Lãnh đạo tỉnh Tây Ninh đối thoại với doanh nghiệp FDI

Thứ bảy - 16/10/2021 10:00 183 0
Nhằm kịp thời nắm bắt những khó khăn của doanh nghiệp do tình hình dịch bệnh COVID-19, sáng ngày 15/10, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị trực tuyến đối thoại với doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị

Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Nguyễn Đài Thy - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Võ Đức Trong - Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cùng lãnh đạo các sở, ngành, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp FDI đang hợp tác đầu tư trên địa bàn tỉnh cùng tham dự tại điểm cầu tỉnh.


Đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Thành Tâm - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh ghi nhận những đóng góp tích cực của các doanh nghiệp trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 ở địa phương và nhấn mạnh, triển khai thực hiện chỉ đạo của Trung ương "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh tổ chức Hội nghị này nhằm trao đổi, chia sẻ khó khăn và tìm ra biện pháp tốt nhất để tháo gỡ cho các doanh nghiệp khôi phục sản xuất, theo như lời của Thủ tướng Chính phủ từng nhắn gửi "lợi ích hài hòa, rủi ro thì chia sẻ".


Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đặng Đình Toàn báo cáo tình hình hoạt động của các doanh nghiệp FDI

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trên địa bàn tỉnh có 252 doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh hoạt động trong khu công nghiệp với khoảng 140.436 lao động. Trong đó, 213 doanh nghiệp FDI với khoảng 135.181 lao động. Từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra đến nay, trên địa bàn khu công nghiệp, khu kinh tế có 207 doanh nghiệp đang hoạt động, số lao động đến hiện tại là 66.637 người. Trong đó, 178 doanh nghiệp FDI với khoảng 63.674 lao động.

Khu vực ngoài khu công nghiệp, khu kinh tế, từ khi dịch COVID-19 lần thứ 4 diễn ra đến nay, có 408 doanh nghiệp đang hoạt động với 28.786 lao động. Trong đó, 27 doanh nghiệp FDI với khoảng 12.423 lao động.

Qua khảo sát, các doanh nghiệp FDI đang phải đối diện với 6 nhóm vấn đề khó khăn chủ yếu. Đó là nhu cầu tiêm vaccine cho người lao động của các doanh nghiệp hiện tại là rất lớn, tuy nhiên đa số doanh nghiệp chưa tiếp cận được nguồn vacxin. Một số doanh nghiệp không đủ điều kiện áp dụng mô hình sản xuất "3 tại chỗ". Trong giai đoạn dịch, để duy trì sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm lao động. Các doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn với vấn đề nhập cảnh và giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài. Sự thiếu hụt trong nguồn vốn kinh doanh dẫn đến tình trạng khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu của tổ chức tín dụng. Chi phí đầu vào, chi phí vận chuyển do chuỗi cung ứng bị đứt gãy tăng cao; nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch. Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng.


Các doanh nghiệp kiến nghị tạo điều kiện cho công nhân được tiêm vaccine để khôi phục sản xuất tốt hơn

Tại hội nghị, các doanh nghiệp bày tỏ sự phấn khởi khi chính quyền địa phương luôn đồng hành cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh và tiếp tục nêu những khó khăn khi thực hiện phương án "3 tại chỗ" hay "1 cung đường 2 điểm đến". Các doanh nghiệp mong muốn kết thúc thực hiện 2 phương án này, thay vào đó, tạo điều kiện cho công nhân tự đi làm bằng phương tiện cá nhân, có sự kiểm soát theo hướng dẫn của ngành y tế, đảm bảo an toàn dịch bệnh; sớm đạt độ bao phủ vaccine cho người dân nói chung, công nhân nói riêng; khó khăn trong thực hiện các thủ tục cho người lao động hưởng chính sách theo nghị quyết của Chính phủ…

Các sở, ngành tiếp thu, trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp, và sẽ phối hợp với doanh nghiệp làm rõ các khó khăn, vướng mắc ở đâu, tháo gỡ ở đó.


Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong cho biết, tỉnh đang đẩy mạnh tiến độ tiêm vaccine

Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Võ Đức Trong nhìn nhận việc khôi phục sản xuất hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề cần phải được giải quyết, nhằm đảm bảo "sản xuất phải an toàn, an toàn mới sản xuất", thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch. Tỉnh cũng đang xây dựng hướng dẫn thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP trên địa bàn. Ngoài ra, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh cũng thông tin thêm về tình hình tiêm vaccine trên địa bàn với những tín hiệu khả quan, tỉnh sẽ sớm bao phủ được vaccine cho người dân trong tháng 11 năm nay.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận các ý kiến của doanh nghiệp

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc ghi nhận 25 ý kiến của các doanh nghiệp thể hiện trách nhiệm của từng doanh nghiệp trong việc đóng góp giải pháp giải quyết khó khăn, khôi phục sản xuất kinh doanh trong điều kiện "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh".

Tình hình dịch bệnh phức tạp đã gây khó khăn trong công tác phòng chống dịch, có lúc tỉnh phải thực hiện các biện pháp cao hơn, ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế-xã hội. Chủ tịch UBND tỉnh bày tỏ sự cảm thông, chia sẻ những khó khăn đối với doanh nghiệp khi phải áp dụng phương án "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến" và thông tin thêm, khi xây dựng quy định "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh" theo Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh sẽ xem xét có những hướng dẫn cụ thể tháo gỡ được nhiều khó khăn, vướng mắc hiện nay, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp thuận lợi trong sản xuất, vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh, và sẽ thông tin đến cho doanh nghiệp. Lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, cùng nhau tiến lên phía trước.

Chỉ đạo hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Thành Tâm nhấn mạnh, trong quá trình xây dựng quy định thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh cần quan tâm cơ chế quản lý kiểm soát dịch bệnh trong điều kiện bình thường mới, khi triển khai thực hiện cần thống nhất, thật sự khả thi, phù hợp với địa phương; cố gắng có lộ trình sớm nhất chuyển sang trạng thái bình thường mới.

Bí thư Tỉnh ủy cho rằng các ý kiến của doanh nghiệp rất xác đáng và khẳng định sự thống nhất nguyên tắc "sản xuất phải an toàn", không để tái bùng phát dịch bệnh vượt tầm kiểm soát. Bí thư Tỉnh ủy cũng mong rằng, doanh nghiệp sẽ cùng cộng đồng, chia sẻ trách nhiệm với địa phương trong quá trình thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch; đồng thời mong các doanh nghiệp có ý kiến phản hồi thường xuyên hơn đối với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh để cùng vượt qua khó khăn, cùng phát triển.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây