Kỷ niệm ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày Asean quản lý thiên tai ngày 13/10

Thứ tư - 13/10/2021 19:00 123 0
Sáng ngày 13/10, Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phối hợp với cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ tổ chức Lễ kỷ niệm ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày ASEAN quản lý thiên tai, ngày 13/10. Buổi lễ được kết nối trực tuyến tại nhiều điểm cầu các địa phương trong nước và quốc tế.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai chủ trì buổi lễ tại điểm cầu Hà Nội. Cùng tham dự tại điểm cầu Hà Nội còn các thành viên Ban chỉ đạo quốc gia, lãnh đạo các bộ, ngành trung ương, các nhà khoa học và các tổ chức quốc tế.


Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh, có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban thường trực, Ban chỉ huy phòng thủ dân sự-phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh và các thành viên.


Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai phát biểu khai mạc buổi lễ. (anh:chinhphu.vn)

Phát biểu khai mạc buổi lễ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai nhấn mạnh, với chủ đề "Hợp tác để cùng nhau vượt qua mọi thách thức", sự kiện này khẳng định quyết tâm của Việt Nam trong đoàn kết, hưởng ứng cùng các quốc gia, các cơ quan Liên hợp quốc và ASEAN, tổ chức quốc tế để thúc đẩy nhận thức toàn cầu về giảm nhẹ rủi ro thiên tai, nâng cao năng lực ứng phó có hiệu quả hơn nữa với thiên tai, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản, đời sống của nhân dân, của xã hội trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Phó Thủ tướng cho rằng, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm, trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích; thiệt hại về kinh tế khoảng 1 đến 1,5% GDP. Công tác phòng chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, cấp ủy chính quyền các địa phương, các đoàn thể chính trị -xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân. Hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy cơ sở hạ tầng phòng, chống thiên tai ngày càng được hoàn thiện, nguồn lực cho phòng, chống thiên tai ngày càng được ưu tiên. Nhờ vậy, công tác phòng, chống thiên tai thời gian vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng góp phần bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra.

Không những thế, trong hợp tác quốc tế, Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức, các diễn đàn quốc tế liên quan đến phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, như tham gia Khung hành động Sendai toàn cầu về quản lý rủi ro thiên tai, Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu, ký kết Nghị định thư Kyoto của Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu và tham gia cam kết trong khuôn khổ nhóm công tác ứng phó khẩn cấp của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).

Trong khu vực, Việt Nam được đánh giá là thành viên tích cực có vai trò chủ động, đóng góp hiệu quả vào những nỗ lực chung của ASEAN trong phòng, chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai.

Khi biến đổi khí hậu, nước biển dâng đã và đang tác động nhanh mạnh hơn so với dự báo, đặc biệt, đại dịch COVID-19 đã đặt ra yêu cầu phải ứng phó hiệu quả với rủi ro khi thiên tai và đại dịch COVID-19 đồng thời xảy ra. Vì vậy đòi hỏi phải có tầm nhìn mới, định hướng chiến lược, triển khai các giải pháp toàn diện, căn cơ, đồng bộ, huy động các nguồn lực và sự tham gia của toàn xã hội, trong đó có các quốc gia, đối tác và bạn bè quốc tế để công tác phòng, chống thiên tai trong thời gian tới đạt hiệu quả cao nhất.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ Việt Nam khẳng định luôn coi trọng phòng, chống thiên tai và luôn xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị nhằm bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân, trong đó tập trung nâng cao năng lực công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; đổi mới nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai từ cấp trung ương đến cơ sở, từng bước hiện đại hóa lực lượng phòng chống thiên tai; lồng ghép nội dung chương trình phòng, chống thiên tai trong các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của các ngành, địa phương.

Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ các điều ước đã ký kết về hợp tác quốc tế trong phòng, chống thiên tai và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các tổ chức quốc tế khi thực hiện các dự án hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực cứu trợ, giúp đỡ Việt Nam trong công tác phòng chống thiên tai đồng thời đảm bảo mọi sự hỗ trợ đều được công khai, minh bạch, đúng địa điểm, đối tượng.

Phó Thủ tướng tin tưởng, với sự nỗ lực phối hợp hành động chặt chẽ, hiệu quả, rủi ro thiên tai sẽ được giảm nhẹ, Việt Nam và thế giới sẽ sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh COVID-19 và phục hồi phát triển nền kinh tế một cách mạnh mẽ, bền vững.

Nhân buổi lễ, Tổng Cục phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vinh dự được nhận Huân chương Độc lập hạng Ba; Tiến sĩ Trần Quang Hoài - Tổng Cục Trưởng Tổng cục phòng, chống thiên tai, Phó Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai được trao Huân chương Lao động hạng Nhất. Ngoài ra, 14 tập thể có thành tích trong công tác khắc phục hậu quả của cơn bão số 9 và mưa lũ miền Trung được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Buổi lễ còn công bố 1 giải sáng tạo, 2 giải cộng đồng trong cuộc thi video "Phòng chống thiên tai, việc không của riêng ai" trên nền tảng truyền thông đa phương tiện. Cuộc thi này đã thu hút gần 100 tác phẩm dự thi với gần 100 triệu lượt xem trên mạng xã hội và Tiktok; giới thiệu Quỹ phòng, chống thiên tai Trung ương (được thành lập theo Nghị định 78/2021/NĐ-CP của Chính phủ ban hành ngày 01/8/2021 về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai) do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây