chiều thực chất hơn, để thiết kế chính sách giúp người nghèo phát huy tinh thần tự lực vươn lên thoát nghèo…Chú trọng và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật, tập trung xử lý và làm chuyển biến rõ nét những vấn đề xã hội còn bức xúc, cử tri và đại biểu Quốc hội, nhân dân quan tâm.
Song Trần