Tổng kết công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi năm 2022

Thứ bảy - 10/12/2022 16:00 314 0
Sáng ngày 10/12, tại tỉnh Tây Ninh, Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức hội nghị phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi cuối năm 2022 và đầu năm 2023.

tongketpcdbvatnuoi-1.jpg

Các đồng chí chủ trì hội nghị

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến chủ trì hội nghị. Đồng chủ trì có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long. 

Tham dự hội nghị có lãnh đạo các bộ, ngành liên quan, lãnh đạo UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chi cục chăn nuôi và thú ý 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

 tongketpcdbvatnuoi-2.jpg

Quang cảnh hội nghị

Phát biểu mở đầu hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến cho biết, là tỉnh có cơ cấu kinh tế nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng cao, cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi trong những năm qua đã được tỉnh rất quan tâm thu hút đầu tư, mang lại kết quả tích cực. Từ năm 2016 đến nay đã có 113 dự án được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương, gồm 32 dự án chăn nuôi gà (trong đó có 16 dự đã đi vào hoạt động), 77 dự án chăn nuôi heo (trong đó có 17 trang trại đã đi vào hoạt động), 01 dự án nuôi bò thịt, 01 dự án kết hợp nuôi bò thịt và dê; 02 dự án nuôi bò sữa. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đã và đang hình thành các chuỗi liên kết sản xuất – tiêu thụ heo thịt, bò thịt, bò sữa, gà thịt, gà trứng.

 tongketpcdbvatnuoi-3.jpg

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến phát biểu mở đầu hội nghị

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh, những năm gần đây, khi dịch bệnh động vật trên địa bàn cả nước diễn biến phức tạp, công tác phòng chống dịch bệnh địa bàn tỉnh Tây Ninh cũng gặp nhiều khó khăn với, nhiều loại dịch bệnh mới như bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Viêm da nổi cục trâu bò phát sinh và gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước và người chăn nuôi. Năm 2022, tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh ổn định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với các đơn vị có liên quan và chính quyền địa phương xử lý 19 ổ Dịch tả lợn châu Phi và kể từ ngày đầu tháng 2/2022 trở đi không xảy ra dịch bệnh động vật trên địa bàn tỉnh. Công tác phòng chống dịch bệnh động vật luôn được UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. 

tongketpcdbvatnuoi-4.jpg 

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến phát biểu tại hội nghị

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, năm 2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố rất quan tâm chỉ đạo triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Kết quả, đã cơ bản kiểm soát tốt các loại dịch bệnh trên đàn vật nuôi, tạo thuận lợi cho chăn nuôi phát triển. Đồng thời, Bộ đã có nhiều văn bản, cũng như thành lập hàng chục đoàn công tác thường xuyên, liên tục đến các địa phương để chỉ đạo, đôn đốc công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; đẩy mạnh việc xây dựng và đến nay đã có hơn 2.200 cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Do đó, các loại dịch bệnh động vật đã cơ bản được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho chăn nuôi phát triển. 

Với nhận định nguy cơ các loại dịch bệnh động vật xảy ra trong thời gian tới là rất cao do, trong khi tổng đàn gia súc, gia cầm rất lớn; nuôi nhỏ lẻ chiếm tỷ trọng lớn; các loại mầm bệnh còn lưu hành với tỷ lệ cao, ở phạm vi rộng trong đó có các loại mầm bệnh tồn tại lâu ngoài môi trường lây lan nhanh và rộng do các véc tơ truyền bệnh, dịch bệnh thủy sản khó kiểm soát; nhu cầu vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ động vật, sản phẩm động vật trong các tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023 tăng mạnh, trong khi giết mổ nhỏ lẻ vẫn chiếm đa số; thời tiết biến động bất lợi, Thứ trưởng đề nghị các địa phương, các đơn vị báo cáo bổ sung để làm cơ sở trao đổi, thống nhất, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục chỉ đạo triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch bệnh động vật để phát triển chăn nuôi trong năm 2023.

 tongketpcdbvatnuoi-5.jpg

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Chiến tham quan các gian hàng trưng bày các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh

Theo Cục Thú y, năm 2022, dịch bệnh trên đàn vật nuôi diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi vẫn gặp khó khăn do giá thức ăn ở mức cao, đặc biệt đối với hộ chăn nuôi quy mô nhỏ. Với sự quan tâm chỉ đạo của các cơ quan trung ương, địa phương, việc kiểm soát, phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh trên đàn vật nuôi được thực hiện tốt nên chăn nuôi phát triển ổn định, người chăn nuôi chủ động được nguồn giống và nhu cầu thị trường tốt. Tổng đàn hơn 540 triệu con gia cầm, 28,4 triệu con lợn, đàn bò tăng 3,5%, đàn trâu giảm 2,4%.

Với Dịch tả lợn châu Phi, từ đầu năm đến nay, cả nước đã xảy ra 1.217 ổ dịch tại 53 tỉnh, thành phố, buộc tiêu hủy 57.914 con lợn. So với cùng kỳ năm trước, số ổ dịch giảm 60%, số lợn phải tiêu hủy giảm gần 80%. 

Cả nước xảy ra 48 ổ dịch cúm gia cầm tại 38 huyện của 22 tỉnh, thành phố, tổng số gia cầm chết, tiêu hủy là 97.822 con. Bệnh lở mồm long móng phát sinh 18 ổ dịch tại 11 huyện của 8 tỉnh, thành phố, số con phải tiêu hủy 20 con. Bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò phát sinh 247 ổ dịch tại 16 tỉnh, thành phố. Số gia súc mắc bệnh buộc phải tiêu hủy là 455 con. Bệnh tai xanh từ đầu năm cả nước chỉ phát sinh 1 ổ dịch tại tỉnh Thái Nguyên, số lợn mắc bệnh, chết phải tiêu hủy là 30 con. 

Riêng bệnh dại gia tăng, báo cáo của Bộ Y tế cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 64 người tử vong do bệnh dại, nhiều nhất là tỉnh Bến Tre (13 ca); bệnh dại trên động vật, phát hiện 11 tỉnh có virus bệnh dại, trong đó có tỉnh Tây Ninh. Số người tử vong do bệnh dại có chiều hướng gia tăng ở các tỉnh có nguy cơ cao, ngược lại có xu hướng gia tăng ở các tỉnh có nguy cơ thấp và xuất hiện ở một số tỉnh mới. Cục Thú y cảnh báo nguy cơ bệnh dại tiếp tục xảy ra và gây bệnh trên người trong thời gian tới là rất cao.

Để phòng chống dịch bệnh hiệu quả, các tỉnh, thành xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, thống kê từ năm 2016 đến nay có 2.210 cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh được chứng nhận đối với 20 bệnh.

 tongketpcdbvatnuoi-6.jpg

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Đình Xuân nêu tình hình dịch bệnh trên vật nuôi ở Tây Ninh

Riêng trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, có 60 cơ sở chăn nuôi (22 cơ sở chăn nuôi gà, 38 cơ sở chăn nuôi heo) được cấp giấy chứng nhân VietGAHP; huyện Dương Minh Châu được Cục Thú y công nhận là vùng an toàn dịch bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn; có 03 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã (Cẩm Giang, Hiệp Thạnh, Phước Trạch) thuộc huyện Gò Dầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh Cúm gia cầm và Niu-cát-xơn trên gà, 06 cơ sở an toàn dịch bệnh cấp xã (Long Khánh, Long Phước, Long Giang, Long Thuận, Lợi Thuận, Tiên Thuận) thuộc huyện Bến Cầu an toàn dịch bệnh đối với bệnh Lở mồm long móng, có 73 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận an toàn dịch bệnh (59 cơ sở chăn nuôi gà, 12 cơ sở chăn nuôi heo, 02 cơ sở chăn nuôi bò).

Tại hội nghị, các địa phương trao đổi, thảo luận thêm về những thuận lợi, khó khăn trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Trong đó, có những khó khăn do công tác chủ động giám sát phát hiện, báo cáo và công bố dịch bệnh chưa kịp thời, chính quyền và các cơ quan chuyên môn còn chủ quan, lơ là, không nắm rõ thông tin dịch bệnh, còn tình trạng người dân bán chạy động vật mắc bệnh làm lây lan dịch bệnh. Thêm vào đó, công tác quản lý vận chuyển chưa tốt, chưa đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh; điều kiện cơ sở vật chất của hệ thống các trạm kiểm dịch đầu mối giao thông chưa đáp ứng yêu cầu. 

Riêng ở Tây Ninh, tỉnh gặp phải khó khăn do các hộ dân và cơ sở chưa quan tâm thực hiện các biện pháp an toàn sinh học. Ý thức của một số hộ dân còn thấp trong công tác chống dịch, chưa tuân thủ theo khuyến cáo của nhân viên thú y. 

Kết luận hội nghị, Thứ trưởng ghi nhận những nỗ lực của các tỉnh, thành trong thực hiện phòng chống dịch nhờ nhận thức và hành động quyết liệt, nâng cao trách nhiệm của các tỉnh, thành cùng với việc đẩy mạnh công tác tiêm vaccine.

 tongketpcdbvatnuoi-7.jpg

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị các tỉnh, thành phố triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch

Chỉ đạo nhiệm vụ trong năm 2023, đặc biệt là trong thời gian trước và sau Tết nguyên đán, Thứ trưởng đề nghị các địa phương tập trung các nguồn lực để tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch; tiếp tục triển khai Tháng vệ sinh, sát trùng tiêu độc trước và sau Tết nguyên đán để tiêu diệt các loại mầm bệnh; khẩn trương kiện toàn và củng cố, tăng cường năng lực thú ý theo quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án tăng cường năng lực hệ thống cơ quan thú y các cấp giai đoạn 2021-2030” để bảo đảm các nguồn lực phòng, chống dịch bệnh động vật.

Đồng thời triển khai các đề án quốc gia, trong đó có chuyển đổi số; tiếp tục quan tâm giết mổ, kiểm dịch, kiểm soát vận chuyển động vật, sản phẩm động vật; tổ chức ngăn chăn và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trái phép qua biên giới.

Duy trì việc tiêm vaccine phòng chống các loại dịch bệnh; xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh bền vững hơn với việc củng cố lại và mở rộng không gian, quản lý hệ thống giết mổ khoa học hơn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại; chuyển đổi số trong công tác thú y, cải cách hành chính; tăng cường truyền thông sâu rộng bằng nhiều hình thức về công tác phòng chống dịch để nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác này trong thời gian tới. 

QN




Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây