Năm 2022: Tây Ninh có nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội

Thứ bảy - 19/11/2022 09:00 424 0
Ngày 18/11, đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc – Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp thường kỳ tháng 11 của UBND tỉnh nhằm đánh giá tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022 và đề ra kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.


Quang cảnh phiên họp


Phiên họp được trực tuyến đến điểm cầu các huyện, thị xã, thành phố

Cùng chủ trì hội nghị có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng và Trần Văn Chiến.

Đồng chí Nguyễn Đài Thy – Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng dự.


Đồng chí Phạm Lưu Nhạn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022

Tại hội nghị, đồng chí Phạm Lưu Nhạn – Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trình bày dự thảo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh năm 2022, trong năm, kinh tế tiếp tục khởi sắc và đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực; dịch bệnh được kiểm soát hiệu quả. Tỉnh đã kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh; phát huy hiệu quả các chính sách thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thực hiện 19 chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết HĐND tỉnh, đến nay đã có 18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.

Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP - theo giá so sánh 2010) ước thực hiện 55.914 tỷ đồng, tăng 8,84% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD (kế hoạch năm 2022 là 3.500 USD).

Đến cuối năm 2022, tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 huyện, thị xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 61/71 xã (85,9%), trong đó 100% xã biên giới đạt chuẩn nông thôn mới. Tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao lên 16/61 xã (26,2%), 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Hầu hết các ngành công nghiệp chủ yếu đều tăng sản lượng. Một số ít sản phẩm duy trì hoặc giảm so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 6,4 tỷ USD, tăng 19,7% so với KH, tăng 25,9% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu đạt 5,7 tỷ USD, tăng 19,3% so với KH, tăng 26,3% so với cùng kỳ.

Hoạt động thương mại dịch vụ đã khôi phục, thị trường hàng hóa phục vụ đời sống người dân đã ổn định. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu các ngành dịch vụ ước đạt 96.938 tỷ đồng, tăng 25,5% so với cùng kỳ.

Tổng thu ngân sách nhà nước ước thực hiện 11.725 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ, tăng 17% dự toán địa phương, tăng 26,3% dự toán Trung ương giao.

Đến ngày 31/10/2022, tỉnh giải ngân 3.076,682 tỷ đồng, đạt 78,92% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 68,58% kế hoạch HĐND tỉnh giao. Tây Ninh đứng thứ 7 trong nhóm 10 đơn vị có tỷ lệ giải ngân cao trên cả nước. Ước giải ngân đến hết ngày 31/01/2023 là 4.368,252 tỷ đồng, đạt 96,97% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, đạt 97 36% kế hoạch HĐND tỉnh giao.

Các chủ trương, cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số, gắn kết chặt chẽ với cải cách hành chính; xây dựng, phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và đô thị thông minh.



Các đại biểu nêu ý kiến tại hội nghị

Đối với kế hoạch thu ngân sách năm 2023, dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn là 11.000 tỷ đồng, giảm 0,3% so ước thực hiện năm 2022 và tăng 9,8% so dự toán năm 2022, tăng 650 tỷ đồng so số dự toán Trung ương giao.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu tại hội nghị

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến đề nghị bổ sung một số số liệu của ngành nông nghiệp, đánh giá rõ hơn tình hình kinh tế tập thể, vi phạm về lĩnh vực đất đai, môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng chống gian lận thương mại, hàng gian hàng giả; cần phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan của các hạn chế. Đồng chí cơ bản thống nhất với kế hoạch năm 2023.


Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng phát biểu tại hội nghị

Đồng tình với những đánh giá về kết quả thực hiện kinh tế-xã hội năm 2022, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Thắng nhấn mạnh thêm một số kết quả nổi bật trong thu ngân sách, với cả 9/9 huyện, thị xã, thành phố đều thu vượt thu ngân sách, cao nhất là huyện Gò Dầu vượt hơn 100% dự toán, vươn lên từ vị trí thứ 5 lên vị trí thứ 2 về thu ngân ngân sách trong tỉnh, chỉ sau thành phố Tây Ninh. Tây Ninh có mức thu ngân sách tăng hơn 17%, cao hơn mức bình quân của cả nước; giải ngân vốn đầu tư công cũng là một điểm sáng với tỷ lệ khá cao. Từ quý I đến nay, tỉnh liên tục vào top đầu cả nước về tỷ lệ giải ngân vốn. Trên cơ sở những hạn chế đã được nêu ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương cần có biện pháp khắc phục để kinh tế tỉnh nhà tiếp tục tăng trưởng cao hơn, bền vững hơn trong thời gian tới.

Đồng chí cũng đề nghị, với tinh thần khẩn trương quyết liệt, các đơn vị, địa phương triển khai nhiệm vụ thu chi ngân sách và giải ngân nguồn vốn xây dựng cơ bản ngay từ những ngày đầu năm, tạo hiệu ứng lan toả để phát triển kinh tế-xã hội trong năm 2023.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc nêu bật những điểm sáng của kinh tế-xã hội năm 2022

Kết luận nội dung này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đúc kết lại những điểm nổi bật trong thực hiện tình hình kinh tế-xã hội năm 2022 của tỉnh. Đó là, theo báo cáo mới nhất của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ tiêu cuối cùng đã đạt, như vậy năm 2022 sẽ là năm đầu tiên tỉnh đạt trọn vẹn 19/19 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, trong đó có 9/9 chỉ tiêu kinh tế vượt kế hoạch; cũng là năm đầu tiên tỉnh và 9/9 huyện, thị xã, thành phố thu ngân sách hoàn thành kế hoạch thu trước thời hạn với kết quả thu cao; thương mại dịch vụ có khởi sắc, đặc biệt là du lịch với 4,5 triệu lượt khách, là một trong năm điểm du lịch lớn của cả nước thu hút du khách, doanh thu du lịch lần đầu tiên đạt trên ngưỡng 1.000 tỷ đồng; đạt kim ngạch xuất khẩu cao nhất từ trước tới nay với 6,4 tỷ USD. Quốc phòng an ninh giữ vững ổn định.


Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc chỉ đạo một số nhiệm vụ cần tập trung thực hiện trong năm 2023

Chủ tịch UBND tỉnh biểu dương các địa phương với những nỗ lực rất lớn vào tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh, đặc biệt là thu ngân sách và cho biết, tỉnh sẽ có khen thưởng các ngành, địa phương có thành tích xuất sắc.

Chủ tịch UBND tỉnh cũng chỉ ra những khó khăn trong năm, dù các doanh nghiệp có bức phá trong phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là doanh nghiệp FDI; cơ cấu lại ngành nông nghiệp còn chậm, chưa đạt được kết quả như mong muốn; triển khai một số dự án trọng điểm so tiến độ còn chậm; chậm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về đền bù chậm được tháo gỡ; nguồn lực đất đai chưa được khai thác hiệu quả; sắp xếp xử lý nhà đất theo quy định còn chậm; một số đột phá chiến lược về nông nghiệp, cải cách hành chính còn có mặt hạn chế; giải ngân vốn đầu tư công tuy đạt được tỷ lệ cao nhưng vẫn chưa đạt 100%; chuyển đổi số chưa có tính đột phá mạnh và chưa toàn diện; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn lỏng lẻo để xảy ra vi phạm pháp luật nhất là lĩnh vực đầu tư, xây dựng, y tế…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó, dịch Covid-19 kéo dài đã có tác động lớn, toàn diện đến phát triển kinh tế và đời sống người dân cần có thời gian để phục hồi; lạm phát tăng cao nhất là vật tư, nguyên liệu đầu vào; một số chính sách pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng có nội dung còn chưa tương thích dẫn đến việc áp dụng pháp luật khó khăn; chờ quy hoạch của tỉnh được phê duyệt mới thu hút đầu tư thuận lợi hơn; khó khăn vướng mắc trong đền bù giải phóng mặt bằng chậm được tháo gỡ; một bộ phận cán bộ quản lý các cấp từ tỉnh đến cơ sở chưa thật sự quyết liệt trách nhiệm cao trong lãnh đạo chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ chính trị…

Cơ bản thống nhất với các chi tiêu của năm 2023, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành, đơn vị, địa phương tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tập trung triển khai thực hiện nghị quyết của Tỉnh uỷ, của HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của năm 2023 ngay từ những ngày đầu năm với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất.

Thứ hai, phải tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch Covid-19; các dịch bệnh mới phát sinh bảo đảm môi trường trong trạng thái bình thường mới duy trì và khôi phục phát triển kinh tế.

Thứ ba, ngay sau khi Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh, phải đẩy nhanh triển khai, cụ thể hoá quy hoạch tỉnh một cách tập trung và quyết liệt nhất.

Thứ tư, sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tập trung hoàn thiện cơ sở pháp lý các dự án trọng điểm như dự án đường cao tốc TP.HCM-Mộc Bài, Gò Dầu-Xa Mát…tạo điều kiện hỗ trợ tối đa các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp để hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh.

Thứ năm, tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; khai thác tối đa các nguồn lực đặc biệt là nguồn lực về đất đai để bổ sung nguồn thu cho ngân sách.

Ngoài ra, phiên họp còn cho ý kiến một số nội dung khác chuẩn bị trình Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp cuối năm sắp tới.

XV


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây