Kiên quyết khắc phục “bệnh hoành tráng” trong đầu tư xây dựng cơ bản

Thứ sáu - 02/11/2012 00:00 41 0
Thảo luận ở hội trường kỳ họp Quốc hội chiều ngày 31.10.2012, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) nhận định, trong năm 2012, việc tái cơ cấu đầu tư công và chương trình mục tiêu quốc gia triển khai rất chậm. Theo đại biểu, thời gian qua, chương trình mục tiêu quốc gia được phân bổ cho các bộ, ngành quản lý chưa xác định được các tiêu chí phân bổ, chưa đảm bảo tính công khai minh bạch về chủ trương đầu tư và vẫn còn cơ chế xin, cho trong phân bổ vốn. Đại biểu Tâm đề nghị cần rà soát lại, phải có hệ thống tiêu chí phân bổ rõ ràng, công khai, minh bạch, tránh cơ chế xin cho, đảm bảo công bằng trong phân bổ và sử dụng ngân sách từ chương trình mục tiêu quốc gia.

 

 

Về định hướng phân bổ ngân sách năm 2013, ĐBQH Nguyễn Thành Tâm cho rằng việc phân bổ ngân sách cho đầu tư phát triển bị cắt giảm là không hợp lý; vì hiện nay nhu cầu đầu tư cho hạ tầng phục vụ cho phát triển đang rất bức xúc, nếu tiếp tục cắt giảm nguồn thì sẽ không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đầu tư phát triển. Về nguồn, có ý kiến đề nghị tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ tăng thêm so với tổng dự kiến và cũng có ý kiến đề nghị phát hành thêm nguồn trái phiếu công trình nữa. Vấn đề này, đại biểu Tâm đề nghị phải hết sức cân nhắc, bởi vì nó liên quan đến chỉ tiêu về bội chi ngân sách Nhà nước mà hiện nay rất đáng lo ngại, nó liên quan đến vấn đề tăng nợ công của quốc gia cho nên phải hết sức cân nhắc.

Về các nhiệm vụ chi cho đầu tư phát triển, đại biểu Tâm đề nghị “trong quá trình triển khai chi đầu tư phát triển mặc dù tăng nguồn nhưng cũng phải rà soát để đảm bảo tính tiết kiệm, tập trung vào đầu tư hạ tầng phục vụ cho sản xuất, tránh đầu tư một số công trình chưa thực sự cần thiết, chẳng hạn như các công trình trụ sở làm việc. Đặc biệt là phải quan tâm đầu tư cho lĩnh vực giao thông, thủy lợi để phục vụ việc sản xuất, đồng thời thu hẹp được khoảng cách giữa thành thị và nông thôn. Bởi vì hiện nay ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa hạ tầng để phục vụ cho sản xuất, chỉ riêng giao thông và thủy lợi đã khó khăn rồi, chưa nói đến các điều kiện thụ hưởng khác. Cho nên nếu tập trung đầu tư quá lớn cho đô thị thì khoảng cách giữa thành thị và nông thôn sẽ kéo giãn ra, gây bức xúc ở khu vực này rất khó cho các đại biểu giải thích với cử tri.

Một vấn đề nữa, cũng phải kiên quyết khắc phục là “bệnh hoành tráng” trong đầu tư xây dựng cơ bản. Đến nay chỉ có Bộ Giao thông công bố tập trung khắc phục vấn đề này, còn các bộ, ngành khác quản lý đầu tư vốn đề nghị cũng phải rà soát để chấn chỉnh.

Về tăng lương, đại biểu Tâm nhận định vấn đề tăng lương là nhu cầu thiết yếu, nhưng trong điều kiện cân đối nguồn hiện nay phải hết sức cẩn trọng. Có ý kiến đề nghị phải cắt giảm và trong dự toán ngân sách đã dự kiến cắt giảm nguồn chi cho đầu tư phát triển, nhưng như đã nói ở trên là có những cái không thể cắt được. Còn các nguồn khác có thể rà soát trong việc tiết kiệm. Như vậy, Ủy ban Tài chính ngân sách và Chính phủ phải rà soát và báo cáo kỹ với Quốc hội về chuyện tiết kiệm chi thường xuyên ở khu vực nào, chỗ nào để có con số cụ thể. Nếu thực hiện việc tăng lương với điều kiện cắt các nguồn đầu tư khác thì rất khó giải trình với xã hội. Do đó đại biểu Tâm đề nghị hết sức cân nhắc về tác động của việc tăng lương đối với bộ máy Nhà nước nói chung. Nếu cân đối được nguồn sẽ đi theo hướng ưu tiên tăng cho đối tượng hưởng chính sách xã hội và bộ phận cán bộ công chức đang có mức thu nhập thấp.

Theo BTNO

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây