Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Trần Lưu Quang phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc. |
Theo báo cáo của Sở Y tế, hiện tại số cán bộ y tế công lập trong toàn ngành là 2.916 người, trong đó có 472 bác sĩ và 67 dược sĩ. Tính chung công lập và ngoài công lập, toàn tỉnh có 745 bác sĩ-dược sĩ, đạt tỷ lệ 6,78 bác sĩ-dược sĩ/10.000 dân. Mặc dù vậy, tính riêng số bác sĩ thì Tây Ninh chỉ mới đạt 5,7 bác sĩ/10.000 dân, thấp hơn nhiều so với trung bình cả nước là 7 bác sĩ/10.000 dân.
Sở Y tế đã tham mưu trình UBND tỉnh đề xuất HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung chính sách tạm thời hỗ trợ, phát triển, thu hút nguồn nhân lực y tế giai đoạn 2009-2015.
Trong đó, sở kiến nghị tăng mức kinh phí thu hút bác sĩ; hỗ trợ về đào tạo nhân lực y tế, trong đó có đào tạo sinh viên ngành Y hệ chính quy; tăng mức trợ cấp hàng tháng đối với bác sĩ; chi trả tiền công cho bác sĩ đã nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục hợp đồng làm việc.
Về quy định người phát ngôn, Sở cho biết đang xây dựng quy chế và cung cấp thông tin nội bộ ngành, trong đó dự kiến giám đốc Sở Y tế là người phát ngôn chính thức của Sở; tại các đơn vị trực thuộc Sở thì thủ trưởng đơn vị là người phát ngôn chính thức.
Về việc sắp xếp lại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, Sở Y tế kiến nghị vẫn giữ nguyên mô hình hoạt động độc lập Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế; tiếp tục đầu tư nâng cấp Trường Trung cấp Y tế lên bậc cao đẳng; đề xuất tạm thời chưa quyết định đầu tư xây dựng Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS; điều chỉnh quy mô đầu tư Bệnh viện Tâm thần từ 100 giường xuống còn 50 giường bệnh.
Đối với công tác khám chữa bệnh, mặc dù các bệnh viện đã có nhiều đầu tư cải tiến, nâng cao chất lượng phục vụ nhưng thời gian qua, vẫn còn nhiều ý kiến than phiền về thời gian khám bệnh còn dài. Theo Sở, nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là thiếu bác sĩ nên không thể bố trí thêm người khám; cơ sở vật chất cũ, thiết kế không phù hợp nên không thể bố trí thêm không gian phòng khám.
Giải pháp trước mắt là Sở đã chỉ đạo các bệnh viện tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và bổ sung thêm điều dưỡng hỗ trợ bác sĩ trong các thủ tục hành chính để tăng thời gian khám bệnh cho bác sĩ.
Về cơ sở vật chất, các dự án xây dựng bệnh viện Y học cổ truyền và TTYT các huyện Châu Thành, Dương Minh Châu được thực hiện đúng tiến độ. Riêng BVĐK tỉnh đã có phương án sắp xếp, bảo đảm hoạt động thường xuyên trong quá trình thực hiện dự án xây dựng, cải tạo bệnh viện, hiện chưa cần huy động sự hỗ trợ của các cơ sở y tế khác.
Chụp X-quang cho bệnh nhân. Ảnh minh hoạ |
Sở cũng đã trình thẩm định dự án mua sắm trang thiết bị y tế, nhằm bổ sung, thay thế một số trang thiết bị đã xuống cấp, hư hỏng tại các đơn vị; đồng thời trang bị, thay thế loạt xe cứu thương xuống cấp, sắp hết niên hạn sử dụng ở các TTYT và BVĐK tỉnh.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Lưu Quang biểu dương những nỗ lực, sáng kiến giải quyết khó khăn trong công tác khám và điều trị bệnh của ngành Y tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch cũng lưu ý, về công tác khám chữa bệnh, BVĐK tỉnh cũng như các TTYT huyện/thành phố cần tăng cường cho phòng khám.
Nếu cần thiết, BVĐK cũng như các TTYT nên tận dụng cả khu hành chính để mở rộng phòng khám, dứt khoát không được để bệnh nhân chờ đợi lâu; ngành cần rà soát lại thiết bị máy móc đã được trang bị, không mua sắm ào ạt, khi đầu tư máy móc thiết bị thì phải có con người sử dụng và phục vụ tốt cho bệnh nhân; các đơn vị liên quan phải phối hợp chặt chẽ, thúc đẩy tiến độ xây dựng mới BVĐK tỉnh; triển khai nhanh việc xây dựng Trung tâm cấp cứu Gò Dầu theo hình thức xã hội hoá; chú trọng công tác tiêm chủng;...
Đối với việc nâng cấp trường trung cấp Y tế lên bậc cao đẳng, Phó Chủ tịch yêu cầu ngành phải có giải pháp giải quyết về vấn đề nhân lực; về tính khả thi của đề án nâng cấp chứ không xây dựng "cho có", tránh lãng phí.
Sở Y tế nhanh chóng thẩm định xong việc đánh giá, xếp hạng tạm thời cho 2 BVĐK tư nhân là BV Cao Văn Chí và BV Lê Ngọc Tùng trên cơ sở đánh giá các tiêu chuẩn về nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động chuyên môn kỹ thuật, khả năng cung cấp dịch vụ y tế…
Theo BTNO