Phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh giải pháp nào để nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong thời gian tới

Thứ tư - 10/11/2021 23:00 115 0
Sáng ngày 10/11, tại Nhà Quốc hội, theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn hai nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế và lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội. Đây là phiên chất vấn và trả lời chất vấn đầu tiên trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, được thực hiện theo tinh thần “hỏi nhanh, đáp gọn”.


Các đại biểu chất vấn tại hội trường

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trên cơ sở đề nghị của 63 Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, phiếu chất vấn của đại biểu Quốc hội, ý kiến cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 2 và vấn đề nổi lên qua các phiên thảo luận tại các tổ liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội, Quốc hội đã biểu quyết và lựa chọn ra 4 nhóm vấn đề để chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này. Đó là nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực y tế; nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực lao động, việc làm và các vấn đề xã hội; nhóm vấn đề về kinh tế vĩ mô, đầu tư công, phục hồi và phát triển kinh tế trong và hậu đại dịch; nhóm vấn đề liên quan đến giáo dục và đào tạo.


Đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đại biểu Huỳnh Thanh Phương- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh dẫn chứng: "Từ thực tế công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở nước ta trong thời gian vừa qua cho thấy, năng lực y tế còn nhiều bất cập, nhất là năng lực y tế cơ sở, năng lực y tế dự phòng. Cử tri cho rằng, chúng ta đã tập trung quá nhiều nguồn lực cho y tế điều trị, y tế chuyên sâu ở tuyến trên mà chưa quan tâm đầu tư y tế dự phòng, y tế cơ sở một cách thỏa đáng". Qua đó, đại biểu chất vấn: "Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của mình về vấn đề này; giải pháp nào để nâng cao năng lực y tế dự phòng, y tế cơ sở trong thời gian tới".


Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long trả lời chất vấn

Trả lời chất vấn của đại biểu Huỳnh Thanh Phương, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho rằng, y tế cơ sở, y tế dự phòng đã nhận được quan tâm trong thời gian qua nhưng không đáp ứng được yêu cầu. Theo Nghị quyết số 18 năm 2013 của Quốc hội, chúng ta phải dành tối thiểu 30% ngân sách của nhà nước cho y tế dự phòng. Tuy nhiên, thực tế có những địa phương quan tâm dành số lượng ngân sách cho y tế dự phòng khá lớn, có địa phương dành số lượng rất thấp, chỉ từ 7% đến 24% không đáp ứng được theo Nghị quyết số 18 của Quốc hội.

Bộ trưởng phân tích thêm, đối với đầu tư cho y tế dự phòng hiện nay còn rất hạn chế, rất ít dự án đầu tư công cho vấn đề y tế dự phòng. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã xây dựng đề án tăng cường năng lực cho y tế dự phòng để đáp ứng đối với tình hình dịch, kể cả 3 cấp. Ở các địa phương hình thành nên các CDC (Trung tâm kiểm soát bệnh tật) cố gắng đầu tư một số hoạt động mang tính chất cơ bản, như đầu tư cho labo (phòng xét nghiệm) an toàn sinh học cấp độ 4, hiện chưa có labo an toàn sinh học cấp độ 4 nào về nghiên cứu, bảo quản, phát triển đối với mầm bệnh, mà chỉ có labo an toàn sinh học cấp độ 3. Bên cạnh đó là hình thành CDC theo khu vực, vùng. Theo cơ chế sắp xếp, các địa phương hiện nay dồn các trung tâm lại, tức là có thể dồn 10, 15 trung tâm lại thành lập CDC, nhưng việc đầu tư cho cơ sở vật chất của CDC của các tỉnh, thành phố đó đáp ứng đúng theo yêu cầu và đủ năng lực trong việc ứng phó với đại dịch (có thể một đại dịch nào đó trong tương lai). Vì vậy, một số địa phương được khuyến nghị là phải có labo an toàn sinh học cấp độ 3 để đáp ứng được theo yêu cầu này.

Đồng thời, Bộ Y tế còn quan tâm tăng cường năng lực cho hệ thống này nhất là nhân lực y tế, y tế dự phòng. Trong đó tăng cường đào tạo bác sĩ y tế dự phòng, tăng cường đào tạo chuyên khoa y tế dự phòng; xây dựng các chính sách đối với cán bộ y tế dự phòng, bởi, trong thời gian, dù đã có các chính sách nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến hoạt động trong khối y tế dự phòng còn rất yếu.

Tại hội trường, Bộ trưởng Bộ Y tế còn nhận nhiều ý kiến chất vấn về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới; Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế…

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Bộ Trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng tham gia giải trình các vấn đề liên quan.

Được biết, Quốc hội sẽ dành 2,5 ngày làm việc để thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Gia Thọ


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây