Tây Ninh là một trong 11 địa phương kéo giảm tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2021

Thứ bảy - 16/10/2021 10:00 125 0
Chiều ngày 15/10, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông 9 tháng và đề ra phương hướng, nhiệm vụ quý IV năm 2021. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh - Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia chủ trì hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh có đồng chí Trần Văn Chiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các thành viên Ban An toàn giao thông tỉnh.

Tại hội nghị, Phó Chủ tịch Chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã quan tâm công tác chỉ đạo, xây dựng hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng các hình thức về các quy định bảo đảm trật tự ATGT gắn với kiểm soát phòng, chống dịch COVID-19. Riêng Bộ Công an triển khai thực hiện có hiệu quả 3 đợt cao điểm bảo đảm trật tự ATGT, trật tự xã hội trong các dịp lễ lớn.

Tính đến ngày 15/9/2021, lực lượng Cảnh sát giao thông đã xử lý hơn hơn 2,2 triệu trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa, phạt tiền hơn 2.170 tỷ đồng, tước trên 200.700 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn, tạm giữ gần 400.000 phương tiện các loại. So với cùng kỳ năm 2020, giảm hơn 576.000 trường hợp, tiền phạt giảm hơn 357 tỷ đồng. Trong đó, đường bộ vẫn có số vụ vi phạm cao nhất với hơn 2,1 triệu trường hợp.

Tổ công tác của Bộ Giao thông Vận tải và các tiểu tổ thường xuyên đi kiểm tra, đôn đốc công tác tổ chức giao thông tại các chốt kiểm soát dịch trên các tuyến giao thông của các địa phương, đặc biệt là trong khu vực 19 tỉnh thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg và các địa phương giáp ranh ở khu vực phía Nam, khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh…. Qua kết quả kiểm tra đã kịp thời, hướng dẫn, chấn chỉnh một số tồn tại, hạn chế.

Tính đến 15/9/2021, toàn quốc đăng ký mới trên 303.00 xe ô tô, gần 2 triệu xe mô tô, hơn 100.000 xe máy điện; nâng tổng số xe đã đăng ký, tính đến ngày 14/9/2021 là hơn 5,1 triệu xe ô tô, hơn 67 triệu xe mô tô và hơn 1,6 triệu xe máy điện.

Với sự vào cuộc tích cực của các Bộ, ngành, địa phương, tình hình trật tự ATGT năm 2021 tiếp tục có chuyển biến tốt, giảm cả 03 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể, toàn quốc xảy ra 8.161 vụ tai nạn giao thông, làm chết 4.175 người, bị thương 5.645 người. So với 9 tháng đầu năm 2020, số vụ TNGT giảm 2.527 vụ, số người chết giảm 817 người, số người bị thương giảm 2.237 người.


Các đại biểu tham dự tại điểm cầu tỉnh Tây Ninh

Theo Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an nguyên nhân xảy ra TNGT phần lớn do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường; kế đến là do chuyển hướng không chú ý, vượt xe sai quy định, vi phạm tốc độ xe chạy, sử dụng rượu bia, người đi bộ sang đường không đúng quy định, do dừng, đỗ sai quy định...

Có 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2020, trong đó 11 địa phương giảm trên 30% số người chết là: Tây Ninh, An Giang, Đồng Tháp, Yên Bái, Sơn La, Vĩnh Long, Long An, Bắc Giang, Lào Cai, Đồng Nai, Bến Tre.

Theo Ban An toàn giao thông tỉnh Tây Ninh, tính đến 14/9/2021, toàn tỉnh xảy ra 52 vụ, làm chết 21 người, bị thương 42 người. So cùng kỳ năm 2020, giảm 32 vụ, giảm 12 người chết, giảm 21 người bị thương. Đường thủy không xảy ra tai nạn giao thông.

Tuy nhiên, tình hình trật tự ATGT còn diễn biến phức tạp, số người chết do TNGT trong 02 tháng đầu năm 2021 tăng so với cùng kỳ năm 2020; mức độ giảm TNGT chưa tương xứng với mức độ giảm của lưu lượng giao thông; số vụ TNGT do nguyên nhân lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn gây ra có giảm nhưng vẫn còn không ít; còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội...

Các địa phương phát biểu phân tích, làm rõ hơn về kết quả bảo đảm ATGT trên địa bàn, đề xuất phương án tổ chức các hoạt động vận tải đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trong thời gian tiếp theo; kinh nghiệm ứng dụng công nghệ trong quản lý hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự ATGT phục vụ người dân đi lại di chuyển trong thành phố và liên vùng; phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp kéo giảm TNGT, kinh nghiệm, bài học trong việc tổ chức đón người dân về quê đảm bảo an toàn; lưu thông hàng hóa….

Kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh ghi nhận những nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương đã kéo giảm cả 3 tiêu chí về tai nạn giao thông trong 9 tháng năm 2021, nhưng Phó Thủ tướng cũng lo lắng, tuy tai nạn giao thông có giảm, nhưng số người chết và người bị thương vẫn còn lớn. Phó Thủ tướng lo ngại khi trở lại trạng thái bình thường mới, dễ dẫn đến các nguy cơ dẫn đến mất an toàn giao thông do lưu lượng người, phương tiện tăng cao, vận tải hàng hóa tăng cao. Do đó, các bộ, ngành, địa phương cần có biện pháp quyết liệt để trong những tháng còn lại của cả năm 2021 đạt được mục tiêu đề ra là kéo giảm cả 3 tiêu chí.

Phó Thủ tướng chỉ rõ một số nguyên nhân chủ quan khiến các chỉ tiêu chưa được giảm sâu, đó là sự chưa quyết liệt trong chỉ đạo, chưa làm tốt công tác kiểm tra kiểm soát chất lượng các phương tiện vận tải, kiểm soát tải trọng xe bởi nhiều vụ tai nạn xảy ra do quá tải, quan trọng nhất là ý thức của người tham gia giao thông chưa cao.

Chỉ đạo nhiệm vụ từ nay đến cuối năm, Phó Thủ tướng yêu cầu Uỷ ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì phối hợp các bộ, ngành xây dựng kế hoạch hành động thực hiện Quyết định 2060/Qđ-TTg, ngày 12/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo đảm an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; tổ chức các đoàn kiểm tra đôn đốc, thực hiện nhiệm vụ phù hợp với tình hình đảm bảo an toàn giao thông của từng tỉnh, thành.

Các bộ, ngành, nhất là Bộ Giao thông Vận tải chú trọng hoàn thiện dự thảo Luật Giao thông đường bộ, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đường sắt; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ giải pháp trong kiểm soát trọng lượng quá tải của xe; triển khai các dự án xây dựng nâng cấp cơ sở hạ tầng, nhất là triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP liên quan vấn đề vận tải hàng hóa, vận tải hành khách…nhằm thực hiện tốt mục tiêu kép, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục, phát triển kinh tế-xã hội.

QN


Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây